Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn coi trọng và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp đối với kinh tế tỉnh nhà
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chia sẻ thông tin về tình hình phát triển KT-XH trong 8 tháng năm 2023. Theo đó, sản xuất nông nghiệp được tập trung kiểm tra, chỉ đạo chặt chẽ theo kế hoạch đề ra. Sản lượng lúa đạt 2,27 triệu tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ. Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới được quan tâm, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Hoạt động sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 tăng 5,2% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước.
Doanh nghiệp tham gia hội nghị
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn coi trọng và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp đối với kinh tế tỉnh nhà. Trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có thể phát sinh những vấn đề còn vướng mắc, kéo dài, cần trao đổi với lãnh đạo tỉnh, sở, ngành để cùng nhau giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại huyện Bến Lức nói riêng và tỉnh nói chung.
Tại hội nghị, có nhiều ý kiến trao đổi của doanh nghiệp đối với lãnh đạo UBND tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH La Mã (xã Phước Lợi) phản ánh 3 năm gần đây, công ty có nhận được thông báo về việc ủng hộ Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh. Trong thông báo có ghi ngoài phần đóng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm thu lại của người lao động. Doanh nghiệp hỏi, khoản đóng này có bắt buộc hay không, trường hợp những năm trước đây chưa đóng thì doanh nghiệp có phải đóng bù lại hay không. Qua tìm hiểu của doanh nghiệp này, một số doanh nghiệp bạn có doanh nghiệp đóng, có doanh nghiệp chưa đóng. Trong những trường hợp chưa đóng, có phải đóng bù không.
Đối với trường hợp này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền chia sẻ, căn cứ khoản 1, Điều 12, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, đây là mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan thuế, nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức.
Quy định này có mức xử phạt cụ thể. Theo các căn cứ pháp lý, doanh nghiệp bắt buộc đóng Quỹ Phòng, chống thiên tai. Các trường hợp chưa đóng thì bắt buộc phải đóng bù lại theo quy định. Đối với người lao động, doanh nghiệp nên vận động đóng theo quy định pháp luật hiện hành.
Đại diện Công ty TNHH San Hà, Giám đốc Hành chính - Nhân sự - Huỳnh Kim Huyền cho rằng, buổi đối thoại diễn ra trong không khí ấm tình khiến doanh nghiệp cảm động
Đại diện Công ty TNHH San Hà, Giám đốc Hành chính - Nhân sự - Huỳnh Kim Huyền cho rằng, buổi đối thoại diễn ra trong không khí ấm tình khiến doanh nghiệp cảm động, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với doanh nghiệp lớn, bởi sau dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Buổi đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp là nguồn động viên lớn giúp doanh nghiệp vững tin vào sự lãnh đạo của chính quyền tỉnh.
Dịp này, bà Huỳnh Kim Huyền phản ánh nhiều vấn đề như doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách ưu đãi đối với Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thủ tục chuyển quyền sử dụng đất chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp, mất thời gian, mất cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp này cũng phản ánh, bảng hiệu quảng cáo gắn trên địa điểm mua bán của doanh nghiệp một phần là quảng cáo, một phần là nơi để người tiêu dùng nhận diện nơi mua sắm. Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động, doanh nghiệp có sai sót trong thông tin trên bảng hiệu nhưng không nhắc nhở mà xử phạt, trường hợp này, cơ quan chức năng chưa thật sự chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là thời điểm khó khăn sau dịch Covid-19.
Giám đốc Công ty TNHH Mice Travel - Đặng Cẩm Hường chia sẻ, doanh nghiệp đang từng ngày nỗ lực xây dựng thương hiệu
Giám đốc Công ty TNHH Mice Travel - Đặng Cẩm Hường chia sẻ, là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp đang từng ngày nỗ lực xây dựng thương hiệu, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Mong muốn lớn của doanh nghiệp là được sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, ngành Giáo dục và Đào tạo, trường học đối với sản phẩm du lịch trong tỉnh và các công ty lữ hành của tỉnh.
Đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Ô tô Quyền thông tin, doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục hải quan tại TP.HCM, khi doanh nghiệp chuyển về làm thủ tục hải quan tại Long An sẽ được tạo thuận lợi gì?
Đại diện Công ty TNHH Đạt Quang Minh cũng phản ánh xin tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản với dự án mà doanh nghiệp đã nghiệm thu hoàn thành kỹ thuật, cam kết thực hiện triển khai hạ tầng xã hội,… Xin được phép mở bán tỷ lệ 60% sản phẩm trong giai đoạn này để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.
Tất cả các ý kiến của doanh nghiệp phản ánh, các ngành chức năng đều có giải đáp, hướng dẫn cụ thể.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa kêu gọi, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tiếp tục phản ánh những khó khăn, kiến nghị đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan để làm đầu mối giải quyết. Các vấn đề doanh nghiệp phản ánh từng sở, ngành có liên quan phải trả lời bằng văn bản đến doanh nghiệp bằng trách nhiệm cao nhất, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Long An luôn thực hiện phương châm “Khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh”.
Dịp này, Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Nguyễn Đăng Minh Xuân cảm ơn doanh nghiệp đã “đạp sóng vượt gió” cùng huyện phát triển kinh tế, chăm lo công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, đây là điều đáng trân trọng. Huyện Bến Lức sẽ nỗ lực hơn nữa trong giải quyết các thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại huyện Bến Lức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từng bước phục hồi, thu hút đầu tư tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện tiếp nhận 136 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước với vốn đăng ký 1.444 tỉ đồng; 2 doanh nghiệp và chi nhánh đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 3,1 triệu USD.
Lũy kế đến nay, Bến Lức có 2.663 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 32.168 tỉ đồng; 126 doanh nghiệp và chi nhánh đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,3 tỉ USD. Bến Lức hiện là một trong những huyện có đóng góp lớn cho GDP toàn tỉnh./.
Mai Hương - Hoàng Tuân