Hành trình trở thành “vua rác” trên đất Mỹ
Sở hữu dây chuyền máy móc hiện đại, những đội xe chuyên dụng tiện ích, CWS được xem là “ông lớn” trong ngành thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở Mỹ từ những hợp đồng hàng tỉ USD. CWS hiện được xếp 23/100 công ty thu gom, xử lý chất thải hàng đầu tại Mỹ.
David Dương tên thật là Dương Tử Trung, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Gia đình ông là chủ hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời, Cogido. Cuối năm 1980, cả gia đình chuyển đến San Francisco (Mỹ) định cư. Bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ lạ, ông và gia đình trải qua những năm tháng khó khăn, thử thách, không vốn liếng, không phù hợp khí hậu, thời tiết, không mối quan hệ,... Nơi đất khách quê người, trong nỗi tuyệt vọng vì cần tiền, công việc, gia đình ông đi nhặt nhạnh các thùng các-tông trên đường phố San Francisco đem bán. Trong khi những người khác chỉ xem chúng là đồ bỏ đi, gia đình ông nhìn thấy cơ hội làm giàu từ đó. Đó là cách ông cùng người thân khởi nghiệp.
Ông David Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc CWS và VWS
Người đàn ông nhỏ bé nhưng lanh lợi chia sẻ: “Nơi đây hoàn toàn xa lạ, lạc lõng, không biết ngoại ngữ, cha mẹ dạy chúng tôi không dành dụm lúc đầu thì không thể sung túc về sau, nên mấy anh em chúng tôi đi lượm ve chai để bán kiếm sống. Chúng tôi rong ruổi đi khắp TP.San Francisco, đến những con ngõ hẻm, tiếp cận và làm quen với dân ve chai nhặt từng mẩu giấy, vỏ hộp”.
Đến một ngày, các thành viên trong gia đình ông tích góp được tổng số 700 USD và quyết định mua trả góp một chiếc xe tải cũ với giá hơn 2.000 USD, để thu gom phế liệu khắp thành phố, phân loại và đem bán. Từ chiếc xe cũ này, những chiếc xe khác được mua thêm, cơ ngơi của “vua rác” bắt đầu khởi sắc từ đó. Rồi dần dần mua thêm được mấy chiếc xe và bắt đầu khá dần lên. Nhưng sau đó, gia đình ông làm ăn thất bại và ôm một khoản nợ lớn. Không đầu hàng số phận, David Dương cùng gia đình thành lập công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS) năm 1991. Từ chỗ chỉ có một chiếc xe tải cũ, dần dần, CWS có đội xe với nhiều chiếc. Gia đình ông mở rộng việc thu gom và tái chế rác ra nhiều thành phố: Oakland, San Jose, Sacramento, Contra Costa,... Tiếp tục sau này vào ngày 01/7/2021, chính quyền TP.San Jose cũng đồng ý cho CWS tiếp tục hợp đồng thu gom, xử lý rác cho gần 170.000 hộ dân tại thành phố trong vòng 15 năm với hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD.
Cá nhân ông David Dương cũng trở thành một trong những người có ảnh hưởng bậc nhất trong giới chính trị gốc Việt tại Mỹ, có đóng góp tài chính lớn cho các chiến dịch tranh cử của chính quyền TP.Oakland và San Jose. Sau mấy mươi năm, từ người nhặt ve chai, David Dương xây dựng thành công “đế chế” của mình và được gọi là “vua rác”, “tỉ phú rác” ở Mỹ. Ông còn đảm nhận Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt-Mỹ (VABA). Ông đã giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tạo cơ hội thuận lợi cho nhiều doanh nhân Việt kiều tại Mỹ đầu tư về Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả.
Và những dự định...
Không hài lòng với thành công hiện tại, là một người hành động, David Dương lại có những dự định cho năm 2023. Ông ấp ủ khởi công xây dựng một nhà máy tái chế rác hiện đại ở TP.Oakland. Đây là nhà máy sản xuất bột giấy và hạt nhựa chứ không phải là nhà máy chế tái rác truyền thống.
“Tôi luôn trăn trở bản thân ngày càng lớn tuổi trong khi muốn công ty phát triển nhanh nên từ lâu tôi ấp ủ dự định này. Tiếp nối truyền thống gia đình ngày xưa ở Việt Nam là sản xuất giấy nên tôi nảy sinh ý định khởi nghiệp mới. Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, gặp gỡ những nhà tài trợ, bàn bạc cùng các chuyên gia,... Nhà máy này sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, sử dụng robot hỗ trợ,... để mình đưa rác, phế liệu vào sẽ tự động xuất ra thành phẩm là bột giấy và hạt nhựa chứ không qua quá trình lọc lựa. Nhà máy sản xuất bột giấy và hạt nhựa dự kiến công suất khoảng 600 tấn/ngày. Đây là ý tưởng, đầu tư tương đối lớn nên hiện tại chưa có nhà đầu tư nào xây dựng. Đi qua chặng mới, tạo ra sản phẩm có giá trị hơn nên tôi nghĩ khi mình làm, chắc chắn sẽ thắng thị trường, đặc biệt là bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường,...” - ông bộc bạch.
Phối cảnh dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại tỉnh Long An
Ông David Dương cũng chia sẻ thêm, với chiến lược mới này, vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 230 triệu USD, thời gian xây dựng nhà máy trong vòng 26 tháng sẽ đi vào hoạt động.
Không chỉ có những dự định tại Mỹ, qua cuộc trò chuyện từ xa, ông David Dương cũng chia sẻ thêm những kế hoạch trong năm mới đối với dự án tại Việt Nam. Ông luôn tâm niệm: “Dù sinh sống và làm việc ở đâu, là người Việt nên đau đáu nhớ về quê hương. Nếu chỉ để kiếm tiền, tôi có thể đầu tư nhiều nơi. Nhưng đầu tư về quê hương mình, về nơi chôn nhau cắt rốn còn có một ý nghĩa khác to lớn hơn nhiều. Tôi luôn mong mỏi được góp mọi điều tốt đẹp cho quê hương!”.
Nói về quê hương, David mãi không quên những năm đầu tiên khi đón Tết cùng cán bộ, nhân viên, người lao động tại VWS. Lúc ấy ông về Việt Nam, trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình,... “Công ty có nhiều anh em ở khắp các tỉnh, thành nên mình thường tổ chức ăn Tết sớm, lì xì, động viên để họ về quê sum họp cùng gia đình sau một năm lao động. Tôi còn nhớ ở Việt Nam thích nhất được đi chợ tết, cảm nhận không khí nhộn nhịp, ấm áp, ăn bữa cơm đoàn viên,... Tôi nghĩ, Tết có lẽ không chỉ cho riêng mình mà vui hơn chính là những người thân cùng sum họp” - ông nói.
Nếu như không có điều kiện về nước đón Tết, ở bên Mỹ, gia đình ông vẫn giữ những tập tục, truyền thống của người Việt. Tết thường rất linh thiêng, bây giờ ngày Tết ở bên Mỹ, các mặt hàng của Việt Nam cũng được bày bán rất nhiều nên giúp những người Việt xa quê cảm thấy ấm lòng hơn. Không chỉ chăm lo công việc kinh doanh, trong vai trò là Chủ tịch VABA, đầu năm mới, ông thường tổ chức họp mặt. Tại đây, ngoài chúc mừng năm mới, mọi người trò chuyện, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn sau một năm làm việc. “Chúng tôi cũng có mời đại diện ngân hàng tham dự để họ nói về chiến lược, hỗ trợ trong công việc kinh doanh của các hội viên. Mục đích chính của cuộc họp là để cùng nhau đoàn kết, gắn bó, giúp nhau vươn lên” - ông David Dương cho hay.
Ông David Dương cũng chia sẻ thêm một thông tin khá thú vị trong dịp năm 2023. Không chỉ về Việt Nam đón Tết, qua các mối quan hệ, David Dương đã kết nối với một tỉ phú người Mỹ, ông Douglas M. Leone - người đang nắm giữ một quỹ đầu tư khoảng 80 tỉ USD, về Việt Nam tìm hiểu để đầu tư vào những dự án của VWS và các dự án khác tại Việt Nam. Đặc biệt, ông dự định đưa tỉ phú này đến với Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh tại Long An để có thể tìm cách tháo gỡ vướng mắc, xúc tiến dự án triển khai sau thời gian dài bị trì hoãn./.
Thanh Nga