Tiếng Việt | English

25/10/2024 - 20:01

Cân nhắc việc bỏ thủ tục 'công chứng văn bản khai nhận di sản'

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 25/10 tại Tòa nhà Quốc hội, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Tham gia góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp Long An đề nghị cân nhắc việc bỏ thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản”.

 Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung -  Giám đốc Sở Tư pháp góp ý Luật Công chứng (sửa đổi) chiều ngày 25/10

Thứ nhất, về bổ nhiệm công chứng viên (Điều 11)

Tại khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật  quy định: “Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, cấp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan khác có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên”, đại biểu Mỹ Dung đề nghị  không quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm tự động cấp phiếu hoặc đề nghị cơ quan khác cấp phiếu Lý lịch tư pháp số 2 để bổ sung vào hồ sơ cho người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên (CCV), vì lúc này Sở Tư pháp phải làm thay tờ khai của người đề nghị nộp phí và chưa kể phải mất một thời gian để được cấp phiếu (nếu là cơ quan khác cấp), ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết hồ sơ tại Sở Tư pháp, rồi có trường hợp cần xác minh nhiều nơi, mặc dù hiểu quy định này là thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính nhưng rõ ràng là không phù hợp, khả thi. Nên đề nghị trong bộ hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm CCV có phiếu Lý lịch tư pháp số 2 của người đó.

Và tại Điều 14 về miễn nhiệm công chứng viên, quy định Sở Tư pháp lập hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp về đề nghị miễn nhiệm CCV theo các tiêu chí được quy định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định. Tuy nhiên, tại khoản 5 điều này lại quy định: “Đối với CCV thuộc một trong các trường hợp phải lập hồ sơ miễn nhiệm mà Sở Tư pháp không đề nghị miễn nhiệm thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm”.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, quy định này là thiếu khả thi, vì cả nước hiện có khoảng 3.340 CCV thì Sở Tư pháp nơi các CCV đăng ký hành nghề là cơ quan quản lý sẽ nắm rõ CCV nào là thuộc trường hợp buộc phải miễn nhiệm CCV, còn Bộ Tư pháp không thể kịp thời và nắm bắt đầy đủ, chính xác các trường hợp CCV phải miễn nhiệm cũng như cơ sở pháp lý để Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định miễn nhiệm (ai đề nghị, ai lập hồ sơ,...). Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định này mà  trách nhiệm của Sở Tư pháp phải kịp thời rà soát, cập nhật và lập hồ sơ đề nghị khi phát sinh trường hợp miễn nhiệm CCV.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định biện pháp giải quyết khi CCV đã bị miễn nhiệm hoặc đương nhiên miễn nhiệm (do hết tuổi hành nghề) mà không nộp lại thẻ CCV hoặc Sở Tư pháp không thu hồi được thẻ đã cấp thì Sở Tư pháp ra thông báo về việc hủy thẻ đã cấp do đã miễn nhiệm CCV.

Thứ hai, về văn phòng công chứng (Điều 20)

Tại Điều 20, dự thảo Luật đưa ra 2 Phương án xin ý kiến. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chọn Phương án 1 là Văn phòng công chứng (VPCC) được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh thì VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, việc đặt tên của VPCC do các CCV của VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thống nhất lựa chọn và Trưởng VPCC được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn. Đại biểu cho rằng vì quy định VPCC phải có từ 2 CCV hợp danh trở lên đã dẫn đến những bất cập, hạn chế mà báo cáo thẩm tra và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã phân tích.

Mặt khác, việc quy định tên gọi của VPCC theo quy định hiện hành phải bao gồm cụm từ “VPCC” kèm theo họ tên của một CCV cũng tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này (như VPCC lấy tên của CCV, khi CCV đó không còn hành nghề tại VPCC thì VPCC phải thay đổi tên gọi, tạo nên sự xáo trộn, thiếu ổn định trong hoạt động của VPCC).

Tuy nhiên, với quy định khi đặt tên VPCC không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác đang hoạt động trong phạm vi toàn quốc; chỉ được đảm bảo khả thi khi đã có cơ sở dữ liệu về tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước để tra cứu thực hiện khi xét duyệt hồ sơ đăng ký thành lập VPCC tại một tỉnh, thành phố, trong đó có tiêu chí đặt tên VPCC; hiện nay cả nước có 1.317 VPCC và có văn phòng đang đặt tên là tên của CCV mà cơ sở dữ liệu về công chứng chưa có.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vấn đề này trong quy định chuyển tiếp, vì nếu đến ngày Luật này có hiệu lực mà chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng thì xử lý như thế nào? Đồng thời, các VPCC đang hoạt động mà là tên của Văn phòng là tên của CCV nay muốn thay đổi tên Văn phòng có được hay không?

Quang cảnh chung tại hội trường

Thứ ba, về bán Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (Điều 29a)

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, thay đổi cụm từ “Bán Văn phòng công chứng” thành “chuyển nhượng Văn phòng công chứng” cho đồng bộ với quy định chuyển nhượng VPCC tại các điều khác, cũng như phù hợp với sự đặc thù của hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Đồng thời, đại biểu cho rằng dự án Luật này trình Quốc hội thông qua là Luật Công chứng (sửa đổi), do đó nếu dự thảo lần này có bổ sung nội dung, thêm số điều so với Dự thảo trình tại Kỳ họp 7 thì chúng ta điều chỉnh thứ tự của điều chứ không thiết kế Điều 29, 29a và Điều 36, 36a.

Thứ tư, về công chứng khai nhận di sản

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, Luật Công chứng năm 2014 quy định về thủ tục “Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản” (Điều 57) và “Công chứng văn bản khai nhận di sản” (Điều 58). Hai điều này cung cấp tính minh bạch về thủ tục cho người dân khi thực hiện quyền hưởng di sản thừa kế được quy định trong hai đạo luật: Bộ luật Dân sự năm 2015 là luật chung, Điều 659 “Phân chia di sản theo di chúc”, Điều 660 “Phân chia di sản theo pháp luật” và Luật Đất đai là một trong các Luật chuyên ngành quy định về “nhận thừa kế” và “phân chia thừa kế” được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.

Dự thảo lần này bỏ thủ tục “công chứng khai nhận di sản” là không đáp ứng được thủ tục cho nội dung “nhận di sản” của Luật Đất đai và sẽ là một bất cập lớn, đại biểu phân tích với các lý do sau:

(1) Khoản 4 Điều 44 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế, thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính”.

Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng, còn người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai. Như vậy, Luật Đất đai có sự phân biệt giữa “nhận thừa kế” và “phân chia thừa kế”, do đó, cần có hai thủ tục để thực hiện hai nội dung này.

(2) Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là một sản phẩm, hàng hoá đặc biệt, người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền giao dịch khi đáp ứng một số điều kiện luật định. Trong quá trình này, người sử dụng đất có thể chết khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; hoặc quyền sử dụng bị ghi nợ nghĩa vụ tài chính; hoặc cần xác định quyền và nghĩa vụ của người thừa kế khi di sản là quyền sử dụng đất đang bị tranh chấp, đang được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ, quyền sử dụng đất đai đang bị kê biên, đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc sử dụng đất đai hết thời hạn sử dụng,…. lúc này cần phải thực hiện thủ tục “công chứng khai nhận di sản” trước khi người thừa kế thực hiện quyền đối với di sản thừa kế.

Do đó, khoản 4 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định: Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất,…

(3) “Công chứng văn bản khai nhận di sản” còn nhằm khẳng định tài sản là di sản có người nhận thừa kế và không thuộc về Nhà nước. Việc nhận thừa kế nhằm xác lập quyền hưởng di sản của người thừa kế trước khi người thừa kế thực hiện các giao dịch khác liên quan đến di sản thừa kế. Thực tiễn, có rất nhiều trường hợp sau khi thực hiện thủ tục “công chứng khai nhận di sản” là những người thừa kế tự phân chia di sản. 

Nếu bỏ thủ tục “công chứng văn bản khai nhận di sản” thì những trường hợp “nhận di sản” quy định trong Luật Đất đai sẽ không có cơ quan nào thực hiện, lúc này người dân sẽ tự khai và tự chịu trách nhiệm về những tuyên bố, lời khai về người thừa kế cho các trường hợp nhận thừa kế, trong khi hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ và ý thức tự giác của người dân chưa được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót thừa kế.

Từ những phân tích trên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị giữ quy định thủ tục “công chứng khai nhận di sản”, để góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội, hạn chế phát sinh tranh chấp về thừa kế.

Thứ năm, về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng (Điều 47)

Tại khoản 1 Điều 47 dự thảo Luật quy định: “Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp hình và lưu trữ trong hồ sơ công chứng”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị xem xét lại quy định này. Vì hàng ngày, cả nước các CCV chứng kiến, thực hiện việc công chứng hàng chục, trăm ngàn giao dịch. Nếu giao dịch nào cũng “chụp hình” thì sẽ thêm thủ tục, gây phiền hà, gây tốn kém, lãng phí, đồng thời có tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều người yêu cầu công chứng; đồng thời sử dụng thiết bị nào để chụp, chụp bằng điện thoại được không, in hình hay rửa hình màu ra để lưu hồ sơ, trong khi nếu có tranh chấp hay vấn đề liên quan về chữ ký thì đã có các quy định giám định chữ ký.

Từ đó, đại biểu đề nghị giữ như dự thảo trước đây, tức là chỉ “chụp hình” khi lấy ký ngoài trụ sở nhằm khắc phục tình trạng ký ngoài trụ sở nhưng không có sự chứng kiến trực tiếp của CCV./.

ND

Chia sẻ bài viết