Tiếng Việt | English

02/09/2019 - 14:55

Đồng hành xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 77/166 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trên đường về đích NTM, các địa phương vượt qua rất nhiều khó khăn; nhiều xã được công nhận nhưng vẫn còn vài tiêu chí (TC) nợ. Trong đó, môi trường được xác định là một trong những TC khó nhất. Để góp phần giúp các địa phương “về đích” NTM, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí liên quan.

Xây dựng công trình cấp nước sạch cho người dân

Xây dựng công trình cấp nước sạch cho người dân

Quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường 

Theo quy định, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM phải hoàn thành 19 TC. Trong đó, muốn đạt TC môi trường phải hoàn thành các nội dung: 75% hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường, có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Qua đánh giá của ngành chức năng về quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai phù hợp điều kiện thực tế, nguồn lực địa phương, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Đặc biệt, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tham gia thực hiện các TC khó.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Chi cục tham gia xây dựng NTM ở TC 17.8. Theo quy định về TC này thì 100% hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn xã phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Thời gian qua, ngành hỗ trợ các xã thực hiện TC môi trường và an toàn thực phẩm: Hướng dẫn hồ sơ đăng ký hỗ trợ VietGAP cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp (theo Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh); hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình VietGAP cho 349,77ha sản xuất nông sản với kinh phí trên 2 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, về hệ thống thu gom, xử lý chất thải, chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường đã xây 16 hố chứa và 18 thùng chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với số lượng rác thu gom 982kg; chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường xây 87 hố chứa và thu gom trên 1.000kg bao bì, vỏ chai thuốc BVTV. Chi cục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; hỗ trợ xây dựng các hố thu gom và hướng dẫn xử lý vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng an toàn, đúng quy định về bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện nay, 15/15 huyện, thị xã, thành phố triển khai, tổ chức cho hộ dân, cơ sở ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn. Cụ thể, có 52.237 hộ dân, cơ sở tại 99/166 xã ký cam kết”.

Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh - Hà Văn Thiệp, công tác đầu tư xây dựng công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua gắn liền với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến năm 2016, chương trình nước sạch được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, tại 166 xã nông thôn của tỉnh có 1.554 trạm cấp nước, phục vụ 237.316 hộ dân. Các công trình cấp nước nông thôn được đầu tư xây dựng góp phần hoàn thành TC 17.1 của xã NTM và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, sức khỏe cho cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 97,69% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 3,79% so với năm 2015); 36,44% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch (tăng 19,84% so với năm 2015). Ước đến năm 2020, tỉnh có 98% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 52,5% hộ dân sử dụng nước sạch, hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2019 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Hệ thống thủy lợi phục vụ tốt cho phát triển sản xuất nông nghiệp

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có 77/166 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến, đến cuối năm 2019 có thêm 8 xã được công nhận, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 85 xã (chỉ tiêu nghị quyết là 83 xã). Chi cục đang phối hợp huyện Châu Thành và TP.Tân An để hoàn thành các TC, lập hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019”.

Hệ thống kênh, mương nội đồng được đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp

Hệ thống kênh, mương nội đồng được đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh đó, để thực hiện TC số 3 về thủy lợi, ngành nông nghiệp không ngừng phối hợp địa phương đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các công trình thủy lợi được đầu tư khá đồng bộ và theo hướng đa mục tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành. Theo đó, toàn tỉnh có gần 400km kênh trục chính; trên 4.700km kênh cấp I và kênh cấp II; 174 trạm bơm điện, trong đó, 167 trạm bơm điện nhỏ ở vùng Đồng Tháp Mười, phục vụ tổng diện tích 262.000ha. Cùng với hệ thống kênh, trạm bơm, tỉnh còn đầu tư hoàn thiện các công trình đê bao với hơn 1.100 ô đê bao khép kín, bảo vệ cho trên 95.000ha đất nông nghiệp và hơn 200 ô đê bao chưa khép kín, bảo vệ khoảng 29.000ha.

Ngoài ra, tỉnh có 16 cống lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam vùng Đồng Tháp Mười và nhiều công trình, dự án thủy lợi quan trọng được đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như dự án Phước Hòa - Khu tưới Đức Hòa, phục vụ tưới tiêu chủ động cho hơn 10.000ha lúa, đậu phộng, bắp, rau màu trên địa bàn huyện; dự án thủy lợi Bảo Định giai đoạn 2, cung cấp nước ngọt cho 7.100ha thanh long, lúa sản xuất 3 vụ của huyện Châu Thành và TP.Tân An; các dự án nạo vét kênh Đồng Tiến - La Găng, Mỹ Hòa - An Phong - Bắc Đông; kênh 79, kênh 61,… đáp ứng trên 90% nhu cầu tưới tiêu, ngăn mặn và 60% việc chống lũ sớm. Qua đó, góp phần phục vụ tốt cho phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích