Tiếng Việt | English

19/09/2022 - 14:30

Giá lúa Thu Đông giảm

Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Long An đã bước vào thu hoạch lúa Thu Đông (TĐ) 2022. Hiện nhiều trà lúa TĐ chín sớm đã được thu hoạch đạt năng suất khá tốt nhưng nông dân lại kém vui do giá lúa giảm và chi phí sản xuất tăng cao.

Nông dân huyện Tân Thạnh thu hoạch lúa Thu Đông, lợi nhuận không cao

Nhiều trà lúa TĐ bước vào thu hoạch với năng suất tương đối cao nhưng giá bán thấp hơn từ 300-600 đồng/kg (tùy giống) so với các vụ lúa trước. Gần đây, các loại lúa tươi OM 5451 và OM 18,... được nông dân bán cho thương lái và các doanh nghiệp với giá chỉ từ 5.300-5.400 đồng/kg. Còn lúa tươi IR 50404, nông dân bán tại ruộng cho thương lái ở mức 5.200-5.300 đồng/kg. Giá lúa giảm do giá gạo xuất khẩu giảm so với trước và gần đây tiểu thương, doanh nghiệp giảm hoạt động thu mua trong khi nguồn cung lúa gạo hàng hóa đang tăng. Cùng với đó, mưa lớn liên tục làm cho việc thu hoạch, vận chuyển lúa đến nơi phơi sấy và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Văn Thành (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cho biết: “Vụ Đông Xuân và Hè Thu 2022, tôi bán các loại lúa chất lượng cao giống OM như OM 18 và OM 5451 được giá từ 5.700-6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vụ TĐ này, tôi chỉ bán được với giá 5.400 đồng/kg. Nhìn chung, lúa đạt năng suất khá tốt, gần 6,5 tấn/ha nhưng do giá vật tư đầu vào tăng cao và giá lúa thấp nên tôi chỉ có lãi khoảng 4-6 triệu đồng/ha”.

Cũng như ông Thành, ông Nguyễn Văn Bảy (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ, dù lúa đạt năng suất khá tốt nhưng vụ này nông dân khó kiếm lời do tiền phân bón và các loại vật tư đầu vào tăng quá cao, lúa lại không có giá so với hồi đầu năm và các năm trước. “Vụ này, nông dân tiếp tục phải mua phân bón với giá rất cao, với Urê ở mức từ 850.000-900.000 đồng/bao, còn DAP từ 1.300.000-1.450.000 đồng/bao,... nhưng giá lúa lại giảm nên nông dân rất khó kiếm lời, thậm chí bị lỗ nếu ruộng lúa đạt năng suất thấp” - ông Bảy chia sẻ thêm.

Dù phần lớn các trà lúa TĐ chín sớm vừa qua đều được thu hoạch bằng các máy móc nhưng chi phí đã tăng so cùng kỳ năm trước. Nhiều nông dân cho biết, giá thuê máy gặt đập liên hợp để cắt lúa đã tăng ít nhất từ 50.000-100.000 đồng/ha, lên ở mức từ 400.000-600.000 đồng/ha, tùy nơi và tỷ lệ lúa ngã đổ. Ngoài ra, tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ tại một số nơi thời gian qua cũng tạo thêm khó khăn cho nông dân. Do đó, rất mong ngành chức năng bảo đảm nguồn cung xăng, dầu và bình ổn giá phân bón để nông dân sản xuất hiệu quả./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết