Tiếng Việt | English

04/01/2021 - 12:55

Đình Xuân Sanh - Ngôi đình cổ chứng minh lòng yêu nước

Là một trong những ngôi đình cổ ở Long An, đình Xuân Sanh có 2 sắc thần của 2 đời vua. Đình còn là minh chứng cho tinh thần yêu nước của dân ta trong những năm dài kháng chiến.

Mỗi ngày vẫn có người đến thắp nhang lên bàn thờ thần và mỗi năm 3 lần, người dân lại tụ họp về tổ chức lễ cúng tại đình

Ngôi đình có hai sắc thần 

Đình Xuân Sanh nằm khá sâu bên trong khu phố Xuân Hòa 2, phường 6, TP.Tân An, tỉnh Long An nhưng hầu như người dân nào ở phường 6 cũng biết rõ về đình. Mặc dù chẳng biết đường đi nhưng nhờ người dân nên chúng tôi không gặp khó khăn gì khi tìm tới đình.

Chánh điện đình được xây mới từ năm 2014 thay cho căn đình cũ đã xuống cấp từ lâu. Hiện tại, khu vực võ ca cũng đang được xây dựng lại. Thợ xây ráo riết hoàn thành các công đoạn cuối cùng kịp cho ngày lễ Kỳ yên vào 16 tháng Chạp tới. Ông Lê Văn Thuần - Phó Trưởng ban Quản lý đình Xuân Sanh, cho biết, đình được xây dựng mới đều nhờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa do Ban Quản lý đình và chính quyền địa phương vận động. Mỗi năm, tại đình Xuân Sanh có 3 lễ cúng: Thượng điền, Cầu bông và Kỳ yên. Lễ Kỳ yên vào tháng Chạp là lễ lớn nhất nhằm cầu bình an cho người dân, làng xã.

Đến ngày nay, các lễ hội đó vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Tuy nhiên, dù phần lễ được giữ gìn nguyên vẹn nhưng các hoạt động múa bóng rỗi, hát bội không còn được tổ chức, một phần do thiếu kinh phí, phần khác do người dân không còn đủ “mặn mà”.

Khi được hỏi về thời điểm đình được lập nên, ông Thuần nói: “Tôi nghĩ, đình có từ hồi khai hoang mở đất nên bên cạnh đình còn miếu thờ ông Hổ. Đình có 2 tờ sắc thần của vua Tự Đức và Thiệu Trị sắc phong cho làng Xuân Sanh”. Bước vào chánh điện, khách đến thăm có thể nhìn thấy ngay 2 tờ sắc thần được phóng lớn, lộng kính treo ngay bên trên bàn thờ. Ông Thuần giải thích: “Sắc thần của đình phải cất kỹ, mỗi khi có lễ cúng mới thỉnh ra. Chúng tôi phóng lớn 2 tờ sắc thần để
người dân tới cúng đình có thể nhìn thấy được”. Ở phía trong, có chiếc bàn gỗ đặt bản dịch của tờ sắc phong in trên giấy A4, được lộng kính. Đó cũng là cách giúp người dân hiểu rõ về lịch sử và giá trị của mái đình tại quê hương mình.

Nhà nghiên cứu Đỗ Thị Lan - người làm Hồ sơ di tích cho đình Xuân Sanh, nhận định: “Việc vua Tự Đức ban sắc thần cho đình Xuân Sanh và hàng loạt những ngôi đình khác ở Nam bộ trong thời gian này với mục đích khẳng định quyền lực của nhà nước phong kiến đối với vùng đất mới khai phá và xác định chủ quyền đất nước trước họa xâm lăng của thực dân Pháp”. 2 tờ sắc thần tại đình Xuân Sanh hiện nay được xem là cổ vật quý nhất trong đình, minh chứng cho sự tồn tại của đình trong suốt 2 thế kỷ qua.

2 tờ sắc thần được phóng lớn lộng kính treo giữa đình

Biểu tượng của lòng yêu nước

Gắn bó với người dân từ khi mới lập làng, lập ấp, nên đình Xuân Sanh là chứng nhân lịch sử quan trọng cho tinh thần quật khởi, kiên cường của người dân Tân An xưa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Do lợi thế nằm sâu trong ấp Lợi Bình Nhơn (xưa) nên đình Xuân Sanh được chọn làm nơi dừng chân của cán bộ cách mạng. Người dân trong ấp đã thầm lặng hy sinh, che chở cho cán bộ, chiến sĩ ta trong suốt những năm dài kháng chiến. Hồ sơ di tích đình Xuân Sanh có ghi rõ: “Đình Xuân Sanh là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng ở địa phương. Năm 1945, đình Xuân Sanh là nơi tập hợp của thanh niên tiền phong trong Cách mạng Tháng Tám. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình được chọn làm địa điểm tập dợt của đội văn nghệ xã Lợi Bình Nhơn, nơi che chở, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng”.

Ngày nay, đình Xuân Sanh vẫn tiếp tục phát huy giá trị là nơi sinh hoạt cộng đồng, làng xã. Hiện tại, nhà võ ca của đình được sử dụng như nhà văn hóa ấp, là nơi hội họp, làm việc của người dân, chi, tổ, hội đoàn thể và ban ấp.

Sau gần 200 năm tồn tại, đình Xuân Sanh đã đi qua nhiều đổi thay, là minh chứng cụ thể cho lịch sử của địa phương, dân tộc. Đình vừa tiêu biểu cho đình làng trong tỉnh, bởi đang giữ 2 tờ sắc thần, một cổ vật quan trọng đánh dấu cho lịch sử xây làng, lập ấp tại Nam bộ nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Và mặc dù những di tích, hiện vật liên quan đến giai đoạn kháng chiến chống ngoại xâm không còn nữa nhưng sự “có mặt” của đình Xuân Sanh trong lịch sử chống ngoại xâm thì không thể nào phủ nhận.

Đình Xuân Sanh vẫn được người dân trùng tu, xây mới. Mỗi ngày vẫn có người đến thắp nhang lên bàn thờ thần và mỗi năm 3 lần, người dân lại tụ họp về tổ chức lễ cúng tại đình. Dù không rộn ràng và đặc biệt như xưa nhưng lệ cúng đình thì không thể nào quên được!./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết