Phiên tòa xét xử tài xế Phạm Thành Hiếu gây tai nạn thảm khốc tại ngã tư Bình Nhựt (huyện Bến Lức) được xét xử rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến kết hợp trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa (Ảnh tư liệu)
Đổi mới phiên tòa xét xử
Thông tin từ Ban Nội chính Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt cho cán bộ chủ chốt và các cơ quan tư pháp tỉnh.
Trong đó chú trọng quan tâm đến “đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp” mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tư pháp, cụ thể là Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ, công chức trong hệ thống ngành về mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ và nội dung của Nghị quyết số 49 và các nghị quyết, Chỉ thị của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao, TAND tối cao.
Sau khi triển khai, nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ, công chức của 2 ngành kiểm sát và tòa án được nâng lên rõ rệt, nhất là việc đổi mới công tác tổ chức phiên tòa xét xử ở hai cấp theo hướng bảo đảm tính độc lập của Hội đồng xét xử; phiên tòa được tổ chức dân chủ hơn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, từ đó góp phần cho việc ra bản án, quyết định của Tòa án bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, tạo sự công bằng xã hội và bản án có tính thuyết phục cao.
Năm 2011, VKSND tỉnh phối hợp TAND tỉnh xây dựng quy chế tạm thời về “Phối hợp xét xử án hình sự theo tinh thần CCTP”, triển khai cho 2 cấp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP, tập trung vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự 2011, Luật Tố tụng hành chính 2011.
Từ quy chế trên, hàng năm, TAND và VKSND 2 cấp trong tỉnh phối hợp chọn một số vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh – thương mại, hôn nhân gia đình, hành chính để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP. Sau xét xử, lãnh đạo 2 ngành đều tổ chức họp với thành phần thẩm phán, kiểm sát viên để rút kinh nghiệm chung; đồng thời, báo cáo kết quả xét xử, tổ chức sơ kết, tổng kết đối với phiên tòa rút kinh nghiệm theo quy chế và kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, từ khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy, việc đưa ra xét xử theo tinh thần CCTP càng được chú trọng, mỗi thẩm phán trong năm phải xét xử ít nhất 1 vụ án theo tinh thần CCTP. Qua các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao kỹ năng xét xử của thẩm phán, kiểm sát viên và thư ký cũng như việc tổ chức xét xử các phiên tòa nói chung.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, trong điều kiện yêu cầu về CCTP ngày càng cao theo chỉ đạo của Trung ương, tình trạng pháp luật về hình sự, dân sự chưa hoàn chỉnh, còn bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, trình độ cán bộ các cơ quan tư pháp chưa đồng đều; án bị hủy, cải sửa, án xét xử vi phạm pháp luật bị kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm còn nhiều, việc VKSND, TAND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp tổ chức cho 2 cấp xét xử rút kinh nghiệm án hình sự, dân sự theo yêu cầu CCTP là một hướng đi đúng, tạo môi trường tự đào tạo, tự rèn luyện trong đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp.
Cần thực hiện thường xuyên phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 12/2020, VKSND và TAND 2 cấp đã phối hợp chọn, đưa ra xét xử 979 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có 557 vụ án hình sự và 422 vụ án dân sự.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay đã phục vụ thiết thực cho chủ trương về CCTP theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 49, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự 2011, Luật Tố tụng hành chính 2011 và hướng tới Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Đặc biệt, kết quả các phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự, dân sự diễn ra đúng chủ trương của Đảng, đúng các nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng của các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính. Hội đồng xét xử luôn bảo đảm dành thời gian cho việc tranh luận giữa kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác nhằm tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
Hoạt động tranh tụng dù có luật sư hay không có luật sư dần trở thành nhu cầu và trọng tâm trong hoạt động xét xử; kết quả tranh luận được Hội đồng xét xử ghi chép, nhận định, đánh giá đầy đủ từng nội dung, từng vấn đề được tranh luận trong bản án và làm cơ sở cho việc đưa ra phán quyết của các bản án có căn cứ, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, qua việc tổ chức họp rút kinh nghiệm sau các phiên tòa được các đơn vị, địa phương tổ chức, đã rút ra được những khiếm khuyết đang mắc phải và khắc phục triệt để những vi phạm được chỉ ra, quá đó giảm đáng kể án bị hủy, cải sửa, án có oan sai, nhất là án cùng loại. Năng lực hoạt động tố tụng của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, thẩm phán 2 cấp cũng từng bước được nâng lên rõ rệt.
Từ những kết quả tích cực của các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP mang lại, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh khẳng định quá trình tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm phải kết hợp vừa tổ chức trong phạm vi hẹp tại địa phương, các toà chuyên trách cấp tỉnh, vừa phải tổ chức trên phạm vi rộng bằng hình thức truyền hình trực tuyến và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quy định thành chỉ tiêu thi đua để nâng trách nhiệm, hiệu quả công việc.
Góp phần tích cực vào việc học hỏi, góp ý lẫn nhau, tạo môi trường tự hoàn thiện cho hoạt động xét xử nói chung và tư chất, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của lực lượng cán bộ các cơ quan tư pháp nói riêng, góp phần đáp ứng ngày càng cao yêu cầu công tác CCTP, nhất là đáp ứng nhiệm vụ đột phá của hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh./.
Kiên Định