Tiếng Việt | English

16/05/2019 - 10:36

Giá điện, xăng tăng - giá cả thị trường “nhích” dần

Từ đầu năm 2019 đến nay, giá xăng liên tiếp tăng cộng với tác động giá mạnh từ ngành điện điều chỉnh tăng thêm 8,36% khiến giá cả không ít mặt hàng “nhích” lên. Vì thế, người tiêu dùng lo ngại mặt bằng giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.

Sau khi giá xăng, điện tăng, trên thị trường, các mặt hàng tiêu dùng đã “nhích” giá

Sau khi giá xăng, điện tăng, trên thị trường, các mặt hàng tiêu dùng đã “nhích” giá

Chi phí chi tiêu tăng

Anh Hồ Thanh Nghiêm, ngụ khu phố Bình Cư 1, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An cho biết, gia đình có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ đang độ tuổi đi học. Gia đình anh sử dụng điện vào việc thắp sáng, nấu cơm, tủ lạnh, quạt máy, máy giặt và ủi quần áo. Theo đó, từ tháng 3/2019 trở về trước, chi phí tiền điện gia đình anh chỉ dừng ở mức 700.000 đồng/tháng. Tháng 4, điện tiêu dùng cũng như các tháng trước nhưng chi phí anh phải trả là 763.000 đồng, tăng gần 10%. Giá điện tăng khiến chi phí tiêu dùng trong gia đình anh tăng.

Bà Hồ Phúc Nghiêm, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, cho hay, mỗi tháng, bà phải đi tái khám bệnh và mua thuốc tại bệnh viện ở TP.HCM. Do lớn tuổi, bệnh tật, chân đau nên không thể đi bằng xe buýt, bà thường thuê xe ôtô cho mỗi chuyến đi tái khám. Lần thuê xe gần đây nhất là đầu tháng 5/2019, chủ xe báo giá tăng 10% so với trước đây. Bà Nghiêm nói: “Sau khi giá điện, xăng tăng thì chi phí chi tiêu của gia đình tôi tăng lên”. Anh Nguyễn Hữu Thọ, ngụ phường 4, TP.Tân An, chuyên làm nghề cho thuê xe du lịch loại 4, 7 và 16 chỗ, chia sẻ: “Từ đầu năm 2019 đến nay, giá xăng đã mấy lần tăng và gần đây nhất, các chủ xe mới bắt đầu tăng giá cho thuê. Thông thường, khách quen, thường xuyên thuê xe hàng tháng, chủ xe sẽ không tăng giá. Riêng đối với khách lạ, bắt buộc phải tăng giá bởi chủ xe chịu rất nhiều chi phí như tiền công cho tài xế, bảo dưỡng, bảo trì, phí bảo hiểm,... Nếu không tăng giá, chủ xe không đủ chi phí trang trải và không có lãi”.

Sau đợt xăng, điện tăng giá, hiện nhiều loại thực phẩm tại các chợ bắt đầu “nhích” lên. Chị Nguyễn Thị Phượng, bán các loại hải sản ở chợ phường 1, TP.Tân An, nói: “Tôi đi xe máy từ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành lên chợ bán mỗi ngày. Ngoài từ Thuận Mỹ lên chợ, tôi còn đi lấy hàng. Bây giờ, giá xăng tăng quá, nếu không chủ động tăng giá thì sẽ khó kiếm được đồng lời”.

Qua ghi nhận từ các chợ, giá thực phẩm bán ra có tăng nhưng mỗi loại tăng chỉ ở mức từ 1.000-5.000 đồng/kg. Ví dụ như rau ăn lá các loại, giá tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg, tôm sống tăng bình quân 5.000 đồng/kg, các loại rau ăn quả cũng tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các mặt hàng sữa tươi đóng hộp dành cho trẻ em cũng bắt đầu tăng giá, bình quân mỗi thùng sữa 48 hộp tăng từ 10.000-20.000 đồng/thùng. Khi được hỏi lý do giá cả tăng, không ít tiểu thương cho rằng, các chủ kinh doanh rau tại chợ đầu mối lấy lý do điện, xăng tăng giá đã đẩy phí vận chuyển, bảo quản lên cao hơn.

Cố gắng giữ giá

Việc hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm tăng giá mạnh những ngày gần đây có nguyên nhân trực tiếp chủ yếu giá xăng, dầu và điện tăng tác động đến nhóm giao thông, từ đó kéo theo chi phí vận chuyển, bảo quản hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức. Bên cạnh đó, tiểu thương giải thích việc điều chỉnh giá tăng là theo cơ chế thị trường và khoản chi phí tăng nhằm bù lỗ vào khâu trung gian, chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua không cao và cơ chế cạnh tranh trên thị trường, vấn đề tăng giá hàng hóa cũng được nhiều đơn vị kinh doanh cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm doanh số bán hàng, cũng như duy trì ổn định hoạt động kinh doanh.

Chủ Cửa hàng vật liệu xây dựng Lâm Đông (Quốc lộ 1, phường 4, TP.Tân An) - Nguyễn Thị Huyền Nga cho hay: “Hiện tại, cửa hàng kinh doanh tất cả mặt hàng phục vụ hoạt động xây dựng như cát, đá, xi măng, sắt thép, sơn,... Tất cả mặt hàng này trong vòng 1 tháng nay hầu như không tăng giá và nhà máy sản xuất cũng chưa cho thông tin tăng giá. Mặc dù giá điện, xăng tăng giá, kéo theo chi phí vận chuyển tăng nhưng cửa hàng cố gắng giữ giá không tăng cho người tiêu dùng để góp phần thực hiện bình ổn giá cả thị trường. Trong bối cảnh sức mua chung không nhiều và có sự cạnh tranh, nhà phân phối và nhà cung cấp cần cùng nhau hợp tác hỗ trợ ổn định giá cả thị trường. Nếu giữ được giá cả ổn định, người tiêu dùng sẽ an tâm và ủng hộ”.

Sau khi giá xăng, điện tăng, trên thị trường, các mặt hàng tiêu dùng đã “nhích” giá

Sau khi giá xăng, điện tăng, trên thị trường, các mặt hàng tiêu dùng đã “nhích” giá

Chị Đỗ Thị Phượng - chủ cơ sở chuyên kinh doanh các mặt hàng cửa sắt, cửa nhôm, cho biết, từ tháng 3/2019 trở về trước, bình quân tiền sử dụng điện của cơ sở khoảng 1,8 triệu đồng/tháng nhưng tháng 4 phải chi trả 2,5 triệu đồng, trong khi đó, các công việc sử dụng điện gần như không thay đổi. Tuy giá điện tăng, chi phí tăng cao nhưng giá cả các mặt hàng do cơ sở chị làm ra hầu như không tăng giá. Chị Phượng nói: “Nếu tính toán chi ly để tăng giá từng sản phẩm bù vào giá điện thì rất khó. Vì vậy, tôi đành chịu giảm tiền lãi xuống để giữ giá cả hàng hóa. Một khi giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ ủng hộ nhiều hơn”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết