Nét mộc mạc, thân thương của chợ nổi trên sông miền Tây
Những tuyến sông - đường giao thương
Những chuyến ghe thương hồ từ khắp các ngã năm, ngã bảy họp về đoạn sông mua bán, trao đổi hàng hóa hình thành chợ nổi với các loại trái cây, rau, củ,... đầy ắp xuồng, ghe dập dềnh sóng nước. Điều thú vị chúng tôi nhận ra là nếu như ở những vùng sông, rạch Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, người dân chủ yếu sử dụng ghe, xuồng máy, xuồng chèo trên sông khá hiền hòa thì trên những dòng kênh thẳng đuột, họ đi vỏ lãi composit xé nước Đồng Tháp Mười hay chạy như bay giữa bạt ngàn vuông tôm miệt Bạc Liêu, Cà Mau. Từ đường sông mưu sinh, trao đổi, mua bán hàng hóa, những tuyến giao thông thủy mở ra con đường giao thương quan trọng thúc đẩy KT-XH Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, mạng lưới sông, rạch ĐBSCL phân bố dày đặc với 26.550km sông tự nhiên, mật độ 0,67km/km2, giao thông thủy thuận lợi vào bậc nhất ở nước ta. Khu vực Nam bộ và ĐBSCL có 3 hệ thống sông chính Đồng Nai, sông Cửu Long và các sông ngắn nối biển Đông với biển Tây. Ngoài ra, còn có mạng lưới kênh, rạch liên kết các sông với nhau tạo thành hệ thống giao thông đường thủy hết sức thuận lợi.
Một doanh nghiệp sản xuất, chế biến lúa gạo ở TP.Cần Thơ so sánh thời gian vận chuyển từ Thốt Nốt đi TP.HCM khoảng 24 giờ, chậm hơn đường bộ khoảng 5 giờ, nhưng có thể vận chuyển số lượng lớn, giá chỉ bằng 1/3 so với đường bộ. Ưu thế đó không ngừng được phát huy, nhất là thời gian gần đây, nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, nông sản,... dần chuyển sang các loại ghe tàu, xà lan. Anh Nguyễn Văn Tâm - chủ xà lan 650 tấn, chuyên chở nguyên liệu sản xuất thức ăn từ các tỉnh, thành ĐBSCL đi Đồng Nai và chở thức ăn thành phẩm chiều ngược lại, cho biết, lượng hàng vận chuyển ngày càng tăng. “Đội xà lan của anh em, bà con tôi ở vàm sông Măng Thít (Vĩnh Long) hơn 30 chiếc nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu” - anh Tâm nói.
Hai tuyến sông huyết mạch sông Tiền và sông Hậu có vô số kênh, rạch kết nối tạo thành những tuyến giao thông thủy rất thuận lợi. Chẳng hạn, sông Vàm Nao (An Giang) nối sông Tiền với sông Hậu như một dấu gạch ngang của chữ H, dài chỉ 6,5km nhưng là “tuyến quá cảnh” thuộc tuyến sông Hậu từ cửa Định An qua Vàm Nao và sông Tiền đến cảng Phnom Penh (Campuchia). Sông Măng Thít dài hơn 48km nối nhánh Cung Hầu của sông Tiền chạy qua Vĩnh Long tới sông Hậu tại cù cao Mây (Trà Ôn). Tuyến sông nối liền ĐBSCL với TP.HCM, miền Đông Nam bộ, đóng vai trò kết nối trung chuyển hàng nông sản từ các tỉnh, thành ĐBSCL đến TP.HCM và chiều ngược lại, hàng công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng về miền Tây. Sông Măng cũng tiếp đón hàng chục du thuyền lớn nhỏ xuôi ngược ngày đêm, đưa du khách lênh đênh sông nước Cửu Long, qua Campuchia trên dòng Mekong.
Dọc ngang Đồng Tháp Mười
Tôi lên chuyến ghe buôn 35 tấn từ sông Long Hồ, qua vàm Vĩnh Long nước xoáy cuồn cuộn, anh Sơn - người chủ ghe dạn dày trên 30 năm sông nước, nhả ga cho ghe nương theo dòng chảy vượt qua. Sông Cổ Chiên đón ánh mặt trời đầu ngày mới.
Xuôi con nước, chúng tôi vào sông Mương Lộ giữa đôi bờ cây trái tốt tươi miệt vườn sông nước cù lao Minh (Vĩnh Long). Mương Lộ là đường tắt vận chuyển hàng hóa từ sông Cổ Chiên ra sông Tiền, tấp nập ghe tàu. Cũng là tuyến đường sông du lịch lý thú của Vĩnh Long. Đường sông đưa khách đến vườn trái cây, thăm nhà cổ, ở homestay với người dân hiếu khách, hiền hòa. Không hẹn mà nhiều đường sông hợp lưu nơi ngã ba sông thành chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp. Ghe lần theo cây bẹo treo từng bụi khoai mì, chùm cóc, ổi, trái bầu, bí,...
Dọc những dãy phố chợ Cái Bè soi bóng nước. Sắp tới chợ gạo, từ xa đã thoảng hương thơm mùi gạo mới,... Anh Sơn khoèo chân cần lái, đứng trên mui hóng coi đường sông đông hay thưa, bảo “bữa nay đi khỏe re. Chắc ghe lúa chưa kịp về nên đường thông thống. Mùa này qua lại dễ dàng, mùa Đông Xuân tháng 2, tháng 3 (âm lịch), tui đâu dám đi, ghe lúa gạo kẹt cứng”. Tuy vậy, vẫn phải đi chậm, vừa né ghe lúa gạo khẳm lừ, vừa lách mấy lớp ghe đậu bến sông. Trên bến, nhà máy san sát, cần băng tải như những cánh tay vươn ra sông, gánh bớt công việc bốc vác lúa từ ghe lên nhà máy, đẩy trấu xuống ghe.
Chợ gạo Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - chợ gạo lớn nhất ĐBSCL, có nhiều đường sông cùng đổ về, đặc biệt các tuyến kênh đưa hầu hết lượng lúa gạo vùng Đồng Tháp Mười tới đây. Chợ gạo không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương mà còn thu hút lực lượng hàng xáo hùng hậu. Với loại ghe tải trọng “vừa vừa” vài ba chục tấn, hàng xáo không ngại kênh, rạch nhỏ, vào đồng ruộng sâu,... thu mua lúa cung cấp cho cả trăm nhà máy xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu hoạt động ngày đêm.
Ghe chở trấu “sừng sững” lướt đi trên sông
Giới kinh doanh coi chợ gạo là “sàn giao dịch”. Muốn biết tình hình lúa gạo miền Tây, sản xuất giống gì, sản lượng, giá cả,... phải tới Bà Đắc. Nhìn vào hoạt động của các nhà máy chạy hết công suất hay cầm chừng, người ta có thể đoán biết thị trường “đói” hay “no” gạo... Giới báo chí muốn kiểm định nguồn tin thị trường, xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch ra sao cũng phải nhờ chợ gạo Bà Đắc.
Nói đến Đồng Tháp Mười, nghĩ ngay đến “vựa lúa”. Đồng Tháp Mười trải trên 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang với cây chủ lực là lúa, sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, gần đây có thêm khóm, khoai mỡ,... Đồng Tháp Mười ghi đậm dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những ý tưởng đột phá làm thay đổi hoàn toàn Đồng Tháp Mười. Những cụm từ “sống chung với lũ”, “kiểm soát lũ” cố Thủ tướng đã phát kiến từ năm 1995. GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, khẳng định: “Chính đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra ý tưởng ĐBSCL phải chung sống với lũ”.
Từ cuộc cách mạng phát triển hệ thống thủy lợi, Đồng Tháp Mười được đánh thức. Mạng lưới kênh, mương được đào đắp dẫn sâu vào Đồng Tháp Mười đưa nước ngọt, tháo chua, rửa phèn, cải tạo đất, mở rộng diện tích sản xuất lúa lên 2-3 vụ/năm. Phục vụ phát triển giao thông thủy, dân cư làm ăn, sinh sống và phát triển sản xuất. Đặc biệt, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km xuyên qua Đồng Tháp Mười của Đồng Tháp và Long An, được xem là con kênh dài nhất, lớn nhất được đào thủ công từ năm 1977.
Những tuyến kênh ngày nay còn có nhiệm vụ chuyển lúa, khóm, khoai,... từ trong ruộng ra đường lớn, ra chợ gạo sôi động nhất miền Tây!
Trên những dòng sông thương hồ
Qua mối quen biết “bắc cầu”, chúng tôi lên chuyến tàu hàng Cà Mau - TP.HCM, theo tuyến kênh xáng Phụng Hiệp. Tàu hàng 150 tấn chở vỏ lãi composit lên Cần Giờ chạy suốt 2 ngày 1 đêm và chuyến về “ai đặt gì chở nấy” đủ thứ đồ nhựa gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm công nghiệp,... Rời sông Cà Mau, tàu đi giữa kênh xáng Phụng Hiệp nhà cửa đông đúc. Qua những khu phố chợ sầm uất, sông là mặt tiền buôn bán, hướng nhà, bảng hiệu,... Một số vựa chuyên doanh thu mua tôm, cua, sửa máy ghe tàu, bán xăng dầu; phần nhiều là các cửa hàng bách hóa. Thềm nhà sát mé, sóng nước mặc sức đùa giỡn...
Tới chợ nổi Ngã Năm đã là địa phận tỉnh Sóc Trăng, ghe máy, ghe chèo, vỏ lãi,... chứa đầy các loại rau màu, mua bán nhộn nhịp. Chợ nổi Ngã Năm giáp nước của 5 con sông đi 5 ngã: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Trên bến, dưới thuyền đông đúc. Chợ nổi nằm giữa ngã tư đường kênh xáng, ghe tàu tới chợ dạt qua nhường đường, sau đó đã giăng đầy mặt sông trở lại.
