Em tíu tít khoe với tôi rằng, em vừa đi chơi núi Phanxipăng. Tôi biết ngay, em vừa có tour trải nghiệm đỉnh núi Phanxipăng trong dãy Hoàng Liên Sơn cao nhất nước ta và cả xứ Đông Dương. Phanxipăng xuất xứ là tiếng H’Mông Phán Si Pản (tấm đá phẳng) do trên đỉnh núi có một thớt đá to và bằng phẳng. Người Pháp viết là Fansipan.
Khi xưa đâu biết cáp treo là gì. Chỉ những người chuyên môn hay các nhà thám hiểm mới leo núi Phanxipăng và đã có bao người rơi xuống vực thẳm do đứt dây leo hoặc tuột tay khi đu dây rừng qua suối, qua khe hoặc trượt chân trên mỏm đá hiểm.
Em nói, bây giờ lên đỉnh Phanxipăng chỉ cần mua vé cáp treo rồi vi vu lưng chừng trời, vút một cái là đến. Tôi nói, đi vậy trải nghiệm được gì. Hơn 10 năm trước, tôi đi với đoàn Hội Nhà báo Long An lên miền Tây Bắc. Giữa một sáng tràn ngập sương mù trên cung đường zic zac qua bao triền núi, đỉnh đèo hiểm trở, đến nửa chiều hôm ấy, xe dừng trên lưng một con đèo ở độ cao hơn ngàn thước. Đèo bị kẹp giữa hai dãy núi mịt mù mây phủ. Cả đoàn xuống xe trong cái lạnh cắt da, cắt thịt; ai nấy sững sờ trước một kỳ quan uy nghi, hùng vĩ ngất trời.
Mấy cô sơn nữ bán hàng rong trên đèo cho biết, đó là Phanxipăng cao 3.142 mét, mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương. Ai nấy ngẩn ngơ ngước mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và chụp ảnh dù bầu trời âm u sũng ướt sương mù. Em hỏi tôi thấy trên đỉnh núi có gì không? Tôi nói, chỉ thấy mây mù tuôn xuống chóp núi. Em cười, vậy là anh chưa thấy các kiến trúc mới về đền đài, chùa chiền và lối đi lẩn khuất trong rừng cây, khi có băng giá là tuyết phủ trắng xóa, đẹp mê hồn!
Tác giả trên đỉnh đèo bên sườn núi Phanxipăng
Bất giác, tôi “à” một tiếng rồi kể em nghe về hồi ức Một đêm trăng trên nóc nhà đất nước của sư ông Thích Huyền Diệu - nhà sư từng chu du nhiều nước, đến hầu khắp các danh sơn nổi tiếng trên thế giới mà vẫn canh cánh nỗi niềm nhớ nước và mơ ước được một lần đặt chân lên đỉnh Phanxipăng - “nơi hội tụ khí thiêng sông núi của Tổ quốc”, theo nhà sư. Nhà sư từng viếng Phú Sĩ sơn - ngọn núi thiêng của người Nhật Bản. Hàng năm, núi này chỉ làm lễ mở cửa một lần để mọi người lên chiêm bái với nghi thức long trọng vào ngày 01/7 và đến 31/8 làm lễ đốt lửa đóng cửa núi. Nhà sư cũng đến ngọn núi Kailash ở Tây Tạng, nơi ngàn năm nay vẫn được xem là chốn thiêng liêng mà cố Thủ tướng Ấn Độ - Nerhu trong hồi ký của mình bày tỏ sự tiếc nuối vì không đạt được ước nguyện một lần trong đời hành hương đến núi thiêng này!
Nhà sư Thích Huyền Diệu cũng từng leo núi Everest đến tận điểm dừng chân của du khách ở độ cao 5.000-6.200m, thấy rác thải đủ loại mà rùng mình và cầu cho Phanxipăng của chúng ta tránh khỏi thảm họa môi sinh nhức nhối như ở Everest.
Sau gần nửa thế kỷ sống xa xứ, mãi năm 2004, nhà sư Thích Huyền Diệu mới có cơ duyên cùng người bạn sinh sống ở Canada lên đường về Tổ quốc với quyết tâm lên chiêm bái đỉnh Phanxipăng.
Hai người rời Hà Nội bằng một chuyến tàu lửa đi Lào Cai. Sau một đêm nghỉ lại phố núi Sapa ở độ cao ngàn thước, sáng hôm sau, họ thuê 2 hướng dẫn viên người H’Mông mang lều bạt, thức ăn theo, bắt đầu cuộc leo núi. Đến chân núi, họ theo các rẻo vải do những người đi trước buộc làm dấu dẫn đường mà đi.
“Chúng tôi vui thích đi qua các suối nước trong veo chảy róc rách giữa hàng cây, say sưa cúi nhìn những phiến đá nằm yên trong lòng suối mà hẳn từ ngàn năm qua chưa có bước chân người chạm tới” - nhà sư viết.
Rồi những vách núi dựng đứng, những đám dây leo xanh mướt buông mình lửng lơ điểm xuyết những cành hoa phong lan đủ màu rực rỡ làm cho phong cảnh thêm vẻ hữu tình. Có lúc, họ bước lên những thảm rêu hoang sơ từ vạn kỷ. Khi lên gần đến đỉnh núi, họ cùng đứng cúi đầu để tỏ lòng cung kính nơi ngự trị của anh linh Tổ quốc. Lần ấy, do thời tiết giá buốt, về đêm có thể đóng băng nên hướng dẫn viên kêu họ xuống núi để tránh nguy hiểm trong niềm luyến tiếc khôn nguôi.
Lần sau, nhà sư cùng nhóm Về nguồn 15 người, có 4 hướng dẫn viên người H’Mông dẫn đường. Cùng leo núi với họ có các du khách nước ngoài đi du lịch mạo hiểm. Nhìn khung cảnh chung quanh, nhà sư thấy đây là một trong những cảnh quan đẹp nhất thế giới. Thiên nhiên với bàn tay sáng tạo bậc thầy khéo xếp đặt mọi thứ một cách hài hòa mà tài năng con người chưa thể đạt được. Đêm đó sáng trăng, tạo bản giao hưởng ánh sáng kỳ tuyệt. Nhiệt độ xuống 2oC. Dù rất thèm nấu nước pha trà và hút thuốc nhưng ai nấy bảo nhau cố nhịn để phòng cháy. Mọi người cùng ngồi tĩnh tâm dưới ánh trăng vằng vặc tỏa sáng một màu huyền diệu, chiêm nghiệm hết cái miên viễn của vũ trụ vô thủy vô chung. Sáng hôm sau, khi bình minh lên đỏ lựng chân trời, đoàn Về nguồn cùng chậm rãi đi thiền vòng quanh đỉnh núi theo chiều kim đồng hồ.
“Chúng tôi vừa đi, vừa khấn nguyện khí thiêng sông núi tồn tại mãi nơi đây để che chở và mang lại phước lạc cho dân tộc” - nhà sư viết. Điều mà nhà sư Thích Huyền Diệu trăn trở là khi nghe các nhà làm du lịch ở đây tính đến việc “chinh phục ngọn Phanxipăng bằng cáp treo” - dễ dẫn tới hiểm họa ô nhiễm môi trường.
Nhà sư viết: “Không một nguồn lợi kinh tế hay du lịch nào có thể sánh được với gia sản tài nguyên quý giá dường ấy mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho dân tộc chúng ta”.
Em nghe tôi nói dông dài như vậy mới bật tiếng kêu: “Em lên đỉnh Phanxipăng bằng cáp treo nên thấy nó hơi “bình thường”. Trên đỉnh núi có hơi ồn và hơi bị... ô nhiễm”. Như thế cũng hơi bị giảm vẻ linh thiêng? Dù sao, hành hương lên đỉnh núi thiêng theo đường truyền thống vẫn kỳ thú hơn vì chiêm ngưỡng được nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên nguyên sơ và tâm thức cảm nhận được nhiều điều “linh thiêng” của Nóc nhà Đông Dương mà Tổ quốc ta có được. Có thể mở lối leo núi - có cầu treo qua các vực thẳm để bảo đảm an toàn cho du khách trải nghiệm một tour leo núi bằng chính đôi chân của mình./.
Cập Nhật 03/02/2016
Ngày 2-2, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới lên đỉnh Phanxipăng.
|
Tản bút của Quang Hảo