Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Nguyễn Hoàng Uyên, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời sẽ tác động mạnh mẽ đến khả năng tăng trưởng, học tập và phát triển của trẻ
Phóng viên (PV): Năm nay, Bộ Y tế chọn thông điệp “Tăng cường tiếp cận đa dạng thực phẩm, giàu dinh dưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho tất cả mọi người” cho Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển diễn ra từ ngày 16 đến 23/10/2024. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về thông điệp này?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực - thực phẩm và bữa ăn của người dân được cải thiện rõ rệt.
SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và 11,6% năm 2020. Điều tra toàn quốc năm 2023 cho thấy, SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2% (năm 2019 là 22,4%). Riêng tại Long An, năm 2023, với hơn 95.000 trẻ dưới 5 tuổi, trẻ SDD thể gầy chiếm 3,5%; SDD theo thể nhẹ cân chiếm 7,2%; SDD theo thể thấp còi chiếm 17,2%; thừa cân béo phì chiếm 12,5%.
PV: An ninh lương thực (ANLT) và an ninh dinh dưỡng có vai trò gì đối với sự phát triển của con người, nhất là đối với trẻ em, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: ANLT là tình trạng khi tất cả mọi người lúc nào cũng tiếp cận được về mặt vật lý, xã hội và kinh tế
đối với nguồn lương thực đầy đủ, an toàn và dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích ăn uống nhằm bảo đảm một cuộc sống năng động và khỏe mạnh. ANLT còn được tiếp cận theo cấp độ: ANLT cá nhân, gia đình; theo vùng, miền; theo quốc gia; theo khu vực và toàn cầu.
Còn an ninh dinh dưỡng xem xét giá trị dinh dưỡng, khả năng chi trả, khả năng tiếp cận và an toàn của thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe. Chất lượng, chế độ ăn uống là mối liên hệ quan trọng giữa ANLT và dinh dưỡng. Chất lượng, chế độ ăn uống kém có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau bao gồm SDD và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cũng như thừa cân và béo phì.
PV: Vậy giữa ANLT và an ninh dinh dưỡng có mối quan hệ như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Có một nghịch lý, SDD phổ biến trong bối cảnh dư thừa lương thực là một thực tế trong vài thập kỷ qua và hiện tại chiếm tỷ lệ đáng lo ngại. Rõ ràng rằng, SDD không bị loại bỏ chỉ bằng cách đơn giản là thông qua tăng lượng lương thực toàn cầu, của quốc gia hay khu vực; tăng nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm không tự động tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm của các nhóm nghèo trong xã hội. Chỉ có các biện pháp bảo đảm ANLT vẫn chưa đủ để tác động đến cải thiện tình trạng dinh dưỡng của cá thể mà còn cần tăng cường các mối liên hệ giữa ANLT với chăm sóc sức khỏe, giảm bệnh tật, cải thiện điều kiện vệ sinh và tăng cường giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng.
Hướng dẫn thực hành nấu ăn dinh dưỡng cho cán bộ y tế để hướng dẫn lại cho người dân
Theo thống kê của UNICEF, Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Tình trạng gánh nặng kép về dinh dưỡng ngày càng rõ rệt và trở nên khó khăn trong phòng, chống SDD thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân và phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
PV: Bà cho biết những giải pháp đã và đang được triển khai để giảm tỷ lệ SDD ở trẻ?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển và học tập tốt hơn; đồng thời, tăng sức đề kháng với bệnh tật và các vấn đề sức khỏe.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam như Chiến lược ANLT thực phẩm và Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2030; dự án Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, kế hoạch Thực hiện can thiệp phòng, chống SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và nhiều chương trình khác. Các chương trình này đều có các cấu thành dành cho vấn đề dinh dưỡng nhằm phòng, chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Tại Long An, hàng năm, Sở Y tế đều tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình hành động nhằm hạ tỷ lệ SDD các thể ở trẻ em, thai phụ phù hợp với tình hình của tỉnh. Ngoài các hoạt động chung được tổ chức trên phạm vi cả tỉnh như uống vitamin A, cân đo, xổ giun, cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành nuôi trẻ, dinh dưỡng thai phụ,... ngành Y tế cũng phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tập trung vào các nhóm trẻ dễ bị tổn thương như trẻ ở các gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo như bổ sung viên sắt, hướng dẫn bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phù hợp hoàn cảnh gia đình, chăm sóc dinh dưỡng thai phụ,...
PV: Những khó khăn, thách thức trong phòng, chống SDD, cải thiện và nâng cao tầm vóc người Việt Nam là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em trong những thập kỷ gần đây nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong 34 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với gánh nặng SDD.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn cao. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đến năm 2020, trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu còn 19,6%; phụ nữ có thai chiếm 25,6%; trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng chiếm 9,5% và còn 58% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm.
Các thống kê cũng chỉ ra rằng, chỉ 1/4 trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn và 59% trẻ được cung cấp chế độ ăn dặm đa dạng và đầy đủ.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh cùng với ít vận động thể lực là những nguyên nhân gia tăng các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
PV: Để đề phòng tình trạng SDD và thiếu vi chất, mỗi người, mỗi gia đình cần làm gì?
Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Chúng ta cần khuyến khích phát triển mô hình vườn – ao – chuồng, nhất là ở khu vực nông thôn để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, đa dạng, an toàn, giàu dinh dưỡng; cần tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường bảo đảm cân đối, đủ dinh dưỡng. Lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm phải bảo đảm an toàn, chất lượng.
Mọi người cũng cần xây dựng thói quen đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng; thực hiện chế độ ăn lành mạnh và duy trì hoạt động thể lực hàng ngày để phòng, chống thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Đặc biệt, việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời nhưng dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng, cần đặc biệt chú ý.
Mẹ và trẻ có chế độ dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn này không chỉ giúp tạo nền tảng sức khỏe vững chắc mà còn tạo tiền đề, cơ hội phát triển tốt về thể chất, trí tuệ, xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Đầu tư dinh dưỡng và chăm sóc đúng trong 1.000 ngày đầu đời là cách tiếp cận hiệu quả nhất, ngắn nhất và kinh tế nhất để có thể phát huy tối đa các tiềm năng ở trẻ.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Thanh Bình