Gần 1.000 phiên tòa được chọn xét xử rút kinh nghiệm
Thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, thực hiện nhiệm vụ CCTP, năm 2011, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh phối hợp TAND tỉnh xây dựng Quy chế tạm thời về “Phối hợp xét xử án hình sự theo tinh thần CCTP” để triển khai cho TAND 2 cấp tổ chức thực hiện. Từ quy chế được ban hành, hàng năm, TAND và VKSND 2 cấp trong tỉnh phối hợp chọn một số vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh - thương mại, hôn nhân - gia đình, hành chính để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP.
Sau mỗi phiên tòa xét xử, thẩm phán, kiểm sát viên (KSV) đều tổ chức họp để rút kinh nghiệm chung; đồng thời, báo cáo kết quả xét xử, tổ chức sơ kết, tổng kết đối với phiên tòa rút kinh nghiệm theo quy chế và kế hoạch đề ra. Đặc biệt, từ năm 2017, TAND 2 cấp tỉnh yêu cầu trong năm, mỗi thẩm phán phải xét xử ít nhất 1 vụ án theo tinh thần CCTP.
5 năm qua, TAND và VKSND huyện Mộc Hóa tổ chức 30 phiên tòa rút kinh nghiệm với 16 vụ án hình sự và 14 vụ án dân sự, trong đó có 6 phiên tòa xét xử bằng hình thức trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa. Theo TAND huyện Mộc Hóa, các vụ án được lựa chọn xét xử rút kinh nghiệm đều là các vụ án có tính chất phức tạp hoặc các vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng cho biết: “Thực hiện Chương trình CCTP hàng năm của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương và Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, tính từ đầu năm 2016 đến tháng 12/2020, VKSND và TAND 2 cấp tỉnh phối hợp chọn, đưa ra xét xử 979 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó, 557 vụ án hình sự và 422 vụ án dân sự. Đặc biệt, TAND và VKSND tỉnh tổ chức nhiều phiên tòa xét xử theo tinh thần CCTP bằng hình thức trực tuyến và liên thông giữa TAND hai cấp và VKSND hai cấp trong tỉnh để theo dõi, rút kinh nghiệm và góp ý kiến về những tồn tại, hạn chế nhằm từng bước hoàn thiện hơn về phiên tòa CCTP”.
Theo đó, các phiên tòa rút kinh nghiệm đều bảo đảm đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự. Quá trình xét xử, những người tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, các câu hỏi mang tính khách quan, bảo đảm quyền tranh luận, đối đáp, chứng minh của các đương sự.
Riêng đối với các phiên tòa hình sự, hội đồng xét xử không hạn chế thời gian tranh luận giữa bên buộc tội với bên gỡ tội, bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng, tạo điều kiện tối đa cho bị cáo, người bào chữa thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Kết quả tranh luận trong các vụ án được Hội đồng xét xử quan tâm, ghi nhận và nhận định trong bản án, làm cơ sở cho việc đưa ra các phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bản án có tính thuyết phục cao, không xử oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm, tạo được lòng tin của nhân dân đối với pháp luật của Nhà nước.
Phiên tòa hình sự xét xử tội danh giết người, cướp tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng đối với bị cáo Trần Quốc Quân cùng 9 đồng phạm được Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức xét xử rút kinh nghiệm theo hình thức trình chiếu chứng cứ tại tòa án
(Ảnh tư liệu)
Nâng cao chất lượng công tác xét xử, thực hành quyền công tố
Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng khẳng định, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án và hoạt động xét xử của thẩm phán, KSV, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án.
“Qua các phiên tòa rút kinh nghiệm và các ý kiến tham gia đóng góp rút kinh nghiệm sau khi xét xử đã giúp các thẩm phán, KSV, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa nói riêng thấy được những ưu điểm, thiếu sót trong công tác xét xử, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử và đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung học hỏi, trải nghiệm thực tế xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa, nâng cao kỹ năng xét xử, khả năng và chất lượng tranh tụng, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, giảm tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, nâng cao tính thuyết phục của các bản án, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người và pháp chế xã hội chủ nghĩa” - Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng cho biết thêm.
Đánh giá về hiệu quả phiên tòa rút kinh nghiệm, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh - Võ Thành Đủ cho rằng, từ việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, kỹ năng và trách nhiệm của KSV tại phiên tòa ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV của ngành ngày càng “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Đây cũng là hình thức đào tạo trực tiếp, thiết thực nhất nhằm nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, KSV, tạo chuyển biến lớn trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại tòa, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu CCTP.
Tuy nhiên, qua sơ kết cho thấy, việc chọn án xét xử rút kinh nghiệm còn một số trường hợp chưa được đồng nhất. Một số địa phương chọn án xét xử rút kinh nghiệm nhiều lúc chưa hợp lý, có những vụ án quá đơn giản nên phần tranh luận tại phiên tòa không nhiều, không rõ nét, nội dung rút kinh nghiệm chỉ là những vấn đề về trình tự, thủ tục là chính; đối với án quá phức tạp thì bị áp lực về thời gian nên có vụ không sâu, thậm chí có lỗi vi phạm. Từ đó, dẫn đến chất lượng một số phiên tòa chưa cao, nội dung rút kinh nghiệm không phong phú.
Bên cạnh đó, hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ công tác xét xử của nhiều TAND cấp huyện xuống cấp, đa số được xây dựng từ trước năm 1993 nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, nhất là thiếu phương tiện trình chiếu, nhiều phiên tòa phải sử dụng máy chiếu của viện kiểm sát hoặc thuê từ bên ngoài, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như yêu cầu CCTP.
Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn việc áp dụng pháp luật hình sự trong xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm liên quan đến thuốc lá điếu, pháo nổ; sửa đổi quy định tại Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 theo hướng giao thẩm quyền TAND cấp huyện xét xử các vụ án hành chính như trước đây nhằm giảm áp lực cho TAND cấp tỉnh trong tình hình số lượng thẩm phán không tăng theo như quy định hiện nay; đồng thời, đáp ứng yêu cầu CCTP theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện.
Đối với Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần sửa phần quy định về thủ tục phiên tòa theo hướng giảm bớt thủ tục nhằm rút ngắn thời gian xét xử các vụ án. Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là kỹ năng tiến hành hoạt động tố tụng tại các phiên tòa nhằm nâng cao năng lực tranh tụng của đội ngũ KSV trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử./.
Kiên Định