Tiếng Việt | English

16/03/2023 - 10:38

'Cụ' da khắc ghi ký ức làng An Thạnh

Anh Đỗ Văn Nghĩa là nghệ nhân chơi kiểng và sở hữu một vườn bonsai mai vàng ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Anh vừa thông tin cho Hội Sinh vật cảnh tỉnh rằng ở ấp 2, xã An Thạnh, có một cây da (cây đa) cổ thụ đã sống qua hàng thế kỷ. Thế là, chúng tôi đi theo anh để tìm hiểu.

Xe dừng bên gốc “cụ” da có bộ rễ xù xì, tua tủa từ trên cao buông xuống bám khít vào gốc cây mẹ phô dáng “kỳ, cổ, quái” đầy vẻ uy nghi. Dưới chân cổ thụ là những lư nhang, am thờ; cạnh đó là một ngôi cổ miếu loang lổ màu rêu xám xỉn.

Anh Đỗ Văn Nghĩa đo phần gốc cách mặt đất 1,4m và trừ các rễ phụ tách rời khỏi thân cây, còn lại chu vi là 10m

Là người yêu thiên nhiên, sinh vật cảnh, anh Nghĩa đã dành nhiều thời gian đi tìm gốc tích cây da làng An Thạnh rồi ghi vào sổ một số thông tin thu thập được. Người địa phương gọi đây là cây da xà. Anh Nghĩa cho biết, những cái am dưới gốc cây kia đều thờ vong linh vất vưởng, do người dân cảm thương rồi lập am, thỉnh về để được thần cây che chở... Anh Nghĩa kéo thước dây đo theo tiêu chí cây Di sản Việt Nam: Đo phần gốc cách mặt đất 1,4m và trừ các rễ phụ tách rời khỏi thân cây, còn lại chu vi là 10m. Cây có 2 rễ phụ to như 2 cây cột dựng lên chống đỡ 2 cành nhánh lớn thì không đo chung với gốc cổ thụ. Theo tìm hiểu của anh Nghĩa, cây da xà do ông Mả Vôi trồng sau khi đến vùng đất này khai cơ lập nghiệp vào thời khẩn hoang. Ông Mả Vôi là ông tổ của dòng họ Huỳnh ở ấp 2, xã An Thạnh; tên ông là gì, năm sinh, năm mất thì không ai còn nhớ.

Được biết, “cây da” là hình ảnh xuất hiện trên nhiều tranh dân gian và trong thi ca, hò vè Việt Nam. Bài thơ Đồng chí của nhà thơ kháng chiến Chính Hữu có câu: “Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”. Cụ Nguyễn Trãi từng vịnh Cây đa già: “Tìm được lâm tuyền chốn dưỡng thân/ Một phen xuân tới, một phen xuân/ Tuy đà chưa có tài lương đống/ Bóng cả nhờ còn rợp đến dân”. Phải chăng Ức Trai tiên sinh nói về sức sống bền lâu của cây đa già mà vẫn xanh tươi vào mỗi dịp xuân về. Và, tuy gỗ không dùng được (tài lương đống), song vẫn phủ bóng xanh mát là vẫn còn có ích cho đời. Còn như cây đa Tân Trào, nơi mà ngày 16/8/1945 đã diễn ra cuộc Quốc dân Đại hội lịch sử, bầu ra Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,...

Nhà sử học Tôn Thất Thọ cũng từng viết “Cây đa, bến nước, sân đình… làm nên biểu tượng làng quê (...). Hình ảnh thân quen gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê qua bao thế kỷ...”. Nếu thế thì “cụ” da xà làng An Thạnh là một chứng nhân ghi bao ký ức đời làng. Giờ đây, An Thạnh không còn là “làng” theo nghĩa cũ nữa, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, dẫu bể dâu thay đổi thế nào, cổ thụ làng vẫn mãi mãi là một vòm xanh lồng lộng giữa trời.

Cây da có bộ rễ xù xì, tua tủa từ trên cao buông xuống bám khít vào gốc cây mẹ phô dáng “kỳ, cổ, quái” đầy vẻ uy nghi

Đọc báo, tôi được biết cách đây chưa lâu, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế từng mở hội nghị với các nhà khoa học để bàn giải pháp cứu một cây da cổ thụ bị bệnh. TP.HCM cũng từng lấy ý kiến của người dân về việc có nên đốn một cây cổ thụ; kết quả, ý dân là bằng mọi biện pháp phải giữ lại cây cổ thụ ấy một cách an toàn. Tôi nhớ ở khuôn viên Thư viện Sài Gòn (cũ) có gốc da cổ thụ cực đại, trước ngày giải phóng miền Nam, luôn có đông người đến ngồi dưới tán lá mênh mông để vừa hóng mát, vừa đọc sách. Tạp chí Việt Nam Hương Sắc (số 33-1996) cũng giới thiệu một cây đa lai si ở phố Hiến (tỉnh Hưng Yên): 2 gốc si cổ thụ chụm lại và cùng đội một ngọn đa trông thật cổ quái. Lạ đời: Gốc si mà ngọn đa!

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) là tổ chức do Chính phủ cho thành lập từ năm 2010. Đến nay, Hội đã xét, cấp bằng công nhận, vinh danh cây Di sản Việt Nam cho hàng ngàn cổ thụ trên khắp cả nước, trong đó, có 4 cổ thụ trên địa bàn tỉnh (do Hội Sinh vật cảnh tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận).

Cây di sản còn có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm. Những người con xa xứ đi đâu, về đâu cũng nhớ cổ thụ làng mình. Cây di sản từ đó là cội nguồn tiên tổ, khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người con đất Việt. Hy vọng sau 4 cây di sản đã được vinh danh, tỉnh sẽ có thêm cây Di sản Việt Nam là cây da cổ thụ làng An Thạnh và còn nhiều cổ thụ khác nữa./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết