Tiếng Việt | English

30/10/2024 - 17:55

Góp ý dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự  

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu thảo luận tại buổi họp Tổ 11

Tham gia tại buổi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo đại biểu Mỹ Dung, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đầu tư, kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Qua tổng kết cho thấy, trong các vụ án hình sự về các tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ, cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như số lượng, giá trị tài sản, vật chứng thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa rất lớn, thời gian tố tụng kéo dài nhiều năm, việc lưu giữ, bảo quản vật chứng, tài sản gây tốn kém rất lớn: Tài sản kê biên, thu giữ có giá trị lớn không được khai thác, sử dụng vừa gây thiệt hại cho chủ sở hữu, vừa dẫn tới hư hỏng, mất giá trị, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức: Tài sản là tiền thu được hoặc bị phong tỏa không được khai thác sinh lời và chỉ được chi trả khi bản án có hiệu lực được thi hành, không chỉ gây thiệt hại cho bị hại mà còn cho chính bị can, bị cáo; Tài sản kê biên có liên quan đến cổ phần, sở hữu chung của cá nhân, tổ chức trong và nước ngoài nhưng thiếu cơ chế xử lý, ảnh hưởng đến việc đầu tư, kinh doanh;...

Tuy nhiên, đại biểu Mỹ Dung cũng nêu: việc áp dụng các chính sách thí điểm có nhiều nội dung không có trong các quy định pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là về trình tự thủ tục để áp dụng như Luật Thi hành án dân sự, Luật Đấu giá, Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng hình sự,… Đồng thời, các biện pháp thí điểm có khả năng ảnh hưởng đến quyền, tài sản của cá nhân và tổ chức.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 11 (gồm đại biểu các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Sơn La, Tây Ninh và TP.Đà Nẵng) sáng 30/10

Vì vậy, đại biểu Mỹ Dung đề nghị rà soát, cân nhắc hoàn chỉnh thêm một số nội dung ở các quy định tại Điều 3 về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng, gồm: Các biện pháp nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản; biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Trước đó, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự./.

ND

Chia sẻ bài viết