Tiếng Việt | English

17/05/2024 - 09:35

Đêm hoa đăng Long Khốt

Buổi chiều tháng 5, nơi vùng sâu biên giới huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, nắng trải một lớp mật vàng sóng sánh lên mênh mông sóng lúa đang vào giai đoạn mọng hạt. Trên triền đê ngăn lũ, từng đám cỏ ống cháy trụi lá chỉ còn trơ thân lại, thoạt nhìn tựa trận địa chông sắt năm nào chĩa lên trời xanh tua tủa. Len lỏi trong màu đen úa đó, những cây cỏ tráng kiện nhất gắng hết sức tro tàn, nhú chồi non trắng ngà.

Hàng năm, lễ thả hoa đăng trên dòng Long Khốt được diễn ra trong sự tri ân

Sau những vần vũ liên hồi của mây và gió, một cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống. Những cựu chiến binh ở khắp mọi miền đất nước trở về đây với biết bao nhiêu náo nức, mong chờ bỗng bồi hồi lo lắng. Bởi nếu trận mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chương trình lễ cúng thả hoa đăng đêm nay.

Ngày ấy, Chi khu Long Khốt là một trong những cứ điểm quan trọng của chế độ Mỹ - ngụy nhằm ngăn chặn hướng tiến công của lực lượng vũ trang ta từ biên giới Campuchia vào quận lị Tuyên Bình. Ngay từ thời chế độ Ngô Đình Diệm, địch đã cho xây dựng nơi đây thành một “pháo đài chống cộng vùng biên”.

Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 được giao mũi chủ công tiêu diệt Chi khu Long Khốt, khai thông hành lang biên giới, giải phóng toàn bộ tỉnh Kiến Tường, Long An, làm bàn đạp tiến tới giải phóng các tỉnh miền Tây.

Đã có nhiều trận chiến đấu ác liệt diễn ra xung quanh khu vực Chi khu Long Khốt, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là hai trận lớn: Tháng 6/1972 và tháng 4/1974. Rút kinh nghiệm trận thứ nhất vào tháng 4/1974, Trung đoàn 174 với sự phối thuộc của các đơn vị tiến công tiêu diệt địch, phá hủy toàn bộ hệ thống hầm hào công sự, vũ khí trang bị, làm chủ hoàn toàn Chi khu Long Khốt.

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra, Long Khốt lại là mục tiêu tiến công điên cuồng của bọn Pôn Pốt, Iêng-Xa-ry. Trải qua 43 ngày đêm kiên cường chiến đấu (từ ngày 14/01 đến 27/02/1978), cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Nhân dân Vũ trang Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng Long Khốt) đã đánh 49 trận, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 20/12/1979, Đồn Biên phòng Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Năm 2009, nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ (ngày 19/5), Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 174 phối hợp Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương vận động xây dựng ngôi đền thờ liệt sĩ tại Long Khốt. Năm 1997, UBND tỉnh công nhận nơi đây là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2020, Khu vực Đồn Long Khốt được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Câu chuyện của những người cựu chiến binh năm xưa chợt quay về hiện tại khi cơn mưa đầu mùa chỉ lướt nhẹ qua đầu. Bầu trời trở lại trong xanh và cái nắng oi nồng cuối mùa khô bỗng trở nên dịu mát. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển giọng thâm trầm nhưng chẳng kém phần dí dỏm: “Đồng đội gọi mưa để chào đón chúng ta về đó các đồng chí ạ!”.

Bao nhiêu năm rồi, từ khi còn làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đến khi nghỉ hưu, tham gia công tác xã hội, làm Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM hiện nay, ông đã cùng đồng đội và các nhà hảo tâm rất nhiều lần trở về để hoàn thành những phần việc tâm linh quan trọng.

Tâm trí tôi còn nhớ như in bài văn khấn của ông trong lễ thả hoa đăng từ nhiều năm về trước. Vẫn giọng trầm hùng, hào sảng của người dân miền biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trải qua biết bao nhiêu sương gió chiến tranh, ông cầu mong anh linh đồng đội phù hộ để những người còn sống xây dựng thành công Khu di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt xứng tầm với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, sánh ngang với Truông Bồn, Khe Sanh, Đường Chín hay Ngã ba Đồng Lộc,...

Khởi nguồn tự phát từ tấm lòng của người dân xã Thái Bình Trung và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong các dịp lễ, tết rất nhiều năm về trước, đặc biệt trong dịp 19/5 hàng năm, những hộ dân xung quanh khu vực đền thờ cùng bộ đội biên phòng chuẩn bị hương hoa, nấu xôi gà, heo quay, cá lóc nướng cùng những sản vật địa phương dâng cúng các anh hùng liệt sĩ rồi cùng nhau thụ lộc ngay dưới sân đền “cho ấm lòng những người chiến sĩ”.

Từ 15 năm trở lại đây, lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ trong Khu di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt đã chính thức trở thành sự kiện văn hóa tâm linh của chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh Long An và của những cựu chiến binh, không riêng Sư đoàn 5 mà của tất cả những ai đã từng một thời sống, chiến đấu trên mảnh đất Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Hàng ngàn người chẳng quản ngại đường sá xa xôi, tuổi cao, sức yếu đã “trở lại chiến trường xưa” trong ngày trọng đại này.

Buổi tối “tiên thường”, theo phong tục địa phương hàng năm, lễ thả hoa đăng trên dòng sông Long Khốt được diễn ra vừa trang nghiêm với nghi thức được thực hiện bởi những người lính trẻ chỉnh tề quân phục, vừa truyền thống tâm linh với lễ cầu siêu của các vị sư thầy, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An.

Khi tiếng chuông đền ngân lên trong khói nhang và khói sương chiều bảng lảng, một bè hoa thắm tươi, bao bọc xung quanh bởi ánh sáng rực rỡ của hàng trăm ngọn nến được thả xuống dòng sông. Ánh sáng giao hòa lại cùng nhau kết nên một dải mây hồng nối liền dòng sông và bầu trời đêm cao vút. Những người có mặt trong buổi lễ, tuần tự trong yên lặng, thành kính dâng lên một đài sen lung linh đủ các sắc màu. Họ xếp thành vòng tròn, chậm rãi thả những đài hoa đăng xuống lòng sông đã đi vào huyền thoại. Tôi bỗng nghe âm vang đôi câu đối của nhà thơ Trần Thế Tuyển vang lên từ đền thờ liệt sĩ Long Khốt: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.

Một cơn gió mát lành thoang thoảng mùi trầm hương đưa tất cả nhẹ nhàng trôi ra giữa dòng sông. Cảnh tượng thiêng liêng, huyền diệu bao trùm khắp không gian Long Khốt. Ánh sáng tỏa ra từ bè hoa bỗng chuyển thành bảy sắc cầu vồng. Thấp thoáng giữa những đám lục bình đang lững lờ trôi về từ bên kia biên giới, hoa đăng ẩn hiện khi tỏ, khi mờ. Hàng ngàn tia sáng từ dưới đáy sông hắt lên lấp lánh, lung linh.../.

Nguyễn Hội

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích