Tiếng Việt | English

26/03/2022 - 06:55

Chàng trai trẻ đam mê nghệ thuật điêu khắc gỗ

Không giống như các thanh niên khác theo đuổi những nghề thịnh hành, anh Võ Văn Hạ (SN 1995) chọn điêu khắc gỗ để khởi nghiệp. Đơn độc trong hành trình học nghề, anh lấy những thước gỗ vô tri vô giác để bầu bạn. Và niềm đam mê là động lực để theo đuổi nghề điêu khắc gần 13 năm qua.

Niềm đam mê là động lực để anh Võ Văn Hạ theo đuổi nghề điêu khắc gần 13 năm qua

Niềm đam mê là động lực để anh Võ Văn Hạ theo đuổi nghề điêu khắc gần 13 năm qua

1. Điêu khắc là nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, ngoài sự khéo tay, sáng tạo, nghề điêu khắc đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê. Bằng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật điêu khắc gỗ, anh Hạ đã chế tác ra những sản phẩm gỗ độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao. Một tác phẩm trung bình mất từ 10-15 ngày để hoàn thành và người học mất gần 8 năm mới thạo nghề. “Dục tốc bất đạt” - câu nói quen thuộc xưa nay dường như là kim chỉ nam cho nghề điêu khắc gỗ, đặc biệt là những người thợ trẻ như anh Hạ.

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên tại làng nghề điêu khắc nổi tiếng vùng đất kinh kỳ thời xưa - làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa ThiênHuế) nên anh Hạ có niềm đam mê mãnh liệt với điêu khắc từ nhỏ. Anh Hạ cho biết, gia đình anh không ai theo nghề. Vì yêu thích, năm 16 tuổi, anh “Nam tiến” để học nghề. Qua 2 năm học tại TP.HCM, 3 năm vừa học, vừa làm tại phường 6, TP.Tân An, 3 năm đi làm công khắp các tỉnh, đến năm 2019, khi dày dạn kinh nghiệm, anh về mở xưởng gia công.

Xưởng gia công điêu khắc mỹ nghệ của anh Hạ nằm tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh. Xưởng nhỏ, không quá nhiều máy móc, thiết bị nhưng những tác phẩm anh làm ra khiến người xem trầm trồ. Theo anh Hạ, khi học nghề, ngoài các kỹ thuật cơ bản, người thợ phải biết cách tạo dáng, phác thảo những đường nét lớn cũng như từng họa tiết nhỏ trên mỗi tác phẩm. Quy trình để sáng tạo ra một tác phẩm gỗ điêu khắc phải trải qua nhiều công đoạn, như định hình, phá gỗ tạo hình, đục, chà nhám, sơn,... trong đó, công đoạn phá gỗ tạo hình là quan trọng nhất. Tùy hình dáng gỗ mà anh Hạ tư vấn cho khách hàng điêu khắc thành hình dáng gì. Các sản phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật là những hình ảnh thân thuộc như tứ linh, 12 con giáp, tượng Phật, tượng Phúc - Lộc - Thọ, mặt bàn tứ quý;...

Xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ của anh Võ Văn Hạ tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh

Xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ của anh Võ Văn Hạ tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh

Hiện tại, trung bình mỗi tháng, cơ sở có khoảng 5-10 đơn hàng. Mỗi sản phẩm dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Khách hàng chủ yếu ở Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Anh Hạ chia sẻ: “Đầu tiên học thấy khó nhưng làm riết quen, công việc đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mỉ. Nếu như không kiên trì, món đồ sẽ không hoàn thành được. Nhiều cái phức tạp, tôi suy nghĩ 2-3 ngày mới dám làm. Tác phẩm đẹp là phải có hồn, được thể hiện qua từng đường nét, ánh mắt, râu, vảy của linh vật.

Mình vui khi thả hồn vào mảnh gỗ để cho ra sản phẩm ưng ý”. Từ các gốc cây, thân cây thô,... anh Hạ đã sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo dựa theo hình dạng, màu sắc,... trên từng khối gỗ.

2. Ngoài làm nghề, anh Hạ còn dìu dắt thế hệ sau để tiếp nối, phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương. Hiện tại, xưởng của anh Hạ có 4 người đều là anh em cùng chung đam mê, mỗi người sẽ đảm nhận một công đoạn khác nhau. Hầu hết mọi người còn khá trẻ, có người thử qua nhiều ngành nghề khác nhau, cũng có người mới vào đời chọn nghề điêu khắc gỗ để mưu sinh lâu dài. Dù là cái duyên đến với nghề khác nhau nhưng điểm chung của thợ điêu khắc ở đây là lòng đam mê, tình yêu nghề thể hiện qua từng đường vẽ, cái chạm. Học ở thầy rồi học ở bạn, học nghề điêu khắc gỗ không chỉ để làm giàu cho bản thân người thợ mà còn là sứ mệnh phát triển của nghề truyền thống. Mỗi nét chạm không chỉ là tay nghề, tính cách cá nhân của người thợ, mà còn là niềm tự hào của cả nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ.

Anh Hạ cho biết thêm: "Có rất nhiều người theo học nghề nhưng người trụ lại đến cuối cùng chỉ "đếm trên đầu ngón tay"". Học viên nhỏ tuổi nhất ở cơ sở anh Hạ là em Võ Văn Tý (15 tuổi). Quê của Tý cũng ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vì đam mê nên Tý quyết định xa cha, mẹ, theo chú (anh Hạ) vào Nam để học và làm nghề. Ở đây, không chỉ học nghề, Tý còn học được cách sống tự lập. Anh Hạ cũng chăm lo cho “học trò” từng bữa ăn, giấc ngủ, để Tý cảm nhận như đây là gia đình ruột thịt, vơi đi nỗi nhớ nhà.

Em Võ Văn Tý học nghề từ những bước cơ bản

Em Võ Văn Tý học nghề từ những bước cơ bản

Vừa làm, vừa học nâng cao tay nghề tại xưởng anh Hạ, anh Võ Văn Hải (SN 1999) đảm nhận công đoạn phá hình gỗ. Anh Hải bộc bạch, tính đến nay, anh gắn bó với nghề điêu khắc gỗ đã 8 năm. Năm 10 tuổi, nhìn thấy người bác làm nghề, anh bắt đầu thích, làm quen với những tấm ván, tấm gỗ, dần dần thành đam mê. Anh mạnh dạn xin gia đình đi học nghề. Anh học được từ anh Hạ những kinh nghiệm, kỹ thuật mới, đường nét,... từ đó tay nghề của anh ngày càng được nâng cao.Hiện tại, anh có thu nhập ổn định từ công việc điêu khắc gỗ.

Những đòi hỏi khắt khe của nghề điêu khắc gỗ không chỉ tạo cho thế hệ trẻ đôi tay mềm mại, óc sáng tạo mà còn rèn đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ để bền bỉ với nghề./.

Trần Thoa

Chia sẻ bài viết