Chiều. Chúng tôi dừng chân trên đường tuần tra, sau một hành trình dài lăn lộn trên biên giới. Dưới tán lá miên man của rặng thốt nốt cao ngút ngát, cảm giác thư thái, dịu dàng bỗng ùa về, dồn những mệt mỏi rã rời xuống đôi bàn chân rồi tan biến. Cảnh sắc thanh bình quá. Bên kia biên giới, một ngôi nhà của người Khmer được dựng ngay trên bờ ruộng. Khói bếp xanh lam len lỏi bay lên từ mái lá, uốn lượn một vòng huyền hoặc trước khi tan biến đi vào trời mây xanh ngắt.
Câu chuyện của tổ tuần tra biên phòng đang vui vẻ với những pha trò, dí dỏm bỗng dưng chùng xuống. Ai đó nhắc: “Ngọn khói này giống khói bếp quê hương mình quá!”. Bất giác, những kỷ niệm của tuổi thơ trong chúng tôi chợt ùa về bâng khuâng, da diết. Cả đội hình chợt lặng đi, mỗi người chợt chìm vào những miền suy tưởng.
Thuở ấy, quê chúng tôi nghèo. Cái nghèo trong cả một thời khốn khó. Bố mẹ phải lo trước, liệu sau đủ trăm bề mới mong cho căn bếp trong nhà, ngày đôi lần đỏ lửa. Sau vụ gặt, khi những hạt thóc cuối cùng ngoài ruộng lúa, trên đường làng được nhặt nhạnh sạch sẽ, chị em tôi lại quảy đôi “quang gánh nhỡ” đi mót nhặt từng gốc rạ khẳng khiu nằm co quắp trên những luống cày ải trắng. Gốc rạ được vò đập, giũ đất sạch sẽ, phơi khô, dùng để thổi cơm dần.
Quê tôi ở giữa vùng đồng bằng châu thổ, ngọn lửa hồng cho bữa cơm nghèo thường được nhen lên từ rạ và gốc rạ. Những cọng rơm óng vàng, thơm ngai ngái. Nếu là rơm nếp được dùng để bện chổi, làm lạt buộc giàn mướp, giàn bầu, còn nếu là rơm tẻ được dùng làm thức ăn dự trữ cho những ngày mưa dầm, những đêm đông rét mướt của các bạn trâu cày. Củi có rất ít nên chỉ để dành cho những dịp giỗ chạp hay khi thật cần thiết mới được mang ra dùng.
Bây giờ, ngay ở quê tôi chắc cũng chả còn ai dùng rạ để nấu cơm. Rồi có thể mai này ít người biết phân biệt đâu là rơm, đâu là rạ nữa. Rạ là phần nửa dưới của thân cây lúa, sau khi đã thu hoạch. Còn phần ngọn, sau khi tuốt những hạt thóc đi rồi, được gọi là rơm. Rạ ra đời trước nhất, bắt đầu từ những mầm mạ non. Trải bao ngày tháng, thân cây lúa bám chặt lấy đất và nước, chắt chiu, dồn hết dinh dưỡng cho phần bông để dâng hiến cho đời những hạt gạo căng tròn, thơm thảo. Hết bổn phận của mình, phần thân rạ rã rời, mục gãy. Trước khi trở thành tro trở về bón đất, rạ tận hiến chút tinh lực cuối cùng, cháy bừng lên thành ngọn lửa cho căn bếp thơm nồng.
Cuộc đời của mẹ như đời lúa. Trải biết bao sương gió, nắng mưa, mẹ chăm chút cho đời những mùa vàng bất tận, cho chúng con thơm thảo làm người. Hơn hai mươi tuổi, mẹ về làm dâu nhà chồng. Gia cảnh đôi bên nội ngoại đều nghèo nên tài sản ra riêng của bố mẹ chỉ có hai chiếc nồi đồng, ba đôi gà giống với vài chục cân thóc. Vốn liếng chẳng có, công điểm hợp tác xã thì thấp nên dù có "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", quần quật từ nửa đêm gà gáy đến tối nhọ mặt người, nhà cũng chỉ tằn tiện hai bữa cơm đạm bạc.
Năm ấy, vào giữa vụ hè, mẹ nhận cấy khoán cho đội sản xuất cả mấy mẫu ruộng. Suốt vụ bố đi theo tổ cày hợp tác, đồng gần đồng xa, theo chân trâu cày, bòn mót từng chút công điểm. Một mình mẹ vừa nuôi con nhỏ, vừa làm việc nhà, vừa làm việc đồng áng. Mẹ ăn uống thất thường, tất tả chạy đua với công việc, đêm hôm còn phải thức quạt cho con. Bởi vì hễ ngưng tay quạt thì anh hai tôi lại khóc. Đôi cánh tay mẹ rã rời, mắt thâm quầng, thiếu ngủ.
Một buổi chiều muộn, bố tôi đánh trâu ở ngoài đồng về. Vừa tới cửa, bỗng bố khựng ngay người lại. Trong ánh sáng nhập nhoạng và khói, mẹ nằm vật ra giữa nhà bếp, bất tỉnh. Mồ hôi trên người vã ra như tắm, mặt mày tái mét. Chị cả với anh hai tôi vừa mới lên năm, lên ba tuổi ngằn ngặt khóc bên cạnh vì hoảng sợ. Trên tay mẹ vẫn còn cầm chiếc rổ. Những cọng rau vương vãi tứ tung trên rơm rạ, trên mặt bếp. Bình tĩnh như ngày còn ở chiến trường thời chống Mỹ, bố lay gọi, giật tóc mai, xoa bóp một hồi thật lâu mẹ mới từ từ tỉnh lại…
Thì ra mẹ bị suy nhược cơ thể quá nặng, đi cấy cả ngày cũng chỉ được lưng cơm với củ khoai lang ăn lót dạ. Dù rất mệt nhưng mẹ vẫn gắng gượng lo bữa cơm chiều, sao cho kịp giờ để bố về ăn, tối còn ra ngòi Cun Cút đơm đó chạch. Vừa thổi cơm, đun nước, nấu cám lợn, mẹ vừa giã mớ “cua bò” mới bắt được trong lúc đi cấy. “Hai tay ba bếp lại còn giã cua”, một công tranh thủ đôi ba việc. Đến khi mẹ vùi xong nồi cơm, đứng lên đi rửa rau thì bỗng tối sầm mặt mũi rồi ngã lăn ra bếp. Cũng rất may bố vừa về kịp. Rồi bố ra trạm xá xã mua thuốc về tiêm cho mẹ. Một chút vốn kiến thức quân y học từ ngày còn trong rừng Trường Sơn vậy mà bố điều trị bách bệnh cho cả gia đình. Bệnh vậy mà mẹ cũng chỉ ở nhà một ngày nghỉ ngơi, thuốc thang, tờ mờ sáng hôm sau mẹ đã lại ra đồng nhổ mạ, đi cấy như bình thường.
Trên mảnh đất ít ỏi được giao khoán, ngoài hai vụ lúa, bố mẹ thâm canh mùa nào thức ấy. Thậm chí có những giống cây xen canh tăng vụ như dưa hấu, dưa gang, ngô, đậu,... được trồng ở những hàng lúa cấy sớm, chạy trước cho kịp với mùa sau. Những bãi đất hoang, những bờ ao, máng nước và trong mảnh vườn nhà nho nhỏ, mẹ tận dụng trồng đủ các loại rau, củ, quả. Bố mẹ còn nuôi nhiều loại gia cầm từ nhỏ đến lớn và một ao đầy ắp các loại cá, cho ăn cỏ và cám mỗi buổi chiều. Một phần nhỏ hoa lợi để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, còn phần lớn dành để đi chợ bán, cải thiện kinh tế gia đình.
Cứ như vậy, bố mẹ tôi chắt chiu từ hạt lúa, củ khoai, con gà, con vịt,... cuộc sống gia đình ngày càng thêm khấm khá. Đến khi sinh tôi cũng là thời điểm bố mẹ cất được ngôi nhà xây, ba gian mái ngói đỏ, hai gian mái bằng, vào diện khá đẹp trong làng Đún Nội. Ngày dựng cột chuẩn bị cất nóc, ông ngoại tôi viết tặng các con đôi câu đối đặt hai bên quá giang. Hàng chữ Quốc ngữ được viết theo lối thư pháp uốn lượn, bay bổng: “Kiệm cần tu tựu chỉ - Sáng tạo xứng tân cơ”.
Ông tôi giải nghĩa rằng: Lấy tiết kiệm, cần cù làm phương châm sống - (nhưng cũng phải biết) sáng tạo để gây dựng cơ nghiệp mới. Cho tới đầu những năm hai nghìn, ngôi nhà vẫn còn rất chắc chắn trước khi được thay thế bằng ngôi nhà mái bằng mới cho phù hợp với đời sống mới.
Hơn hai mươi năm tôi đi thoát ly. Nhờ điều kiện công tác, tôi đã đi hầu khắp tất cả vùng, miền trong cả nước, đã thưởng thức ẩm thực ở nhiều nơi với những nét văn hóa đặc trưng khác nhau; tôi cũng đã từng đặt chân đến nhà hàng, đám tiệc, có cả sơn hào hải vị. Nhưng bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời vẫn là những bữa cơm mẹ nấu. Những bữa cơm ngon từ ngày thơ ấu, đậm sâu trong tiềm thức và theo suốt cuộc đời.
