Tiếng Việt | English

20/03/2017 - 10:32

Giá trị của việc học tập lý luận chính trị trong tình hình hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và thường xuyên quan tâm đến công tác lý luận, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng công tác lý luận, giáo dục lý luận chính trị nhằm trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, củng cố niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản, vào con đường và biện pháp do Đảng vạch ra; nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức cách mạng, khắc phục tình trạng bàng quan, mơ hồ, thiếu chính kiến, thiếu bản lĩnh trong cuộc sống; có lý lẽ đấu tranh phê phán, vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thực tiễn 87 năm ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, công tác đào tạo lý luận chính trị góp phần quan trọng, để đội ngũ cán bộ có đủ trình độ nhận thức và trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/12/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, nêu rõ: Công tác lý luận đã góp phần tích cực vào thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, từng bước đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, phấn đấu tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu, công tác lý luận, giáo dục lý luận chính trị đã và đang bộc lộ những hạn chế, biểu hiện cụ thể đó là tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng;…thái độ học tập, quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mang tính hình thức, cho xong việc.

Trong số những người này, không ít người có bằng cao cấp, trung cấp lý luận chính trị nhưng không tạo được “sức đề kháng” trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân,…

Bước sang năm 2017, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề mới đặt ra cả về lý luận và thực tiễn đòi hỏi sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận của toàn xã hội trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hơn bao giờ hết, công tác lý luận phải thể hiện rõ vai trò tiên phong, mở đường xác định con đường đúng đắn phía trước cho dân tộc; là cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược, chính sách phát triển đất nước, lý giải các vấn đề thực tiễn phát sinh; xây dựng lý luận tổng thể về con đường phát triển của Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng; đồng thời vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống đối. Đó là phương thức đặc thù của lý luận khoa học phục vụ chính trị.

Góp phần vào công tác xây dựng Đảng - giáo dục chính trị, tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Trường Chính trị tỉnh, thành phố cần quán triệt sâu sắc các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII): Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị.

Nằm trong hệ thống các trường thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị Long An quyết tâm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) một cách thiết thực; phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới; đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị; ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy tính chủ động của người học trong tham gia thảo luận, phát biểu, liên hệ thực tế; chú trọng bồi dưỡng, nâng chất đội ngũ giảng viên, duy trì thực hiện kế hoạch đưa giảng viên đi cơ sở có thời hạn để có kiến thức, kinh nghiệm thực tế;… nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" nội bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.

Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, trong giai đoạn cách mạng mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2017 ./.

Nguyễn Thị Hiền

(Trường Chính trị Long An)

Chia sẻ bài viết