Tiếng Việt | English

24/03/2017 - 20:02

Đại biểu Quốc hội: Giám sát đầu tư công trình cầu Mỹ Lợi, Đường tỉnh 830

Sáng ngày 24/3/2017, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các Đại biểu quốc hội (ĐBQH) và một số cơ quan, ban, ngành liên quan của Trung ương đến làm việc với UBND tỉnh Long An về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh Long An.


Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Long An tại huyện Cần Đước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh cho biết: Hiện tại, các văn bản pháp luật về đầu tư công trình theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó, hình thức BOT tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Các văn bản pháp luật về đầu tư công trình theo hình thức BOT phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi và huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cho kết cấu hạ tầng của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn, trở ngại phát sinh: Việc quản lý chi phí xây dựng, chất lượng công trình, quản lý doanh thu từ các trạm thu phí còn nhiều hạn chế; việc áp dụng hình thức chỉ định thầu hạn chế tính cạnh tranh; do lợi nhuận thấp nên chưa thu hút nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng;…

Đoàn khảo sát tại công trình cầu Mỹ Lợi, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (Km 38+800 Quốc lộ 50) nối đôi bờ sông Vàm Cỏ với phía thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.


Trạm thu phí BOT cầu Mỹ Lợi đặt tại khu vực xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Đây là công trình có nguồn vốn đầu tư trên 1.400 tỉ đồng, sau khi hoàn thành đi vào sử dụng, tháng 11/2015, nhà đầu tư tiến hành thu phí tại Trạm thu khu vực xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Về mặt hiệu quả, công trình đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho 6 huyện của tỉnh Tiền Giang và các huyện vùng hạ của tỉnh Long An, giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1.

Tuy nhiên, do lưu lượng xe qua lại thấp hơn dự kiến ban đầu nên nguồn thu không bảo đảm cho nhà đầu tư trả nợ, vì vậy, đơn vị đầu tư kiến nghị thu phí từ 27 năm lên hơn 44 năm.

Nguyên nhân khiến việc thu phí công trình không đạt là do bất cập giữa mặt đường Quốc lộ 50 và cầu chưa phù hợp (mặt đường 12m, mặt cầu 16m). Quốc lộ 50 nhỏ hẹp, nhanh xuống cấp nên xe ô tô qua lại tuyến đường không nhiều như dự tính ban đầu. Qua thống kê, chỉ đạt 60% so với số liệu tính toán trong phương án tài chính. Mặt khác, tình hình phát triển khu, cụm công nghiệp (K,CCN), thu hút đầu tư phía giáp biển của tỉnh Tiền Giang “dậm chân tại chỗ” nên lưu lượng xe không nhiều.


Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc trạm thu phí BOT xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Tại buổi làm việc, đa số ĐBQH và các thành viên trong đoàn giám sát đều không thống nhất phương án nhà đầu tư đề nghị tăng thời hạn thu phí từ 27 năm lên hơn 44 năm.

Công trình Đường tỉnh (ĐT) 830 nối dài đầu tư theo hình thức BOT có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 1.079 tỉ đồng; đang kiểm tra vị trí lập trạm thu phí, ĐT830 và ĐT824 hiện trạng là đường cấp IV đồng bằng có mặt đường rộng từ 7 đến 9m.

Những năm gần đây, 2 huyện Bến Lức và Đức Hòa, tỉnh Long An hình thành và phát triển mạnh các K,CCN nên sức ép về giao thông rất lớn. Chính vì vậy, việc nâng cấp mở rộng ĐT830 và một số tuyến kết nối với Cảng quốc tế Long An, Quốc lộ N2, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1 là hết sức cần thiết phục vụ phát triển công nghiệp.


Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại cuộc họp.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, tỉnh Long An cân nhắc khi tổ chức đầu tư hình thức BOT tuyến Quốc lộ 62, tránh tình trạng khó khăn khi thu hồi vốn như công trình cầu Mỹ Lợi./.

H.Đăng

Chia sẻ bài viết