Tiếng Việt | English

29/04/2022 - 10:49

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022):

Đại thắng 30/4 mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu để gìn giữ non sông, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.

Với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng ở miền Nam, Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 500 ngàn tên gồm quân Mỹ và quân của các nước chư hầu của Mỹ làm nòng cốt cho hơn một triệu quân ngụy; riêng về quân đội Mỹ, chúng đã huy động lúc cao nhất gồm bộ binh, lính thuỷ đánh bộ, lực lượng không quân chiến thuật, lực lượng không quân chiến lược.

Đồng thời, chúng còn lợi dụng những phát minh khoa học- kỹ thuật mới nhất để gây vô vàn tội ác hủy diệt đối với nhân dân ta. Nhìn lại tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh, những tình huống cực kỳ phức tạp và éo le mà Đảng, Bác Hồ đã lèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua, chúng ta càng thấy vĩ đại biết bao tầm vóc và ý nghĩa của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, với mưu đồ biến Việt Nam thành thuộc địa, Mỹ đã nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm; thực hiện chính sách độc tài và tàn bạo“giết sạch, đốt sạch, phá sạch” đối với nhân dân miền Nam. Chỉ trong năm 1959, toàn miền Nam có 400.000 người bị tù đày và 68.000 người bị giết hại. Mặt khác, với dã tâm muốn biến Việt Nam thành chiến trường đẫm máu, Mỹ đã dội hơn 7,8 triệu tấn bom đạn xuống Việt Nam, so với Chiến tranh Thế giới thứ 2 là gấp 3 lần số bom sử dụng; rải khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học điôxin xuống miền Nam Việt Nam, đến nay vẫn còn hàng vạn người dân Việt bị di chứng của chất độc điôxin, phải gánh chịu hậu quả nặng nề đầy thương tâm.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 04/3/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Với 20 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 24/3/1975. Quân, dân miền Nam đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2, Quân khu II, giải phóng Tây Nguyên. Tiếp đến, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã ghi dấu mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc, miền Nam Việt Nam đánh Mỹ có quân đông, vũ khí hiện đại, thừa thãi chẳng khác gì “châu chấu đá xe” nhưng “ai dè xe nghiêng”. Chính là chỉ sau 55 ngày đêm tiến công thần tốc, quân và dân ta đã đập tan bộ máy chiến tranh khổng lồ của quân nguỵ đông đến hơn 1.350.000 người, xóa bỏ toàn bộ bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền, quét sạch chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại thắng lịch sử 30/4/1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Trí tuệ Việt Nam đã thắng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Đảng ta đã thắng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định sức mạnh của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Nhớ đến Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta không thể nào quên những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ “nằm gai, nếm mật” song đầy hào hùng của dân tộc. Đó là những ngày “vui sao cả nước lên đường”, cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”, lòng tràn đầy phơi phới tương lai. Đó là những tháng mà con người có thể vì “cái ta chung” mà sẵn sàng quên đi “cái tôi riêng”, con tim của một người hòa nhịp đập cùng triệu triệu con tim của đồng bào, đồng chí với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì tuyền tuyến”. Trong các ngả đường trường chinh của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, biết bao anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống. Máu của các anh hùng liệt sĩ đã đổ cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do.

Ở thời khắc lịch sử đó, ngày 30/4/1975, tự đáy lòng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước và tự hào dân tộc được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Ước mơ cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” đã trở thành sự thật. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” để cùng tưởng nhớ công lao to lớn của Người. Bác Hồ với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc đã nhận định đúng đắn: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh nhưng nhất định chúng ta sẽ đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Việt Nam nhất định thắng. Đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua, phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từng ghi nhận nhiều chiến công hiển hách, lẫy lừng, song chưa bao giờ dân tộc ta lại phải đương đầu với một lực lượng xâm lược ở một trình độ phát triển cao hơn mình về mọi mặt. Từ Điện Biên Phủ 1954 đến Đại thắng mùa Xuân 1975, trải qua 21 năm chiến đấu gian khổ và oanh liệt, nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới với quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất và ác liệt nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Và để giành được thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã đánh bại 3 chiến lược chiến tranh của Mỹ và qua 5 đời tổng thống Mỹ.

Đánh giá của bạn bè quốc tế về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, trong điện chúc mừng thắng lợi ngày 30/4/1975 của Nhân dân ta, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nêu rõ: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam một lần nữa chứng minh hùng hồn rằng, Nhân dân một nước, dù là nhân dân một nước nhỏ, miễn là dám vùng dậy đấu tranh, dám cầm vũ khí, lấy chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa, thì nhất định có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào… nhằm bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, giải phóng dân tộc”(1). Trong điện mừng của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cu-ba, có đoạn nhấn mạnh: “Trong hơn 20 năm qua, toàn thể Nhân dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, với chủ nghĩa anh hùng tuyệt vời đã chiến đấu chống lại những hình thức xâm lược đế quốc tàn bạo nhất,… Thắng lợi của Nhân dân Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới cho nhân dân Việt Nam”(2).

 Với mỗi người dân Việt Nam, đã 47 năm trôi qua nhưng Đại thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, một ngày lịch sử trọng đại; vẫn tươi rói về ý nghĩa và bài học. Bất kỳ ai hôm nay, khi nghĩ về đại thắng lại thấy như được tiếp thêm động lực mới, đều phải nâng niu, gìn giữ và phát huy Quốc bảo Việt Nam - truyền thống đại đoàn kết chung tay xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

(1) Thế giới ca ngợi thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta. Nhà xuất bản ST, Hà Nội, 1977, tr 31.

(2) Thế giới ca ngợi… SĐD, tr 72.

Chia sẻ bài viết