Tiếng Việt | English

27/04/2022 - 11:15

Giáo dục truyền thống cho học sinh - Khơi gợi niềm tự hào dân tộc

Bên cạnh giáo dục các kiến thức văn hóa - khoa học, học sinh rất cần được bồi dưỡng kiến thức, tìm hiểu về lịch sử của quê hương, đất nước. Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, nhiều trường không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử mà còn tổ chức các hoạt động, việc làm thiết thực thực để góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc, vun bồi tình yêu nước từ sớm cho các em.

Từ những tiết học sinh động trên lớp

Thay cho những tiết học khô khan, chỉ tiếp thu kiến thức qua việc “cô nói - trò nghe”, cô Võ Ngọc Trí (giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Lý Tự Trọng, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) chuẩn bị rất kỹ các giáo án, sưu tầm tranh ảnh, tài liệu minh họa để các bài học, sự kiện lịch sử thu hút học sinh. Các em không chỉ tiếp thu kiến thức đơn thuần, 1 chiều mà phải có sự tương tác, khơi gợi niềm say mê, hứng khởi trong học tập để các tiết học không còn nhàm chán. Muốn vậy, giáo viên phải thực sự là người “truyền lửa”.

Cô Trí chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, tôi chú trọng nhấn mạnh về truyền thống đánh giặc giữ nước, giúp các em có thể xâu chuỗi sự kiện, ghi nhớ bài học lâu dài với các mốc lịch sử quan trọng. Bên cạnh đó, tôi cũng lồng ghép giới thiệu về những di tích lịch sử tại Long An để tạo sự gần gũi và lan tỏa tình yêu quê hương đối với các em như Lăng Nguyễn Huỳnh Đức, di tích Vàm Nhựt Tảo, Nhà Tổng Thận,…”.

Giáo viên lịch sử cần có sự chuẩn bị kỹ các giáo án, sưu tầm tranh ảnh, tài liệu minh họa để các bài học, sự kiện để thu hút học sinh

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - Lê Phát Hiển, năm học 2021-2022, bên cạnh những chương trình trong giáo dục bộ môn, giáo viên triển khai thêm tài liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn về các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, với khối lớp 6 thì triển khai thêm chương trình giáo dục địa phương. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng lồng ghép các kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương để học sinh tìm hiểu.

Ngoài các tiết học trên lớp, nhiều học sinh còn đến thư viện trường để đọc sách, tìm hiểu lịch sử. Em Huỳnh Nguyễn Xuân Nhi (học sinh lớp 7/4, Trường THCS Lý Tự Trọng) cho biết: “Em và các bạn thường xuyên đến thư viện mượn sách về đọc. Em đọc đa dạng các loại sách nhưng em rất quan tâm, yêu thích sách về lịch sử. Thư viện có rất nhiều sách về lịch sử cho chúng em tìm hiểu bên cạnh các bài học trên lớp. Em cảm thấy rất tự hào về sự đấu tranh anh dũng, mưu trí và tấm lòng vì nước, vì dân của thế hệ cha ông”.

Bên cạnh các bài học trên lớp, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng tìm hiểu lịch sử đất nước qua các tài liệu, sách tại thư viện

Đến những chuyến đi thực tế

Xác định giáo dục truyền thống là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất của học sinh, do đó, không chỉ thông qua những tiết học lịch sử trên lớp, nhiều trường còn tổ chức các chuyến về nguồn, tham quan “địa chỉ đỏ” trong và ngoài tỉnh hoặc các hoạt động giáo dục ngoại khóa sinh động khác cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - Lê Phát Hiển cho biết: “Tổng phụ trách Đội triển khai các tài liệu để các em tìm hiểu về lòng bất khuất, ý chí quật cường của người anh hùng trẻ tuổi mang tên Lý Tự Trọng. Nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa ở thời điểm cuối năm học, tạo điều kiện cho học sinh tham quan, học tập, trải nghiệm. Sắp tới, trường sẽ tổ chức cho giáo viên bồi dưỡng và các em đội tuyển học sinh giỏi văn hóa tham quan lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp. Đây cũng là “món quà” ý nghĩa cho những nỗ lực của các em trong suốt năm học qua”.

Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực - Thầy Đinh Hoàng Tân giới thiệu đến học sinh tiểu sử, sự nghiệp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Tương tự, tại khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực - ngôi trường mang tên vị anh hùng dân tộc, quê Long An, bên cạnh tượng đài vị anh hùng dân tộc còn có bảng thông tin tiểu sử cho các em tìm hiểu. Ngoài các bài học trên lớp, hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho học sinh chuyến về nguồn tại Di tích Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ). Từ đó, các em có thể trực tiếp tham quan, cảm nhận rõ hơn về những chiến công của anh hùng Nguyễn Trung Trực đánh đuổi giặc Pháp, bảo vệ quê hương.

Em Lê Nguyễn Bảo Ngọc (học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực) thông tin: “Em đã đọc tiểu sử của anh hùng Nguyễn Trung Trực, được nghe cô giáo kể về những chiến công anh dũng của ông nhưng khi được tham quan khu di tích Vàm Nhựt Tảo, nghe thuyết minh và xem tranh ảnh, hiện vật, em hiểu rõ hơn và cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần bất khuất của cha ông. Em rất tự hào vì được học dưới mái trường mang tên người anh hùng dân tộc đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đánh đuổi giặc ngoại xâm”.

Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực tham gia hoạt động Đến với “địa chỉ đỏ”

Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực - thầy Đinh Hoàng Tân cho biết, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giới thiệu về tiểu sử anh hùng Nguyễn Trung Trực cũng như các anh hùng của quê hương Long An và của Việt Nam cho các học sinh. Liên đội cũng tổ chức cho học sinh về nguồn, tham quan “địa chỉ đỏ” như Di tích Nguyễn Trung Trực và bia di tích tại Khu mộ 42 liệt sĩ (phường 7, TP.Tân An),... Từ đó, giúp các em thêm tự hào và càng nỗ lực, quyết tâm học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của cha ông vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đáng tự hào. Những chiến công lừng lẫy trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc qua 4.000 năm ấy là biết bao xương máu của cha ông đã đổ xuống để gìn giữ từng tấc đất quê hương. Thế hệ hôm nay, nhất là các em học sinh, thiếu niên, nhi đồng cần được giáo dục truyền thống lịch sử để khơi gợi niềm tin, lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và góp phần nỗ lực học tập thật tốt để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết