Đình Tân Xuân sau khi được trùng tu, tôn tạo
Đình Tân Xuân - Nơi lưu giữ những giá trị quý báu
Nằm kề bên dòng sông Tầm Vu, đình Tân Xuân gắn liền với nghi lễ thờ cúng các vị thần cai quản địa phương, nơi sinh hoạt cộng đồng làng, xã khi xưa, đặc biệt là không gian chính của Lễ hội Làm Chay. Tồn tại gần 200 năm, trải qua những thăng trầm, đình Tân Xuân không chỉ khẳng định giá trị lịch sử về công cuộc khai hoang mở đất, lập làng của người xưa mà còn lưu giữ những giá trị về văn hóa và kiến trúc độc đáo.
Nhìn tổng thể, đình Tân Xuân có kiểu chữ Tam, kiến trúc theo lối bát trụ, tiền đình có 3 cửa chính, bộ giàn trò bằng danh mộc có xuyên trính, kèo vỏ đậu trạm trổ hoa văn rồng, phượng. Theo đó, rồng biểu trưng cho nguyên lý dương, phượng biểu trưng cho nguyên lý âm. Ý tưởng hoa văn kết hợp rồng, phượng biểu thị cho việc âm - dương hòa hợp, trời đất giao hòa. Đó là điều kiện thuận lợi tốt lành cho cuộc sống. Ý tưởng rồng, phượng kết hợp được gọi là “Long phượng trình tường”, có ý nghĩa “Phong đều vũ thuận”, “Quốc thái dân an”, “Thái bình thịnh trị”. Có thể nói, lối kiến trúc và các hoa văn trang trí ở đình Tân Xuân là phong cách nghệ thuật tiêu biểu của giai đoạn đầu thế kỷ XIX.
Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân - Lê Quang Trung cho biết: “Đình đang thờ sắc phong thần của vua Tự Đức vào năm 1852. Khi đó, đình thuộc thôn Dương Xuân, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Đây là thời kỳ vua Tự Đức sắc phong hàng loạt đình ở Nam bộ nhằm xác lập chủ quyền đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp”.
Theo đó, nguyên văn sắc phong thần Bổn Cảnh Thành Hoàng làng Dương Xuân như sau: “Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần, trước tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiên chi thần, giúp nước che dân, linh ứng tính đã lâu. Nay ta ít đức, ôm lãnh sứ mạng lớn, luôn luôn nghĩ đến sự tốt đẹp của thần nên gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Chuẩn cho thôn Dương Xuân, huyện Tân Thạnh được thờ phụng y như cũ, Thần hãy cũng giúp đỡ bảo vệ đám dân đen của ta. Kính vậy.
Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm.
(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)”
Có sắc phong, niềm tin, tín ngưỡng, lòng kính trọng đối với đình của người dân càng thêm vững chắc và mạnh mẽ. Các hoạt động thờ cúng, lễ hội mang đậm tính cộng đồng hơn và duy trì đến nay, đặc biệt là Lễ hội Làm Chay.
Đình Tân Xuân được trùng tu, tôn tạo năm 2018 và công trình hoàn thành vào năm 2019.
Nghi thức thỉnh ông Tiêu - một trong những hoạt động quan trọng trong Lễ hội Làm Chay
Lễ hội làm chay - Nét đẹp văn hóa người Tầm Vu
“Dù ai mua bán bộn bề
Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”.
Câu ca dao xưa như lời nhắc nhở những người con xa xứ trở về khi Lễ hội Làm Chay đến. Bởi, đây là lễ hội truyền thống độc đáo, mang nét đẹp văn hóa dân gian, đậm tính cộng đồng của người Tầm Vu hơn 100 năm nay. Lễ hội có ý nghĩa cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết và mong cầu một năm “Phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”.
Ðã thành thông lệ, ngay sau Tết Nguyên đán, người Tầm Vu nói riêng, người Châu Thành nói chung lại tất bật cho “cái tết thứ 2” - Lễ hội Làm Chay. Lễ hội diễn ra vào ngày 15, 16 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm tại đình Tân Xuân.
Theo sử liệu ghi chép lại và qua lời kể của người cao tuổi nơi đây, sau khi Pháp chiếm được Tầm Vu, nhiều cuộc khởi nghĩa liên tục nổi lên nhưng bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Mỗi lần bắt được người kháng chiến hoặc tình nghi, Pháp ra lệnh “dẹp chợ, gom dân, xử tử”, rất nhiều nghĩa sĩ đã ngã xuống, trong đó có sự hy sinh của 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.
“Cái chết của nhà yêu nước Đỗ Tường Tự tại sân đình Tân Xuân đến nay người dân vẫn kể cho nhau nghe để tỏ lòng kính phục và biết ơn sâu sắc những bật tiền nhân” - ông Nguyễn Văn Đức - nguyên Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân, chia sẻ.
Sau khi 2 ông mất, thực dân Pháp nghiêm cấm việc làm ma chay và khóc thương nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân lúc bấy giờ. Để tỏ lòng kính trọng đối với những bậc nghĩa khí trung kiên, tiêu biểu là 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự, người dân Tầm Vu ngày ấy phao tin “loạn cô hồn dậy dẹp chợ” và mượn cớ đó để “làm lễ trai đàn” cúng cô hồn để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Về sau, người dân đọc từ “trai” thành “chay” và cái tên “Lễ hội Làm Chay” ra đời từ đó.
Lễ hội khởi đầu bằng nghi thức thỉnh Tiêu diện Đại sĩ mà dân gian thường gọi là ông Tiêu. Ông Tiêu được thỉnh từ chùa Linh Phước về chùa Linh Võ, sau đó thỉnh lên giàn tại đình Tân Xuân - trung tâm của Lễ hội Làm Chay. Ngoài ra, lễ hội còn có lễ chiêu u, đánh động thỉnh kinh, nghi thức phóng sanh trên sông Tầm Vu,… đặc biệt nhất là nghi thức “xô giàn - đưa khách” và đốt ông Tiêu - khép lại lễ hội. Bên cạnh phần lễ là phần hội sôi động với các trò chơi dân gian. Hàng năm, lễ hội thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến dự.
Đình Tân Xuân gắn với Lễ hội Làm Chay mạng đậm nét văn hóa cộng đồng và tổng hòa các yếu tố tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Năm 2014, đình Tân Xuân được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và Lễ hội Làm Chay đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đó là niềm vui, sự tự hào nhân đôi của người Tầm Vu nói riêng, người Châu Thành và Long An nói chung./.
Ngọc Sương