Tháng bảy năm ấy, một trận bão to khủng khiếp từ biển Đông tràn vào quê tôi, cướp đi gần như toàn bộ hoa màu của vụ Hè Thu sắp đến kỳ thu hoạch. Từ xế trưa hôm trước, khi gió bão sắp tràn về, cả nhà tôi thu dọn chiếu chăn, đồ đạc vào hai gian buồng, thường ngày vốn chỉ dành làm kho chứa thóc, vì bí bức và nóng. Sau bữa cơm chiều, cơn bão mỗi lúc một mạnh dần lên, cây cối trước sân bắt đầu chuyển mình nghiêng ngả. Nửa đêm về sáng, tâm bão đến. Qua cánh cửa sổ, tôi nghe thấy gió gầm rú liên hồi, tiếng đồ vật bay loảng xoảng, tiếng cây gãy đổ đớn đau răng rắc. Mấy mẹ con và cả chó, mèo nằm thu mình bên cót thóc đợi bão tan. Bố ở ngoài lều, dầm mình trong bão gió để đắp chặn bờ ao, đề phòng nước dâng vỡ bờ, cá nuôi mừng nước bơi đi mất. Cơn bão kéo dài như con chằn tinh trong chuyện cổ tích.
Chiều hôm sau thì cơn bão đi qua, mấy mẹ con tôi mới dám mở cửa buồng he hé chui ra. Lúc ấy đã tầm ba, bốn giờ chiều. Bầu trời xám ngắt, âm u. Cảnh tượng tan hoang, tiêu điều khủng khiếp. Gần như toàn bộ mái ngói của ba gian nhà bay đi hết, cây cối đổ trong vườn ngả nghiêng. Cây bạch đàn lớn nhất ngoài bờ ao đổ gập ngược lại, nằm ngả ra giữa khu vườn, đè nát những cây ổi, cây cam sai trĩu quả. Chuồng lợn ngập nước, hai chú lợn choai chạy ra ngoài ủi tung các luống rau, hốc đất tìm thức ăn. Bầy gà mẹ con co ro đậu trên cành cây, những cọng lông quyện lấy nhau, bết vào da thịt, run cầm cập.
Mấy chị em tôi phụ bố dọn dẹp nhà cửa, còn mẹ lo nấu bữa cơm chiều. Đống rạ đổ nghiêng ra giữa ngõ, ướt sũng. May còn đống rơm chưa bị tốc mái nhưng cũng xiêu vẹo, cọng ướt, cọng khô. Mẹ kê lại ba ông đầu rau vào góc nhà, nơi ráo nước. Gió vẫn còn quay quắt, mưa nhẹ dần nhưng vẫn tạt liên hồi. Ngọn khói xanh lam từ từ len lỏi cất lên. Mẹ che đậy tứ bề, khó khăn lắm mới giữ cho ngọn lửa không bị tắt. Nhưng rơm ướt, trời mưa gió, ngọn lửa leo lét, chập chờn trong bốn bề khói bay nghi ngút. Thổi được nồi cơm cạn nước thì khuôn mặt mẹ đã lấm lem tro bụi, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Không đủ tro ấm để vùi nồi cơm, mẹ xếp những gốc rạ còn khô xung quanh nồi rồi chất rơm, thổi lửa. Vì trời còn mưa nên khói không thoát ra ngoài được, khói tụ trên mái nhà rồi bay quẩn trở lại, ngập tràn trong căn bếp. Khói đen đặc, cay xè con mắt.
Cuối cùng thì nồi cơm và những quả trứng hấp chung cũng chín. Sau một ngày nhịn đói, bát cơm nóng hổi, ngào ngạt mùi thơm ngai ngái của khói và tro bếp. Thức ăn duy nhất chỉ có rau muống luộc chấm với trứng vịt dầm nước mắm ớt chỉ thiên mà ngon hơn bao giờ hết. Hạt cơm đi tới đâu, bao nhiêu cái đói khát, mệt mỏi, bao nhiêu cái lạnh đều tan biến đi tới đó cả. Thật đúng như câu thành ngữ “ấm từng khúc ruột”.
Mẹ chỉ ăn một bát rồi nhìn cả nhà ngồi ăn trong lặng lẽ. Mẹ xới bát cơm thật đầy, gắp thêm miếng lòng đỏ trứng vào bát cho tôi. Bao giờ cũng vậy, miếng ngon nhất mẹ luôn dành phần cho chồng, cho con. Mẹ bảo: “Con ăn từ từ thôi, không nghẹn đấy”. Tôi thấy tự nhiên nước mắt mẹ ứa ra, ngậm ngùi. Ánh mắt mẹ nhìn tôi vuốt ve, âu yếm. Niềm hạnh phúc xuyên suốt cuộc đời của mẹ là được chăm sóc cho chồng, cho con và sau này là cho các cháu.
Tôi đã ở trong quân ngũ, xa nhà, xa mẹ bao nhiêu năm rồi nhưng bữa cơm đạm bạc trong chiều mưa gió ấy còn thơm ngon và ấm mãi trong cuộc đời. Để rồi, mỗi khi nhìn ngọn khói lam chiều, dù ở bất kỳ nơi đâu, hình ảnh quê hương những ngày gian khó, hình ảnh mẹ một đời lam lũ, tảo tần, lo cho các con từng miếng cơm, manh áo lại hiện về ngập tràn trong tiềm thức: “Cơm chiều mẹ thổi khói bay - Từ muôn năm vẫn vương đầy mắt con”./.
Nguyễn Hội