Mốc son chói lọi
Theo Thượng tá Vũ Mạnh Hà - Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Long Khốt, trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Từ tháng 6/1972 đến ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 phối hợp lực lượng địa phương Kiến Tường liên tục tấn công địch với nhiều trận đánh ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng bằng được tuyến ngăn chặn địch ở Đồng Tháp Mười. Trong đó, tiêu biểu là 2 trận tấn công quy mô vào Chi khu Long Khốt (tháng 6/1972 và 4/1974) làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào chi khu năm 1974 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hành lang biên giới. Hàng trăm CBCS của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp đã nằm lại nơi đây.
Nơi giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mảnh đất vùng biên này chưa hưởng trọn niềm vui thống nhất thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cứ điểm Long Khốt (nay là ĐBP Long Khốt) thêm một lần nữa là điểm giao tranh ác liệt. Bọn Pol Pot tập trung lực lượng để chiếm cho được Long Khốt làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta. CBCS Đồn Long Khốt kiên trì bám trụ, phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, ngăn chặn các mũi tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua 43 ngày đêm, từ 14/01 đến 27/02/1978, Đồn Long Khốt đánh lùi 21 đợt tiến công của địch, tổ chức chiến đấu 28 trận, tiêu diệt 55 tên địch và làm hàng chục tên khác bị thương.
Trong đợt chiến đấu ngoan cường này, 26 CBCS đã hy sinh (10 CBCS của đồn, 16 đồng chí đơn vị bạn) và 20 người bị thương, đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Cuộc chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích vẻ vang đó, ngày 20/12/1979, ĐBP Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong quá trình sưu tầm, thống kê (chưa đầy đủ), giai đoạn 1972-1975, Sư đoàn 5 có 1.110 CBCS hy sinh trên chiến trường Long Khốt, trong đó, Trung đoàn 174 có gần 800 CBCS.
Phát huy truyền thống anh hùng
Phát huy truyền thống anh hùng của đơn vị, CBCS ĐBP Long Khốt qua các thời kỳ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, đoàn kết nội bộ, gắn bó quân - dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy; làm tốt vai trò tham mưu chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân; làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Thượng tá Vũ Mạnh Hà - Chính trị viên ĐBP Long Khốt, cho biết: “ĐBP Long Khốt hiện được giao quản lý 17,3km đường biên giới, ở 2 xã Thái Bình Trung và Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng. Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ chính quản lý, bảo vệ biên giới; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép; phòng, chống dịch Covid-19; Đồn còn tích cực phối hợp địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, thực hiện nhiều phong trào, mô hình cụ thể, thiết thực: Chương trình Nâng bước em đến trường, phong trào Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, mô hình
Mỗi tuần một địa chỉ,... Ông Lê Văn Tuân, ngụ ấp Trung Thành, xã Thái Bình Trung, chia sẻ: “CBCS ĐBP Long Khốt không ngại khó khăn, vất vả, thường xuyên giúp dân sửa nhà, làm đường giao thông, tặng quà,... Những việc làm thiết thực đó giúp tình cảm quân - dân ngày càng gắn bó, đoàn kết và tích cực cùng CBCS ĐBP bảo vệ biên giới”.
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Trần Thị Yến thông tin: “Những năm trước, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là có sự tham gia của ĐBP Long Khốt, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Đến nay, địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập tăng lên 45 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 0,9%, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, xây mới, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản,...”.
Điểm đến giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Năm 1997, Di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, đến năm 2019 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Việc công nhận Khu vực Đồn Long Khốt là di tích lịch sử cấp quốc gia đáp lại sự mong mỏi của chính quyền, người dân và cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Long Khốt.
Được công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia năm 2019
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, nơi đây được xây dựng một đền thờ liệt sĩ. Hơn 10 năm qua, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng Long An, các cựu chiến binh và người dân khắp nơi về đây tưởng nhớ Bác Hồ và làm giỗ liệt sĩ.
Thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng có kế hoạch mở rộng diện tích, tích cực vận động xã hội hóa đầu tư các hạng mục trong khu di tích. Giai đoạn 1 (Đền thờ chính, nhà chờ lục giác, cổng tam quan, miếu thờ, tường rào, sân đường nội bộ, cây xanh,…) đã xây dựng hoàn thành và khánh thành, đưa vào sử dụng, tổng nguồn vốn hơn 54 tỉ đồng. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng một số hạng mục khác, kinh phí dự kiến hơn 30 tỉ đồng.
“Đây là công trình có quy mô và ý nghĩa to lớn, mang tính lịch sử và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến tại khu vực Đồn Long Khốt. Khu di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt sẽ hòa cùng hệ thống các di tích văn hóa lịch sử khác trên địa bàn huyện, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh cho biết./.
Trung Kiên