Tiếng Việt | English

23/02/2023 - 18:40

Đức Hòa tạo đồng thuận xã hội nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đức Hòa, tỉnh Long An quan tâm lãnh, chỉ đạo gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.

Về xã Hòa Khánh Tây vào những ngày này, nhìn những tuyến đường được nâng cấp, trải bêtông sạch, đẹp, nhiều ngôi nhà tường khang trang mọc lên san sát,... đủ để cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của một vùng quê. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Khánh Tây được nâng cấp, trải bê tông sạch, đẹp

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây - Trần Thị Kim Khanh cho biết: “Tất cả chủ trương, chính sách, giải pháp liên quan đến sự phát triển của địa phương đều được công khai, minh bạch và thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Cụ thể, trước khi có chủ trương xây dựng một công trình, lãnh đạo xã công khai đầy đủ các nội dung theo quy định, nếu người dân đồng thuận thì mới thực hiện. Khi triển khai công trình, xã mời đại diện các hộ dân tham gia giám sát, nếu phát hiện điều gì chưa hợp lý, chưa đúng quy định, cấp ủy Đảng, chính quyền sẵn sàng tiếp thu, khắc phục kịp thời”.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư và ghi nhận đề xuất, kiến nghị của người dân trong giải quyết các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Địa phương làm tốt việc đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã với bí thư chi bộ, trưởng ấp và đại diện các hộ dân trong xã. Vì vậy, nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân được giải quyết, không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng; mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân gắn bó mật thiết hơn. Từ đó, tạo sự đồng thuận xã hội, người dân tích cực góp sức xây dựng địa phương. Đến nay, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc. Đời sống người dân được nâng cao. Hộ nghèo chỉ còn 18 hộ (chiếm 0,76% so với tổng số hộ dân). Đây là động lực để xã phấn đấu “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Cầu giao thông nông thôn được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”

Không chỉ ở xã Hòa Khánh Tây, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả. Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đức Hòa - Phạm Văn Đồng, chính quyền phối hợp MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội lấy ý kiến người dân về các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; các dự án, công trình; chính sách đền bù, tái định cư; trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, công chức; quản lý sử dụng quỹ do nhân dân đóng góp; các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; các thủ tục hành chính. Từ đó, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, động viên người dân tích cực góp công, góp của chung tay xây dựng quê hương.

Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở còn góp phần huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông thiết yếu các xã vùng ven sông Vàm Cỏ Đông; các xã công nghiệp và các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/4/2022 của Tỉnh ủy. Năm 2022, có 7 xã được đầu tư hạ tầng giao thông với 51 tuyến đường, tổng chiều dài 60,917km. Nhờ vận dụng hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, địa phương đã phát huy quyền làm chủ và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước từ cơ sở. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết