Ba mẹ chính là động lực để Thạc sĩ Đặng Hoàng An (xã Long Định, huyện Cần Đước) vượt qua biến cố cuộc đời (ảnh nhân vật cung cấp)
“Bên cạnh tôi luôn có gia đình”
Với những thông tin và bài viết đầy ắp trên mặt báo, hẳn rất nhiều người biết đến Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), người đã chiến thắng nghịch cảnh, vươn lên sau biến cố. Anh như một tấm gương sáng về tinh thần và nghị lực sống, không bao giờ từ bỏ.
Anh An từng chia sẻ, anh thậm chí không chỉ nghĩ mà có lần còn tìm đến cái chết sau tai nạn kinh hoàng. Khi tương lai, niềm tin, hy vọng gần như tắt hẳn, anh cảm thấy mình chẳng còn gì nữa, ngoài tình cảm gia đình.
Chính tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ là động lực, tia hy vọng cuối cùng níu giữ, kéo anh ra khỏi hố thẳm của sự tuyệt vọng trong những ngày đen tối ấy.
Anh An tâm sự: “Có lần, tôi bị co giật, ba tôi lấy tay chèn vào miệng tôi để tôi không cắn lưỡi, đến nỗi tay ba rướm máu. Hôm đó, sau khi lịm đi, tôi tỉnh dậy trong mơ hồ và nghe mẹ tâm sự với ba là mẹ muốn cưa đôi chân mình để lắp cho tôi. Tôi nghẹn đi! Tôi biết, ba mẹ tôi cố nén nỗi buồn để luôn nở nụ cười lạc quan trước tôi, cho tôi hy vọng. Nhờ đó, tôi nỗ lực hơn mỗi ngày. Nỗ lực cả trong suy nghĩ để ba mẹ yên tâm rằng, dù gì vẫn có niềm vui”.
Anh Đặng Hoàng An (xã Long Định, huyện Cần Đước) vẫn luôn ghi nhớ ba anh từng nói “Chỉ cần con sống thôi, suốt đời này ba sẽ làm đôi chân cho con” (ảnh nhân vật cung cấp)
Chàng thạc sĩ trẻ chia sẻ, để có được một Đặng Hoàng An vững vàng như hôm nay, tất cả đều nhờ vào sự động viên, hỗ trợ từ phía gia đình. Ba mẹ anh không quản đường xa, khó nhọc, đưa anh đi chạy chữa khắp nơi. Anh vẫn thường nhắc đến chuyện ba ẵm anh trên tay, vừa bước ra khỏi nơi khám bệnh, vừa nói: “Chỉ cần con sống thôi, suốt đời này ba sẽ làm đôi chân cho con”.
“Ba mẹ không chỉ sinh ra tôi lần thứ nhất mà còn tái sinh lần thứ hai cho tôi. Trước đây, không ít lần tôi tự làm tổn thương thân thể như cách để mình nhanh được giải thoát cho ba mẹ bớt cực nhọc. Nhưng trong khi tôi tuyệt vọng nhất, mẹ lại đến bên, nhẹ nhàng thoa dầu lên những vết thương” - anh An kể.
Tất cả những yêu thương vô bờ bến đó đã giúp anh An vượt qua số phận, chuyển khó khăn thành động lực và bắt đầu sống một cuộc đời vui vẻ, đáng sống như hiện nay. Sau những biến cố, anh vẫn thường nói rằng mình may mắn, bởi bên cạnh anh luôn có gia đình.
“Thầy khỏe lại là cô vui rồi”
Dù sóng gió cuộc đời có “vùi dập” đến đâu, chỉ cần gia đình luôn bên cạnh, đồng hành, tiếp thêm sức mạnh thì mỗi người đều có thể làm nên “kỳ tích” của riêng mình! Như trường hợp thầy Lưu Văn Xòn (ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới, huyện Châu Thành), ai có thể nghĩ rằng, một người vừa trở về sau cơn bạo bệnh lại có thể vận động mấy chục triệu đồng góp cho hoạt động khuyến học, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Sự đồng hành, động viên của gia đình là động lực để thầy Lưu Văn Xòn (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) vượt qua bệnh tật, tiếp tục cống hiến cho phong trào khuyến học tại địa phương
Sau cơn tai biến khiến thầy nằm bệnh viện gần 1 năm, trở về nhà, việc đầu tiên thầy Xòn làm chính là kiểm tra lại những việc còn dang dở trước đây. Từ khi nghỉ hưu, thầy tham gia công tác khuyến học tại địa phương, vận động kinh phí hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau cơn bạo bệnh, cứ nghĩ thầy sẽ nghỉ ngơi, chăm lo cho sức khỏe nhưng thầy vẫn tiếp tục công việc của mình. Từ những mối quan hệ bạn bè thân quen, học trò cũ trước đây, thầy tiếp tục vận động kinh phí hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học trên địa bàn xã. Trong năm 2023, thầy vận động được hơn 50 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2024, thầy vận động hơn 20 triệu đồng, tổ chức các hoạt động tặng quà, học bổng,...
Nhiều học sinh ở xã Bình Quới được thầy Xòn làm “cầu nối”, nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tiếp thêm động lực cho hành trình chinh phục ước mơ.
Trường hợp em Nguyễn Bảo Châu (ấp Kỳ Châu, xã Bình Quới) là một minh chứng. Gia đình em thuộc diện khó khăn vì chỉ có 2 mẹ con nương tựa nhau. Mẹ em làm nghề bán vé số để nuôi em ăn học.
Ngày đậu đại học, Châu vừa mừng, vừa lo vì sợ không đủ tiền theo đuổi ước mơ. Biết hoàn cảnh của Châu, thầy Xòn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ em mỗi tháng 1 triệu đồng trong suốt quá trình học đại học.
Thầy Xòn bộc bạch: “Tôi từng là giáo viên nên rất thương những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giúp được học sinh chút nào thì tôi mừng chút đó. Tôi có thể làm được như vậy, tất cả đều nhờ có sự động viên của gia đình. Trong thời gian tôi bệnh, các con luôn bên cạnh, chăm lo từng chút một. Tôi được về nhà thì bà xã luôn đồng hành với tôi. Biết tôi thương học trò nên bà ấy luôn động viên tôi, có năm, bà còn tổ chức 20/11 cho tôi. Những tình cảm đó khiến tôi cảm thấy vui, khỏe hơn”. Vừa nói, thầy Xòn vừa âu yếm nhìn sang vợ. Bà Nguyễn Thị Tiếng - vợ thầy, cười: “Cô cảm thấy thực sự may mắn và vui khi thầy khỏe lại như bây giờ”. Từ từ đặt bàn tay lên tay vợ, đôi mắt thầy Xòn đỏ hoe.
Gia đình là động lực
Mỗi khi nghe trong ấp có đoạn đường nào cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn là bà Phạm Thị Sáu (ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) lại tìm tới phát quang để giúp việc đi lại được thuận tiện, dễ dàng hơn. Với bà, được đóng góp sức mình làm điều có ích cho cộng đồng vốn là niềm vui.
Bà Sáu hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế ấp nên công việc nhiều, thường xuyên đi ra ngoài.
Nghe trong ấp có đoạn đường nào cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn là bà Phạm Thị Sáu (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) lại tìm tới dọn dẹp, phát quang để giúp việc đi lại được thuận tiện
Mấy mươi năm tham gia công tác tại địa phương, bà luôn nhận được sự ủng hộ từ phía chồng và gia đình. Bà Sáu trải lòng, nhờ sự tạo điều kiện của ba mẹ chồng và chồng, bà mới có thể duy trì công tác từ ngày trẻ cho đến hôm nay.
Bà Sáu nói: “Ông xã tôi trước giờ chưa khi nào có ý kiến gì về việc tôi tham gia công tác ấp. Tôi cũng cố gắng chu toàn việc gia đình trước khi làm việc khác”.
Theo bà Sáu, là phụ nữ, trước tiên phải quan tâm, chăm lo tốt cho gia đình rồi mới đến việc ngoài xã hội. Sống chung ba mẹ chồng từ khi mới cưới, bà cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm dâu con trong gia đình.
Bà luôn tâm niệm muốn giáo dục con thì cách tốt nhất là làm gương. Bà mong muốn các con có thể nhìn theo cách bà đối xử với ba mẹ, xóm giềng mà học theo. Khi các con trưởng thành, bà Sáu tự hào, hạnh phúc vì 2 trong số 3 người con của bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong gia đình, các con bà luôn hiếu thảo, thuận hòa.
Gia đình không chỉ là nơi các thành viên gắn bó với nhau bởi mối quan hệ tình cảm, huyết thống, đó còn là “nơi để trở về”, chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân trong suốt hành trình của đời mình. Có gia đình làm điểm tựa, mọi sóng gió đều có thể vượt qua!/.
Gia đình không chỉ là nơi các thành viên gắn bó với nhau bởi mối quan hệ tình cảm, huyết thống, đó còn là “nơi để trở về”, chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân trong suốt hành trình của đời mình. Có gia đình làm điểm tựa, mọi sóng gió đều có thể vượt qua!”.
|
Quế Lâm