Là huyện biên giới, điều kiện kinh tế gia đình của nhiều học sinh (HS) còn khó khăn nên việc tổ chức dạy và học trực tuyến là một thách thức đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đức Huệ. Theo khảo sát của địa phương, toàn huyện có 60-70% HS cấp tiểu học, THCS chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Huệ - Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Với tình hình thực tế tại địa phương, phương án dạy và học trực tuyến các cấp học từ tiểu học đến THPT sẽ không hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng GD. Do vậy, huyện mong muốn được tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho HS. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, HS trở lại trường chưa thật sự an toàn, phụ huynh HS cũng chưa an tâm”.
Hiện các trường học trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch, phương án dạy học trực tuyến. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của các trường trong giai đoạn hiện nay.
Học sinh THPT đang học trực tuyến
Huyện Thạnh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến bởi nhiều HS còn thiếu thiết bị phục vụ việc học. “Theo khảo sát của Phòng GD&ĐT, huyện có 50% HS tiểu học và 40% HS THCS chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến. Ngoài ra, một số trường cũng còn nhiều khó khăn khi tổ chức dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, dạy và học trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là HS tiểu học chưa biết cách tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi đến trường. Trước thực tế đó, huyện phấn khởi khi tỉnh quyết định lùi thời gian học của cấp mầm non, tiểu học” - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Đức Việt chia sẻ.
Còn huyện Bến Lức hiện sẵn sàng cho phương án tổ chức dạy và học trực tuyến từ ngày 04 đến 16-10 cho HS THCS và tiếp tục phát huy hiệu quả dạy và học trực tuyến đối với cấp THPT. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bến Lức - Trần Thanh Phong, dịch bệnh trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, việc dạy và học trực tiếp tại trường không bảo đảm an toàn cho HS. Tuy nhiên, hoạt động dạy và học không vì thế mà dừng lại mà phải chọn phương án phù hợp, an toàn cho HS.
Thầy Phong khẳng định: “Chúng ta phải “sống chung với dịch”. Dạy và học trực tuyến là giải pháp hiệu quả, phù hợp. Đây cũng là cơ hội để các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, bảo đảm khung thời gian năm học”.
Dựa trên tình hình thực tế, hầu hết các địa phương chọn phương án tổ chức dạy và học trực tuyến. Và tất cả hướng về mục tiêu chung là bảo đảm an toàn cho HS trong phòng, chống dịch và hoàn thành tốt kế hoạch năm học, giữ vững chất lượng dạy và học./.
Trước đó, ngành GD&ĐT tỉnh đề ra kế hoạch tất cả cấp học từ mầm non đến phổ thông sẽ tổ chức giảng dạy và học tập trực tiếp tại trường từ ngày 04/10. Tuy nhiên, đến nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT lấy ý kiến các địa phương về đề xuất phương án tổ chức dạy và học. Theo đó, Sở đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến như sau:
Phương án 1: Trong thời gian từ ngày 04/10 đến 16/10 tổ chức cho HS từ lớp 3 đến lớp 12 học trực tuyến theo kế hoạch dạy học linh hoạt đã triển khai. HS lớp 1 và lớp 2 sẽ học qua truyền hình. HS mầm non tạm thời chưa đến trường, phụ huynh HS chăm sóc các cháu tại nhà theo sự hướng dẫn và hỗ trợ của nhà trường. Tùy theo tình hình dịch bệnh, Sở GD&ĐT sẽ lấy ý kiến các địa phương để tham mưu lãnh đạo tỉnh chọn hình thức dạy học phù hợp cho HS các cấp từ ngày 18/10.
Phương án 2: Tổ chức cho HS từ cấp tiểu học đến THPT học trực tiếp tại trường ở các huyện “vùng xanh” theo kế hoạch đã đề ra, các huyện “vùng cam”, “vùng vàng” học trực tuyến. HS mầm non thực hiện như phương án 1.Hầu hết các địa phương chọn phương án 1 là dạy và học trực tuyến. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT có tờ trình Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc tổ chức dạy và học trên địa bàn tỉnh. Và tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều ngày 29/9, Thường trực Tỉnh ủy quyết định, HS THPT tiếp tục học trực tuyến, HS THCS bắt đầu học trực tuyến từ ngày 04/10 đến 16/10. HS cấp mầm non, tiểu học tạm thời chưa đến trường.
|
Ngọc Sương