Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Đình Tân Xuân

Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa

Ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có một ngôi đình cổ, tuổi gần 200 năm, mang phong cách kiến trúc của đình làng nam bộ rất uy nghi và cổ kính. Đó là đình Dương Xuân Hội hay đình Tân Xuân. nơi đây có lễ hội Làm Chay diễn ra hằng năm thu hút hàng vạn du khách, cho nên:“Dù ai buôn bán bộn bề/ Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”.

Đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành)

Truyền thuyết dân gian và diễn biến Lễ hội Làm Chay

Lễ hội Làm Chay có tên gọi khác là Lệ làm chay, Lễ chay đàn, Trai đàn thí thực. Nguồn gốc của lễ hội gắn liền với 2 truyền thuyết dân gian:Truyền thuyết thứ nhất: Đình Tân Xuân nằm ở vị trí gần trường học, đối diện có chợ Tầm Vu. Hằng ngày, vào giờ ra chơi, học trò thường chơi đùa xung quanh khu nhà lồng chợ.

Chuyện kể rằng, một buổi trưa, vào giờ chánh ngọ, bất thình lình nhà lồng bị sập, không hiểu sao hôm ấy không có học trò nào ra chơi ở nhà lồng chợ, nên không bị thiệt hại về người. Sau sự kỳ diệu ngẫu nhiên ấy, người dân nơi đây tổ chức Lễ chay đàn sau là Lệ làm chay để xua đuổi ma quỷ, giải thoát những oan hồn vất vưởng lẩn quẩn nơi đây mà người ta cho là nguyên nhân kỳ bí tạo ra vụ sập nhà lồng chợ.

Truyền thuyết thứ hai: Thời thuộc Pháp, vào năm 1878, sau khi chiếm Tầm Vu, đàn áp các phong trào khởi nghĩa, khu vực chợ Tầm Vu trước đình Tân Xuân là nơi thực dân Pháp tiến hành nhiều vụ giết hại nghĩa quân để đe dọa, trấn áp tinh thần yêu nước của nhân dân. Trong đó, có các vị thủ lĩnh trung liệt ở địa phương trong phong trào Thủ Khoa Huân, như Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự, nay còn mộ ở đây và được thờ trong đình. Từ sau những vụ giết hại trên, để tránh sự cản trở cấm đoán của chính quyền thực dân, nhân dân Tầm Vu tung tin “loạn cô hồn dậy dẹp chợ”, không buôn bán được, cần phải cúng tế, để làm lễ chay đàn cúng tế cô hồn, chiến sĩ trận vong, để thể hiện tình cảm và tỏ lòng kính trọng đối với những người nghĩa khí.

Ngoài ra, nhân dân còn lập đàn cúng chay gọi là lễ trai đàn, một nghi thức cúng tế của Phật giáo để cầu siêu cho các cô hồn vất vưởng, các vong linh ma quỷ để chúng không làm hại con người và cầu an cho bá tánh, làng xóm.Lễ Làm Chay diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng Giêng hằng năm.

Bắt đầu lúc 10 giờ ngày 15 bằng nghi thức Thỉnh Ông Tiêu từ đình Tân Xuân đến Chùa Linh Phước rồi về Chùa Ông; đến 16 giờ xuất phát từ đình Tân Xuân đến Chùa Linh Phước để thực hiện nghi lễ Thỉnh phật, Thỉnh kinh, Thỉnh thầy; 16 giờ 30 tiến hành Lễ Khai Mạc, 17 giờ 30 tại đình Tân Xuân các nhà sư thực hiện nghi thức Khai kinh tụng cầu an; 18 giờ 30 tiến hành nghi thức Cúng tế liệt sĩ; 19 giờ các nhà sư thực hiện nghi thức Đề phan liệt sĩ, từ 20 đến 0 giờ tiến hành các hoạt động giao lưu như ca nhạc tài tử, cho xe hoa chạy vòng quanh thị trấn Tầm Vu.

Sang ngày 16, lúc 11 giờ thực hiện nghi thức Thỉnh Cổ bánh; 12 giờ cùng lúc thực hiện 2 nghi thức là nghi thức Thỉnh Ông Tiêu lên giàn và nghi thức Thỉnh cô hồn; 13 giờ tiến hành Lễ chiêu u; 18 giờ là nghi thức Thỉnh kinh, đánh động, thỉnh thầy; 20 giờ 30 thực hiện nghi thức Phóng đăng; Đúng 0 giờ tiến hành nghi thức quan trọng nhất là Xô giàn - đưa khách, nghi thức này cũng đánh dấu cho sự kết thúc của Lễ hội Làm Chay.

Những giá trị lịch sử - văn hóa

Đình Tân Xuân là một ngôi đình cổ có niên đại đầu thế kỷ XIX, tính đến nay đã tồn tại gần 2 thế kỷ mà sự hiện hữu của nó biểu hiện cho sự trường tồn của những công trình kiến trúc cổ ở vùng đất Long An ngày nay.

Những hiện vật cổ gồm: Hoành phi, liễn đối, chuông đồng, sắc phong,… là những tư liệu chữ Hán rất có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa phong kiến và lịch sử Long An, Nam bộ thời kỳ này.

Là một thiết chế văn hóa làng xã, đình Tân Xuân là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa tâm linh ở địa phương, nhằm nhớ về cội nguồn, chuyển giao văn hóa, liên kết cộng đồng. Yếu tố thiêng liêng đó có sức cộng cảm và trở thành nét văn hóa xóm làng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.Sau thời gian nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, di tích Đình Tân Xuân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp là di tích cấp quốc gia.

Lễ hội Làm Chay diễn ra tại đình cũng đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhận được vinh dự này, chúng ta càng nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản quý báu của ông cha.

Đình Tân Xuân là một thiết chế văn hóa dân gian ra đời gắn với lịch sử khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt ở Long An, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã-đình là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, các vị “Tiền hiền-Hậu hiền” và các đối tượng phối tự khác trong văn hóa tín ngưỡng Nam bộ.Hiện nay, tại đình Tân Xuân còn lưu giữ những cứ liệu khoa học tiết lộ những thông tin quan trọng để có thể ước đoán niên đại của ngôi đình. Trong đó có bức hoành phi, đắp nổi chữ “Tân Xuân Đình” cùng dòng lạc khoản “Tân Tỵ thu chế tạo” (tức chế tạo mùa thu năm 1821), tại đây còn chiếc chuông cổ bằng đồng, trên chuông có khắc chữ Hán “Tân An phủ, Tân Hòa huyện, Thạnh Hội tổng, Tân Xuân thôn”, “Giáp Ngọ Niên, trọng thu nguyệt, cát nhật”, cho biết địa danh nơi đặt chuông là thôn Tân Xuân, tổng Thạnh Hội, huyện Tân Hòa, phủ Tân An và thời điểm đặt chuông là ngày lành, giữa mùa thu năm Giáp Ngọ (1834). Liên quan đến lịch sử ngôi đình phải kể đến là 3 sắc phong của vua Tự Đức phong tặng vào năm 1852, gồm sắc phong thần Bổn Cảnh Thành Hoàng làng Dương Xuân, sắc phong thần Bạch Mã làng Dương Xuân và sắc phong Đại Càn Quốc Gia Nam Hải./.

Đỗ Thị Lan

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đình Tân Xuân