Tiếng Việt | English

03/09/2020 - 08:34

Diện mạo mới cho hệ thống giao thông

Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong hệ thống giao thông - vận tải (GTVT) và tạo sức bật để các địa phương phát triển KT-XH.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được cùng các ngành chức năng kiểm tra tiến độ tại công trình trọng điểm Đường tỉnh 830 và một số công trình thuộc chương trình đột phá. Ảnh: Kiên Định

Chương trình thiết thực

5 năm trước, mặc dù tỉnh nằm trong VKTTĐ phía Nam nhưng hệ thống GTVT, nhất là phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp vẫn còn bất cập, đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, chưa có sự kết nối dẫn đến không theo kịp yêu cầu phát triển. Tại 4 huyện trong VKTTĐ của tỉnh gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc, ngoài những tuyến quốc lộ và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi ngang qua thì hệ thống giao thông trong vùng chưa có sự kết nối. Cũng vì thế, nhiều nhà đầu tư dù thấy được tiềm năng tại Long An nhưng vẫn còn e ngại vì hệ thống giao thông không đồng bộ, tốn kém chi phí vận chuyển và các chi phí logistics.

Trước yêu cầu phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ là 1 trong 2 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội nhằm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông trong vùng. Đồng thời, đại hội cũng xác định công trình nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 830 Đức Hòa - Tân Tập là công trình trọng điểm thực hiện nghị quyết. Khi hoàn thành, chương trình đột phá và công trình trọng điểm trên sẽ hình thành một mạng lưới giao thông tương đối đồng bộ, mang tính kết nối giữa 4 huyện phát triển công nghiệp với Cảng Quốc tế Long An. Đây cũng là cách để Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực trong phát triển KT-XH, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ là chương trình có ý nghĩa trong phát triển kinh tế không chỉ riêng của vùng mà còn của ngành GTVT và đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Từ đây sẽ hình thành mạng lưới GTVT mang tính liên kết, có sức kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp của 4 huyện trọng điểm đến trục xương sống Đường tỉnh 830 dẫn về Cảng Quốc tế Long An phục vụ nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp”.

Kết nối đồng bộ

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung, Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ đã xác định 14 dự án công trình giao thông huyết mạch phục vụ phát triển công nghiệp tại các huyện VKTTĐ. 14 dự án công trình giao thông sẽ cải tạo, nâng cấp và mở rộng gần 95km đường; trong đó, cải tạo, nâng cấp, mở rộng gần 70km và làm mới gần 24km. Tổng mức đầu tư của 14 dự án trên 5.855 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 2.912 tỉ đồng, nguồn vốn vận động doanh nghiệp 2.943,2 tỉ đồng. Đến nay, sau 5 năm triển khai, đã có 9 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 3 công trình hoàn thành sau năm 2020.

Công trình nâng cấp, mở rộng đường Đức Hòa Thượng (đoạn từ Quốc lộ N2 đến Đường tỉnh 824) hoàn thành và đưa vào sử dụng

Đức Hòa là một trong những huyện có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhất của tỉnh với 10 khu công nghiệp, trong đó có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích 2.156ha, thu hút được 806 dự án, gồm 485 dự án trong nước với vốn đăng ký đầu tư 32.735 tỉ đồng, 321 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký đầu tư 1.307 triệu USD và 20 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 995ha. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 73%. Những năm trở lại đây, huyện Đức Hòa luôn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư do hệ thống đường GTVT trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thiện và Đức Hòa cũng là địa phương được thụ hưởng nhiều nhất từ Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ.

Theo Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch về thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện trong toàn hệ thống chính trị, tăng cường công tác huy động đầu tư các tuyến giao thông quan trọng gắn với thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2016-2020 theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả. Trong đó, xác định 12 công trình giao thông cần tập trung đầu tư. Đến nay, toàn bộ 12 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư trên 2.387 tỉ đồng. Trong đó, nổi bật là hoàn thành 2 công trình thuộc Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ của tỉnh do UBND huyện được giao làm chủ đầu tư gồm công trình nâng cấp, mở rộng đường Mỹ Hạnh (đoạn từ cống Gò Mối đến Đường tỉnh 824) và công trình nâng cấp, mở rộng đường Đức Hòa Thượng (đoạn từ Quốc lộ N2 đến Đường tỉnh 824). Những kết quả đó đã góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của huyện, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 gồm hoàn thành cơ bản đầu tư mới trục đô thị Đức Hòa - Hậu Nghĩa; đầu tư hoàn thành đường Kênh Cầu Duyên và đầu tư hoàn thành đường Ba Sa - Gò Mối góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển KT-XH huyện, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân” - Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy cho biết.

Còn tại huyện Cần Giuộc, Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Tuấn Thanh cũng khẳng định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ tác động mạnh đến các huyện trong vùng, tạo sự đồng bộ, kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An. Đây sẽ là điều kiện để các huyện trong VKTTĐ đón các làn sóng đầu tư và tạo được động lực trong phát triển KT-XH.

Hứa hẹn sự bứt phá vươn lên

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 5 năm thực hiện chương trình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hầu hết công trình đều được triển khai, thực hiện và đạt một số kết quả nhất định, góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông VKTTĐ của tỉnh. Kết quả đó đã tạo tiền đề và đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng trong thời gian qua và góp phần lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp trong VKTTĐ. Đây cũng là tiền đề để Tỉnh ủy xác định sẽ giữ nguyên chương trình và tiếp tục mở rộng, cụ thể hóa thực hiện phù hợp trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, chương trình đột phá tiếp tục tập trung đầu tư các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn các địa phương thuộc VKTTĐ bằng nhiều nguồn lực, nhằm tạo sự kết nối đồng bộ về giao thông giữa các địa phương phát triển công nghiệp với TP.HCM, Cảng Long An, góp phần thúc đẩy VKTTĐ phát triển nhanh và bền vững.

Thông tin từ Sở GTVT, nhằm bảo đảm tính kết nối hệ thống GTVT, mang tính liên kết, ngoài chương trình, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp đầu tư 23 điểm kết nối công trình giao thông giữa Long An và TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030. Hiện, UBND TP.HCM và Long An đã thống nhất giao cho Sở GTVT 2 địa phương rà soát, lập thủ tục pháp lý thực hiện 23 điểm kết nối này. Trước mắt, 2 địa phương cũng xác định sẽ thực hiện 7 điểm kết nối cấp thiết sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm giải quyết bài toán giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH hai địa phương cũng như vấn đề an toàn giao thông. Tổng kinh phí thực hiện 7 công trình giao thông kết nối trên khoảng 24.000 tỉ đồng.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Trong tương lai khoảng 5-10 năm nữa, khi Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ và kế hoạch đầu tư các công trình giao thông kết nối giữa Long An và TP.HCM hoàn thành sẽ tạo bộ mặt mới cho hệ thống GTVT của tỉnh một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại. Đây là điều kiện để Long An bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Đồng thời, sẽ tạo ra cơ hội mới cho các huyện ven VKTTĐ như Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ”./.

Trong tương lai khoảng 5-10 năm nữa, khi Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và kế hoạch đầu tư các công trình giao thông kết nối giữa Long An và TP.HCM hoàn thành sẽ tạo bộ mặt mới cho hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại. Đây là điều kiện để Long An bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Đồng thời, sẽ tạo ra cơ hội mới cho các huyện ven vùng kinh tế trọng điểm như Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ”.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải - Nguyễn Hoài Trung

Kiên Định

Chia sẻ bài viết