Tiếng Việt | English

08/02/2023 - 09:14

Để hiểu thấu đáo bài thơ xuân Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh

Tiết mục văn nghệ trong chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu

Sau Tết Nguyên đán là Tết Thượng nguyên - Tết Nguyên tiêu, đúng vào đêm rằm tháng Giêng trăng tròn. Như mọi năm, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa khai mạc đêm thơ Nguyên tiêu. Về lịch sử, năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng Giêng hàng năm làm Ngày Thơ Việt Nam. Do lẽ đêm Nguyên tiêu rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (24/02/1948), lãnh tụ Hồ Chí Minh đang chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc tầng tầng núi thẳm rừng sâu. Sau khi dự hội nghị quân sự, Bác xuôi thuyền về căn cứ giữa đêm khuya khói sóng bao trùm nhưng không che lấp được ánh trăng rằm tròn vạnh nghiêng chiếu qua đầu cây ngọn cỏ. Hồn thơ dậy lên thi hứng, Bác ứng tác, đọc bốn câu thơ xuân Nguyên tiêu như sau:

(ảnh sao nguyên bản chữ Hán)

Phiên âm:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

 

Dịch nghĩa:

Đêm nay rằm tháng Giêng, trăng vừa tròn

Sông xuân, nước xuân tiếp trời xuân

Nơi sâu đầy khói sóng bàn việc quân sự

Đến nửa đêm về trăng đầy thuyền.

Có người cùng đi với Bác trên thuyền đề nghị Bác cho dịch ra tiếng Việt. Bác bảo “có Xuân Thủy đây. Xuân Thủy dịch đi”. Sau một lúc suy nghĩ, Xuân Thủy liền đọc bản dịch:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bác khen “dịch lưu loát. Giữ được ý thơ. Nhưng hàng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch có hai chữ xuân, thế là ý thì đủ mà chữ còn thiếu”.

Ngòi bút bình thơ Minh Châu đã dẫn một số cây bút cùng bình bài thơ Nguyên tiêu của Bác. Nhận xét đây là thơ chữ Hán, luật Đường thất ngôn tứ tuyệt cổ điển mà hiện đại, cấu trúc 4 lớp khai thừa chuyển hợp điển hình.

Đêm nay rằm tháng Giêng, trăng vừa tròn - là câu khai, cũng gọi là câu phá, câu mở đầu bài thơ. Ngay từ câu khai đã mở ra toàn cảnh một bức tranh trăng đêm rằm tháng Giêng đặc biệt. Câu thơ tự nhiên đến dễ dàng mà tài tình điêu luyện. Rồi “nguyệt chính viên” mới đẹp làm sao. Về hình thức là nét rường cột tạo nên cấu trúc độc đáo của bài thơ. Mỗi câu tròn 7 chữ, mỗi chữ có một sức gợi cảm rất lớn, câu thơ mở ra một bình diện bát ngát vô cùng, với một chiều sâu thăm thẳm, gợi cho người đọc cảm giác viên mãn về một đêm trăng tuyệt vời...

Sông xuân, nước xuân tiếp trời xuân, câu thơ thứ 2 (câu thừa) - cũng gọi là câu thực, nói về nội dung thực của bài thơ. Câu thơ đã vẽ ra một bức tranh tiếp nối đúng ý gợi mở của câu khai. Nghệ thuật dùng điệp tự đã nhân sức chứa của câu thơ, mở quy mô hoành tráng của bức tranh thơ, tăng nhạc điệu của khúc nhạc thơ.

Nơi sâu đầy khói sóng bàn việc quân sự - là câu thứ 3 mở rộng vấn đề. “Yên ba thâm xứ bàn quân sự” - yên ba là khói sóng, thâm xứ là nơi sâu thẳm của núi rừng. Con thuyền thơ đang chênh vênh trên miệng vực giữa cõi mộng và thực, không bị trôi tuột xuống vực truyền thống ngàn xưa, về một bến hoang sơ hay đến một nơi tiên cảnh, mà đi thẳng vào cõi thực, đi làm việc cõi đời - việc dân, việc nước.

Đến nửa đêm về trăng đầy thuyền - là câu thứ 4 - câu hợp - cũng là câu kết.

Đọc bài thơ đến câu thứ 3, ta như đang bị hút hồn giữa một cảnh trăng lung linh huyền diệu, thì 3 từ đàm quân sự cuối câu như những tiếng chuông bất ngờ làm ta chợt tỉnh. Thì ra, những người đi thuyền vào nơi sâu tận cùng khói sóng đâu phải để thưởng trăng, mà để bàn việc quân, việc kháng chiến. Câu kết bất ngờ đưa ta về cảnh thực, người thực,...

Bài thơ đã được kết thúc một cách trọn vẹn với vầng trăng tuyệt vời. Cấu trúc bài thơ còn có một sự độc đáo: Gắn kết được câu khai và câu hợp một cách tài tình. Đây là đêm trăng tròn và sáng đầu tiên của mùa xuân mới, tự nó đã là một niềm tin yêu, một niềm vui, niềm hứa hẹn. Một kế hoạch đánh địch, thắng địch được quyết định trong đêm trăng tròn đẹp như vậy, nên thơ như vậy, chắc chắn người cầm quân - thi nhân ở cái tầm hoàn toàn làm chủ tình thế, nắm chắc thế trận, biết ta, biết địch mới có cái tâm thế ung dung, cái tứ thơ lồng lộng, hòa quyện một cách hoàn toàn tự nhiên với cái đẹp, cái trong sáng của vũ trụ giữa cái đêm rằm tháng Giêng ấy.

Ngày Thơ Việt Nam được lập ra là để tôn vinh đối với bài thơ và nhà thơ đã để lại cho dân tộc một bài thơ bất hủ và một xác nhận: Nguyên tiêu là bài thơ tiêu biểu được làng thơ Việt Nam chính thức đưa lên đỉnh cao thơ ca dân tộc./.

Quang Hảo (Dựa theo Hồn Việt số 78, tháng 2/2014)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích