Tiếng Việt | English

18/03/2021 - 15:05

Giỏi vài môn hay giỏi toàn diện?

Đây là chủ đề được nhiều bạn trẻ tranh luận khi cùng tham gia một diễn đàn dành cho học sinh (HS) trên mạng. Một số bạn cho rằng, chỉ cần giỏi vài môn và đi đúng sở trường của mình sẽ thành công, còn một số bạn lại đặt ra yêu cầu phải giỏi ở tất cả các môn. Hãy cùng chia sẻ với những quan điểm này nhé!

Ảnh: Internet

Phân hóa để xác định sở trường

Theo các bạn, ở bậc tiểu học và những lớp đầu THCS, HS thường giỏi toàn diện các môn nhưng khi đến lớp 8, lớp 9 sẽ có sự phân hóa và bắt đầu xuất hiện việc học trội môn này hơn môn kia. Đây là việc bình thường vì mỗi HS có khả năng tiếp thu từng môn học khác nhau và sở trường của mỗi người cũng khác nhau. Việc phân hóa này giúp HS nắm bắt được thế mạnh của mình để định hướng nghề nghiệp sau này. Thế nhưng, nhiều bạn không khỏi hụt hẫng khi đang là HS giỏi toàn diện lại trở nên học chưa tốt ở một vài môn. Và điều quan trọng hơn là không phải cha mẹ nào cũng hiểu được điều này để tư vấn và định hướng cho các con nên đôi khi vô tình đặt áp lực cho con.

Thùy Trang - HS Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An), nhớ lại: “Bắt đầu năm lớp 7, mình nhận thấy khả năng tiếp thu môn Toán không tốt, không giải được những bài toán nâng cao nhưng điểm số, điểm trung bình vẫn cao. Chính điều này khiến mình lầm tưởng là mình giỏi Toán nhưng thật ra các đề kiểm tra, thầy cô chỉ cho ở mức độ trung bình nên chỉ cần học khá là có thể đạt điểm 9, 10. Đến năm lớp 9, mình mới chấp nhận là mình học Toán không giỏi vì khi đó, ngay cả những bài tập dạng thông thường, mình cũng rất vất vả mới làm được nhưng ngược lại, mình lại thích môn Hóa và học rất tốt môn này, nhất là đối với những bài thực hành. Khi phát hiện ra học không tốt một môn nào, mình rất buồn và luôn căng thẳng, dẫn đến việc thiếu tự tin khi vào tiết học đó”.

Cùng tâm trạng với Thùy Trang, Quốc Cường - HS Trường THPT Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa), cũng cảm thấy hụt hẫng khi bước vào lớp 10, cảm thấy “sợ” môn Tiếng Anh. Theo Cường, chương trình Tiếng Anh ở bậc THPT khá khó, nhất là đối với những bạn học chưa tốt môn này. Cường chỉ mong mình có thể đạt điểm trung bình môn Tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới và dự định sẽ chọn vào ngành kỹ thuật nào đó không đòi hỏi trình độ tiếng Anh quá cao. Cường chia sẻ: “Biết là trong thời hội nhập như hiện nay, ngoại ngữ rất cần thiết nhưng mình chỉ mong qua được môn này. Nếu vào được cao đẳng hay đại học, mình sẽ đến các trung tâm ngoại ngữ trau dồi thêm tiếng Anh”.

Giỏi toàn diện - áp lực đặt trên vai

Càng lên lớp lớn, nhiều bạn cảm nhận mình đang “đuối” ở một vài môn học và trội hơn ở một vài môn khác. Nếu được sự chia sẻ và định hướng từ cha mẹ, thầy cô, các bạn sẽ xác định được sở trường của mình và chọn hướng đi đúng. Nhưng cũng có một số bạn giữ vững thành tích học trội đều tất cả các môn. Các bạn ấy trở thành sự ngưỡng mộ của lớp nhưng đó chỉ là số ít và chỉ những bạn thật sự giỏi mới có thể học đều ở các môn.

Thùy An - bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, chia sẻ: “Lúc học phổ thông, mình học đều tất cả các môn. Vì là lớp trưởng nên mình luôn đặt áp lực cho bản thân, kết quả học tập phải đứng nhất lớp, không được học lệch môn nào. Ngay cả môn Thể dục, mặc dù thể lực không tốt nhưng mình vẫn cố gắng hết sức để đạt được điểm 9, 10. Cũng chính vì đặt mục tiêu quá cao cho bản thân nên lúc nào mình cũng căng thẳng, không có thời gian vui chơi, giải trí và bổ sung kiến thức xã hội. Lúc đó, mình là niềm tự hào của cha mẹ, được các bạn ngưỡng mộ, nhất là khi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Nhưng sau này, mình nhận ra không cần quá cầu toàn như thế, bởi khi vào đại học, chọn chuyên ngành phù hợp với mình nhất, khi đó chỉ cần học chuyên 1 ngành chứ đâu cần giỏi toàn diện nữa. Rút kinh nghiệm từ bản thân, sau này, khi con mình đi học, mình sẽ định hướng cho con đừng đặt yêu cầu quá cao cho bản thân khi phải học đều các môn, chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản của các môn và xác định được môn sở trường. Bên cạnh những kiến thức từ nhà trường, cần bổ sung thêm kiến thức xã hội”.

Giỏi vài môn hay giỏi toàn diện còn tùy vào khả năng của mỗi HS nhưng hãy nhớ học vì chính mình, vì tương lai của bản thân nên hãy cứ phát huy sở trường, theo đuổi đam mê, đừng vì cái nhìn của người khác mà tự đặt áp lực cho bản thân./.

Ngọc Cầm

Chia sẻ bài viết