Người bệnh tâm thần được tạo điều kiện vui chơi, giải trí, chăm lo đời sống để hòa nhập cộng đồng
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỉnh Long An có trên 7.800 người khuyết tật về thần kinh, tâm thần, trí tuệ (trong đó, tâm thần phân liệt 5.200 người; trí tuệ gần trên 2.600 người). Trong số đó, có trên 5.200 người khuyết tật thần kinh, tâm thần có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, việc quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh cho NTT nặng rất khó khăn cho gia đình và xã hội.
Cụ thể, công tác tư vấn, trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng cho NTT, NRNTT tại cộng đồng còn hạn chế nên hiệu quả trợ giúp còn thấp; nhiều NTT, NRNTT còn bị xa lánh, kỳ thị dẫn đến khủng hoảng, bệnh lý trầm trọng hơn. Đa số gia đình, người thân của NTT, NRNTT có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng và kinh nghiệm chăm sóc nên việc điều trị, phục hồi chức năng cho NTT, NRNTT tại gia đình còn nhiều khó khăn.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước - Lê Hoàng Vũ thông tin: “Hiểu biết của người dân và gia đình về NTT, NRNTT, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế, hầu như không có khả năng để giúp đỡ NTT, NRNTT phục hồi sức khỏe. Trong khi NTT, NRNTT cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên và đồng cảm thì người thân và xã hội lại kỳ thị, coi thường, không quan tâm, chăm sóc nên bệnh càng thêm nặng. Mặt khác, đa số gia đình có NTT, NRNTT đều có hoàn cảnh khó khăn nên buông xuôi, nhốt họ ở trong nhà hoặc để đi lang thang, phó mặc cho xã hội”.
Không chỉ gặp khó khăn từ gia đình mà chính sách trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, NRNTT dựa vào cộng đồng vẫn còn nhiều bất cập như thiếu quy trình và nhân viên công tác xã hội, làm công tác phát hiện, can thiệp sớm; chưa có quy trình, tiêu chí lựa chọn NTT, NRNTT phục hồi luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội kết hợp phục hồi chức năng tại cộng đồng; các cơ sở bảo trợ chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT của tỉnh rất ít, chỉ có 1 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung đối tượng khuyết tật thần kinh, tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội và 1 cơ sở khám, điều trị cho NTT, NRNTT tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Việc quản lý, chăm sóc, điều trị cho người tâm thần còn khó khăn
Huy động nhiều nguồn lực tham gia
Xác định được những khó khăn trên, thời gian qua, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho NTT như cấp thẻ bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tỉnh còn thực hiện tốt các đề án, chương trình về trợ giúp NTT, NRNTT. Cụ thể, tỉnh triển khai, thực hiện tốt Quyết định số 1215/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, NRNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020.
Theo đó, thông qua đề án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 29 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhân viên tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cán bộ ngành Y tế cấp xã, huyện và người thân NTT, với kinh phí trên 500 triệu đồng; cử 23 cán bộ tham gia lớp đào tạo cán bộ quản lý trợ giúp xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức; nâng cấp, mở rộng và đầu tư trang thiết bị khu nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho NTT trong Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; triển khai, thực hiện thí điểm mô hình Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2018 tại huyện Châu Thành và TP.Tân An; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với NTT, NRNTT;…
Phát huy các kết quả, tỉnh đang triển khai nhanh chương trình “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030”. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Mục tiêu của chương trình là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa NRNTT, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với NTT và NRNTT. Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên hỗ trợ các địa phương có số NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT, người có nguy cơ tâm thần cao so với dân số.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh trợ giúp y tế; trợ giúp giáo dục; trợ giúp hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT; hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá thực hiện chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030./.
Mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025
- Hàng năm, ít nhất 80% NTT, 80% trẻ em tự kỷ và NRNTT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; khoảng 150 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.
- Ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
- Ít nhất 300 NTT, NRNTT được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; ít nhất 150 hộ gia đình NRNTT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
- 80% NTT và NRNTT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
- Hàng năm, ít nhất 80% NTT nặng, có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% NTT lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
- Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT có câu lạc bộ thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ của NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT; thu hút ít nhất 20% NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT tham gia tập luyện thể dục - thể thao; 20% NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT tham gia văn hóa - văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở.
- Ít nhất 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và NRNTT khác có nguy cơ cao bị tâm thần và NTT được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT, cơ sở y tế.
- Ít nhất 30% gia đình có NTT, 30% gia đình có trẻ em tự kỷ và NRNTT có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NTT, trẻ em tự kỷ và NRNTT.
- Ít nhất 60% cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
|
Kim Ngọc