Tiếng Việt | English

17/12/2020 - 10:11

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Chìa khóa” giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững

Sau 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)” (gọi tắt Đề án 1956), tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững

Dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững

Qua 10 năm (2010-2020) thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 229.000 lao động (LĐ), đạt trên 103% kế hoạch, trong đó, trên 60.400 LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 (nghề phi nông nghiệp trên 19.120 người và trên 41.340 người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp), đạt gần 90% kế hoạch (giai đoạn 2010-2020 trên 67.500 LĐ). Về kết quả giải quyết việc làm sau đào tạo, tỉnh có trên 52.400 LĐ có việc làm sau học nghề, đạt 86,67% trên tổng số 60.400 LĐ học nghề theo Đề án 1956. Thông qua việc đào tạo nghề, đến nay có gần 860 người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề đã thoát nghèo; trên 2.700 người tham gia học nghề có việc làm thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ - Trần Quốc Bảo cho biết: “Đức Huệ là huyện biên giới, đồng thời là địa phương có hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh. Xác định được vấn đề này, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xem công tác đào tạo nghề cho LĐNT là giải pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Kết quả trong 10 năm qua, huyện mở được 124 lớp dạy nghề cho LĐNT, với trên 3.500 học viên tham gia gồm các lớp kỹ thuật trồng nấm rơm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan giỏ nhựa, may công nghiệp, trồng rau ứng dụng công nghệ cao,... Trong quá trình học, các học viên được thực hành trực tiếp trên cây, con, sản phẩm, từ đó người học áp dụng những điều đã học ngay sau khi hoàn thành lớp dạy nghề. Qua đó, địa phương xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi heo thịt của gia đình chị Nguyễn Thị Trang, ngụ ấp 1, xã Mỹ Quý Tây, với thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm; mô hình nuôi gà thịt và gà ấp nở của gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, với thu nhập 40 triệu đồng/năm;...”.

Còn tại huyện Tân Trụ, nhờ các lớp dạy nghề cho LĐNT đã góp phần thay đổi cách làm nông nghiệp của nông dân từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi. Ông Lê Văn Hai, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cho biết: “Gia đình tôi trồng 1ha thanh long. Trước đây, do không có kinh nghiệm nên tôi thường bón phân gà tươi cho cây thanh long dẫn đến năng suất thấp, ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi tham gia lớp tập huấn Kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, tôi đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, canh tác theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng giá trị nông sản”.

Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề còn ít so với nhu cầu; cơ cấu 68,37% đào tạo nghề nông nghiệp và 31,63% đào tạo nghề phi nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu LĐ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một số nghề chưa sát với nhu cầu thực tế ở địa phương;...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho rằng: “Đạt được kết quả tốt trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc chủ động chỉ đạo, triển khai đề án, từ đó giúp người dân thay đổi nhận thức và có sự nhìn nhận đầy đủ hơn về lợi ích của việc học nghề. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua từng năm, dự kiến cuối năm 2020 còn 1,22%, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT tiếp tục phát huy kết quả đã đạt, đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11-/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT”. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố điều tra, khảo sát, dự báo ngành nghề đào tạo, nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 để mở các lớp dạy nghề sát với tình hình thực tế địa phương,...”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết