Dù được đánh giá là vùng có tài nguyên du lịch đa dạng, tiềm năng to lớn nhưng tổng thu từ ngành du lịch ở ĐSBCL chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tới 3% của cả nước. Năm 2014, mức chi tiêu của khách quốc tế tại vùng khoảng 840.000 đồng/ngày đêm (tương đương 40 USD); ngày lưu trú trung bình đạt 1,77 ngày; trong khi đó, ngày lưu trú trung bình của khách nội địa chỉ đạt 1,1 ngày. Cả mức chi tiêu và thời gian lưu trú đều thấp hơn bình quân của cả nước.
Đêm khai mạc năm du lịch Quốc gia 2016 Phú Quốc - ĐBSCL với chủ đề "Khám phá đất phương Nam" thật hoành tráng trên sân khấu; nhưng ngoài phố, những điểm du lịch, nhiều công trình phục vụ cho năm du lịch vẫn ngổn ngang, nham nhở. Nhiều tuyến phố, hè đường vẫn chưa kịp lát xong; vật liệu xây dựng như cát, sỏi, gạch xếp thành đống bên đường. Phú Quốc vào mùa du lịch cao điểm nhưng vẫn uể oải, nhếch nhác, tạm bợ như những năm trước đây.
Nằm phía nam Phú Quốc, đảo Móng Tay mang một vẻ đẹp lãng mạn với các bờ biển trong xanh như ngọc và bãi cát trắng tinh dưới những hàng dừa râm mát. Ảnh: Phan Lộc/Vnexpress
Một biểu tượng khác của ngành du lịch tỉnh Kiên Giang, khu di tích danh thắng cấp quốc gia Hòn Chông ở huyện Kiên Lương, điểm đến hấp dẫn của du khách cũng nhếch nhác và ngày càng vắng vẻ.
Chị Nguyễn Thị Huệ, một du khách Vĩnh Long nói: "Tôi đến đây lần đầu tiên khoảng 15 năm trước, nhưng 15 năm sau vẫn không có gì thay đổi. Bãi biển còn bẩn, quán xá bán hàng lang thì nhiều mà vệ sinh thì không được đảm bảo. Ăn uống còn lụp xụp chưa có nhiều đổi mới".
Hiện nay, hệ thống sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL còn đơn điệu. Ngoại trừ khu du lịch biển đảo Phú Quốc, phần lớn các địa phương mới tập trung khai thác sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên là sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử. Hình thức các sản phẩm này quá tương đồng nhau. Do vậy, sức hút của hoạt động du lịch không cao.
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một điểm đến ưa thích của khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Quý, một doanh nghiệp Hà Nội đầu tư du lịch tại cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Thứ nhất, đừng làm ăn manh mún. Thứ hai, phải mang tính chất chuyên nghiệp, phần lớn hướng dẫn viên nội địa chưa được đào tạo nghề. Mô hình giống nhau quá, đặc biệt là cạnh tranh không lành mạnh làm người ta một đi rồi không trở lại".
Du lịch tỉnh Đồng Tháp, qua hơn một năm “khởi động” Đề án phát triển du lịch, vẫn phát triển chậm chạp; sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao. Đáng chú ý, những ý kiến phản hồi của du khách cho thấy, thái độ phục vụ của đội ngũ làm du lịch chưa chuyên nghiệp.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban chỉ đạo Đề án phát triển du lịch tỉnh cho biết, để ngành du lịch Đồng Tháp và cả vùng ĐBSCL phát triển, khâu đột phá đầu tiên phải là từ những người làm du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch phải chuyên nghiệp; thái độ phục vụ từ lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười... đều thể hiện được tấm lòng tôn trọng du khách.
"Tính chuyên nghiệp của những người làm du lịch, trong đó đội ngũ nhân lực làm du lịch còn hạn chế; kể cả nhân lực trong đội ngũ quản lý du lịch hoặc với đội ngũ nhân lực ở từng điểm, tuyến du lịch... Du lịch Đồng Tháp phát triển phải bắt đầu từ những người làm du lịch, từ nguồn nhân lực làm du lịch của tỉnh" - ông Lê Minh Hoan nêu rõ.
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, phương cách để làm giàu từ du lịch là làm tốt 2 điều, đó là "Sạch sẽ và Thái độ": "Tất cả mọi nơi, tất cả mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải thật sạch sẽ. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười đều phải thể hiện, đều phải xuất phát từ tấm lòng tôn trọng khách”.
Theo ông Trần Đạt Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thông điệp “Sạch sẽ và Thái độ” phải được ăn sâu vào tiềm thức của chính quyền và người dân để hình thành một thói quen làm việc mới.
"Đây không chỉ là vấn đề của du lịch mà còn là vấn đề của giáo dục, văn hóa, của xã hội. Bây giờ ý thức sống của con người là sống cho mình nhiều hơn sống cho cộng đồng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phát triển du lịch khiến chúng ta không phát triển được mà du khách sẽ đi đến những quốc gia khác đang cạnh tranh với chúng ta rất khốc liệt".
Theo ông Trần Đạt Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thông điệp “Sạch sẽ và Thái độ” phải được ăn sâu vào tiềm thức của chính quyền và người dân...
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái rộng lớn tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn đặc thù ĐBSCL. Khu vực này còn sở hữu 6 di tích đặc biệt cấp Quốc gia, hệ thống chùa, chiền, đền, miếu; nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn Quốc gia. Đặc biệt, ĐBSCL còn có các bãi biển trải dài hơn 700km và hệ thống các đảo rất đẹp, hoang sơ...
Để khai thác hết tiềm năng du lịch này, chính quyền và nhân dân cần chung tay hành động, bắt đầu từ thái độ phục vụ và sạch để du khách thật hài lòng; qua đó, từng bước xây dựng hình ảnh đẹp về con người, du lịch ĐBSCL đối với du khách trong và ngoài nước./.
Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL