Lãnh đạo tỉnh Long An tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần III
Chinh phục thị trường thế giới
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh thông tin: “Thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 15% thị trường thế giới với 150 thương nhân tham gia xuất khẩu gạo. Hiện gạo Việt Nam có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới. Cùng với thị trường truyền thống, gạo Việt Nam từng bước thâm nhập các thị trường khó tính. Việc phát triển thị trường gạo xuất khẩu được Việt Nam xác định phải theo hướng nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường”.
Ở Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa quan trọng nhất cả nước, chiếm 56% sản lượng. Khu vực ĐBSCL cũng là nơi cung cấp hơn 95% sản lượng lúa xuất khẩu của cả nước. Diện tích đất trồng lúa ở khu vực này có xu hướng thu hẹp lại so với trước đây. Thay vào đó, diện tích đất thâm canh 3 vụ tăng lên rõ rệt. “Một điểm đáng mừng là cơ cấu chủng loại gạo từng bước chuyển dịch tích cực. Hiện gạo xuất khẩu giảm dần tỷ trọng chất lượng thấp - trung bình, tăng dần gạo trắng chất lượng cao, đặc biệt là gạo thơm các loại chiếm hơn 34% số lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam” - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - Nguyễn Ngọc Nam nhận định.
Năm 2018, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,2-3,3 tỉ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017. Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III tại Long An, diễn ra Hội thảo với chủ đề “Gạo sạch Việt Nam - khẳng định vị trí - vươn tầm quốc tế”, các nhà khoa học, quản lý cho rằng, con số xuất khẩu ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Thách thức càng lớn hơn khi Việt Nam gia nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế. Trong khi đó, sản lượng lúa tăng nhưng chưa cải thiện được thu nhập của nông dân.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung vào phân đoạn cấp thấp, kém đa dạng, đặc biệt tập trung rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, sức ép giảm giá lập tức được tạo ra đối với thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước. Trong đó, nông dân là đối tượng thiệt hại nhiều nhất, bởi họ là người “yếu thế””.
Lấy giá trị làm nền tảng
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - Trần Anh Tuấn chia sẻ: Thời gian qua, sản lượng lúa ở khu vực ĐBSCL tăng chủ yếu do tăng năng suất từ ứng dụng giống lúa mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư và năng lực, trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân được nâng lên. Tuy vậy, nếu so với những tiềm năng và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì các DN vùng ĐBSCL còn rất nhiều hạn chế: Quy mô xuất khẩu gạo nhỏ, nguồn nhân lực chưa cao, công tác nghiên cứu thị trường, tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các DN với nhau vẫn còn diễn ra. Đồng thời, vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và chế biến ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái tự nhiên và đời sống của người dân. Vì vậy, để hội nhập kinh tế quốc tế, DN xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL cần có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững, tận dụng tối đa những tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, thúc đẩy KT-XH phát triển và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với người trồng lúa.
Tại hội thảo, các nhà khoa học hiến kế: Muốn xuất khẩu gạo bền vững, nên lấy giá trị làm nền tảng. Theo đó, để tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, toàn vùng phải đưa ra những tiêu chí: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang phát triển chiều sâu; tăng cường hơn nữa các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh, mở rộng hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, khu vực nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, thâm nhập thị trường; chủ động kết nối với mạng lưới Việt kiều yêu nước ở nước ngoài; tập trung phát triển các ngành có những chỉ số hàm lượng trí tuệ cao và phải xem đây là chủ lực trong mặt bằng tổng thể phát triển nền kinh tế của vùng.
Doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm lúa gạo tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần III
Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhận định, sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt mới là nền tảng vững chắc giúp gạo Việt khẳng định vị trí, vươn tầm ra thị trường thế giới. DN đừng quá chú trọng chỉ nâng chất lượng gạo cho xuất khẩu mà “bỏ quên” việc nâng chất cho thị trường trong nước./.
Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 942/QĐ TTG, ngày 03/7/2017 về Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030: Điều chỉnh giảm dần lượng gạo xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng giá xuất khẩu gạo. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng hóa khoảng 4,5-5 triệu tấn/năm, giá trị đạt bình quân 2,2-2,3 tỉ USD; giai đoạn 2021-2030 còn lại 4 triệu tấn/năm, giá trị vào năm 2030 đạt 2,3-2,5 tỉ USD.
Để đạt mục tiêu đề ra, giải pháp chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo thương phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tỷ trọng, tăng tỷ trọng gạo trắng cấp cao lên 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%; còn lại là các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ,... Mục tiêu năm 2030, tỷ trọng gạo trắng xuất khẩu chiếm khoảng 25%, gạo cấp thấp không quá 10%, tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao phải đạt hơn 10%.
|
Mai Hương