Trong khi Ngã Bảy về đêm mang nét đẹp u buồn. Dừng lại trạm xăng đổ dầu, cậu lơ tàu ngồi trên nắp hầm, bấm điện thoại trúng bài vọng cổ “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy. Cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra... chào...”. Nghe Tình anh bán chiếu trong khung cảnh trên sông buồn man mác như thế này quả là cảm xúc khó tả, giọng ca vọng cổ mùi mẫn của nghệ sĩ Út Trà Ôn nghe càng da diết...Vậy nên không có gì quá đáng khi Ngã Bảy còn được trìu mến gọi: Dòng kênh “Tình anh bán chiếu”! Dòng kênh đó đi về 7 ngã: Mương Lộ, Xẻo Vông, Cái Côn, Mang Cá, Quản Lộ, Xẻo Môn và Lái Hiếu.
Tàu xuyên đêm qua Vĩnh Long, tới cầu Rạch Miễu, bình minh đã sáng rực sông Tiền. Từ kênh Chợ Lách, ghe tàu tủa ra sông Tiền rồi lại “xếp hàng” đi vào vàm Kỳ Hôn, tới kênh Chợ Gạo,... Tuyến kênh Chợ Gạo hơn 28km được xem là tuyến đường thủy độc đạo nối các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Qua kênh Nước Mặn vào sông Cần Giuộc rồi ra sông Nhà Bè. Ngang qua Sài Gòn, xa xa, những tòa nhà cao tầng in dáng lên sắc trời hoàng hôn ánh vàng, cận cảnh những con tàu viễn dương, bến cảng Tân Cảng - Hiệp Phước.
Từ ngã ba sông “Nhà Bè nước chảy chia hai...”, xà lan chở cám vàng của chúng tôi rẽ hướng Đồng Nai về Biên Hòa. Trời tối hẳn, nhiều tàu gạo vẫn tranh thủ lên hàng. Cạnh đó, rất nhiều xà lan chở gạo từ các tỉnh miền Tây chờ được bốc dỡ, đây cũng là một điểm dừng trên đường ra thị trường của hạt gạo đồng bằng, rồi chuyển lên tàu ra miền Bắc và xuất khẩu. Đi qua những chiếc tàu buôn, tàu du lịch neo đậu, có những chiếc lớn cỡ tòa nhà 5 tầng, đèn sáng như sao trời.
Sông nước miền Tây đẹp làm sao!
Nhiều ngày xuôi ngược đường sông miền Tây, tôi nhận ra sông nước miền Tây đẹp quá! Mỗi đoạn sông, mỗi con rạch mang nét đặc trưng của từng địa phương, người dân tận dụng thế sông làm ăn, sinh sống. Miệt Bạc Liêu, Cà Mau, mắm, đước chồm ra sông. Về miệt vườn sông nước, rặng bần, dừa nước ven bến sông bên lở bên bồi. Qua miệt Ðồng Tháp Mười, bạch đàn, tràm chen chân đứng ở bờ kênh,...
Những khu phố sung túc ven sông thể hiện rõ văn hóa miền sông nước: Nhà cửa, buôn bán… đều hướng ra sông
Ði đường sông trong đêm, cảm nhận dường như mỗi đoạn sông, mỗi con sông đều có mùi hương riêng biệt. Tất cả đều muốn kể câu chuyện xứ sở mình. Chuyện từ cha ông “mang gươm đi mở cõi” qua bao đời hình thành nét văn hóa sông nước đặc sắc. Ðó là nét duyên chợ nổi mà hầu như ở lưu vực sông nào từ lớn tới nhỏ đều có, đi chợ nổi để thấy miền Tây nhiều đặc sản cây trái đến dường nào. Những dòng sông hoang sơ trở thành tuyến đường du lịch cao cấp, ngắm sao đêm, đuổi theo đom đóm lập lòe. Ðường sông còn đưa tới miền ẩm thực tuyệt vời, giữa cù lao bốn bề sóng vỗ cùng người dân hiếu khách, thật thà.
Văn hóa, cốt cách con người miền Tây gắn liền những dòng sông. Và sông đâu chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, vận chuyển hàng hóa mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa vô cùng lớn lao. Thế nên, những dòng sông cũng cần chiến lược bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa sông nước riêng có của mình./.
Quan sát trên bản đồ, sông Tiền qua Đồng Tháp, Vĩnh Long và từ vị trí Mỹ Thuận, chia thành 4 phân lưu đổ ra biển Đông với 6 cửa sông: Cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu; sông Hậu qua An Giang, Cần Thơ, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề (hay Trần Đề) và Định An. Còn cửa thứ 9 - Ba Thắc, đã bị bồi lấp từ khoảng thập niên 1970. Khi tất cả những dòng sông đều chảy, ĐBSCL đã hình thành hệ thống đường sông hơn 28.550km, trong đó 13.000km phục vụ vận tải thủy. |
Trần An Phước