Tiếng Việt | English

25/11/2015 - 05:14

Doanh nghiệp nhà nước ngập nợ

Theo báo cáo hợp nhất, các tập đoàn - tổng công ty có tổng nợ phải thu là 293.617 tỉ đồng, trong khi số nợ phải trả là 1.567.063 tỉ đồng.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN) và DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước.

Nợ khó đòi 13.570 tỉ đồng

Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, hết năm 2014, cả nước có 781 DNNN. Trong đó, 8 tập đoàn (TĐ) kinh tế, 85 tổng công ty (TCT), 26 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 277 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 385 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại. Tổng tài sản của 781 DNNN là 3.105.453 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2013.

Báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT có tổng nợ phải thu là 293.617 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2013. Tỉ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2014 là 11%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỉ đồng, tăng 18,6%. Dẫn đầu nợ phải thu khó đòi là TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) với 3.113 tỉ đồng. Tiếp đó là các TĐ, TCT: Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 1.807 tỉ đồng, Viễn thông Quân đội (Viettel) 616 tỉ đồng, Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) 613 tỉ đồng, Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) 608 tỉ đồng...

Vinalines là doanh nghiệp dẫn đầu lỗ lũy kế với 20.687 tỉ đồng Ảnh: Tấn Thạnh

Một số công ty mẹ có tỉ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: Đông Bắc nợ phải thu 4.714,191 tỉ đồng (72%), Xây dựng Trường Sơn 1.985,740 tỉ đồng (69%), Xây dựng Nông nghiệp (Vinacco) 374,834 tỉ đồng (69%), Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (Idico) 5.153,377 tỉ đồng (62%), Vật tư nông nghiệp (Vigecam) 233,292 tỉ đồng (55%), Thái Sơn 1.579,197 tỉ đồng (52%), Xây dựng Lũng Lô 1.193,110 tỉ đồng (51%). Một số công ty mẹ, nợ phải thu khó đòi có giá trị tuyệt đối không lớn nhưng tỉ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu cao là: Vigecam nợ 79 tỉ đồng (33,8%), Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCAB) 54,223 tỉ đồng (33,2%).

Cũng theo báo cáo hợp nhất, các TĐ, TCT có tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2014 là 1,41 lần (28 TĐ, TCT có tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần). Theo đó, TCT Phát triển Phát thanh Truyền hình Thông tin (EMICO) 48,27 lần, TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) 11,67 lần, TCT 36 là 11,01 lần…

Nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) của các TĐ, TCT là 553.014 tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2013. Một số TĐ, TCT có số nợ vay từ các NHTM và TCTD tương đối lớn như: PVN 174.434 tỉ đồng, EVN 108.457 tỉ đồng, TKV 46.170 tỉ đồng, Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 32.282 tỉ đồng, Sông Đà 20.327 tỉ đồng, Vicem 15.729 tỉ đồng...

Theo báo cáo hợp nhất, nợ nước ngoài của các TĐ, TCT là 381.419 tỉ đồng (vay ngắn hạn là 26.955 tỉ đồng, vay dài hạn là 354.464 tỉ đồng). Trong đó, các công ty mẹ nợ nước ngoài 253.450 tỉ đồng, như EVN 161.891 tỉ đồng, VNA 27.347 tỉ đồng, PVN 20.305 tỉ đồng, Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) 18.525 tỉ đồng, ACV 12.138 tỉ đồng.

Lỗ phát sinh gần 5.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, lợi nhuận trước thuế của 781 DNNN đạt 187.699 tỉ đồng, giảm 1% so với năm 2013. Trong đó, các TĐ đạt 130.671 tỉ đồng, giảm 2%; các TCT đạt 40.805 tỉ đồng, tăng 9%; các công ty mẹ - con đạt 4.093 tỉ đồng, tăng 22%; công ty TNHH MTV độc lập còn lại đạt 12.130 tỉ đồng, tăng 12%.

Đáng chú ý, báo cáo hợp nhất của 10 TĐ, TCT cho thấy số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con là 4.901 tỉ đồng. 19 TĐ, TCT còn lỗ lũy kế là 24.451 tỉ đồng. Dẫn đầu lỗ lũy kế là Vinalines 20.687 tỉ đồng. Tiếp theo, Vinafood 2 là 1.125 tỉ đồng, TCT 15 là 569 tỉ đồng, Haprosimex 500 tỉ đồng, Sông Đà 413 tỉ đồng, Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) 334 tỉ đồng, Truyền thông đa phương tiện (VTC) 196 tỉ đồng…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá hiệu quả hoạt động của một số TĐ, TCT chưa cao; có TĐ, TCT báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao so cùng kỳ năm 2013.

Về những bất cập, tồn tại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nên hiệu quả triển khai quy định về công khai, minh bạch chưa cao.

 

Vốn trong 5 lĩnh vực “nhạy cảm” vẫn còn lớn

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết theo đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt, năm 2014 thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực “nhạy cảm” (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) là 4.258 tỉ đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, lũy kế đến tháng 10-2015, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỉ đồng, thu 4.113 tỉ đồng. Tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị Quyết 21, ngày 26-11-2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực “nhạy cảm” mà các TĐ, TCT cần phải thoái là 23.325 tỉ đồng. Lũy kế số thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm từ năm 2012 đến tháng 10-2015 đã thoái được 9.866 tỉ đồng (bằng 42% số cần phải thoái cuối năm 2011), thu 9.496 tỉ đồng, đầu tư thêm 4.538 tỉ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu).

Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực “nhạy cảm” cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỉ đồng, trong đó chứng khoán 233 tỉ đồng, tài chính - ngân hàng 9.113 tỉ đồng, bảo hiểm 553 tỉ đồng, bất động sản 6.079 tỉ đồng, quỹ đầu tư 215 tỉ đồng.

 

Thế Dũng/Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích