Tiếng Việt | English

27/10/2024 - 12:36

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An kiến nghị quan tâm phát triển hạ tầng điện ở nông thôn, vùng biên giới  

Ngày 26/10, tham gia thảo luận tại Tổ 11 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Long An, Tây Ninh, Sơn La và TP.Đà Nẵng) về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, minh bạch, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An - Lê Thị Song An phát biểu tại buổi thảo luận

Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, góp ý cho dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét có những quy định cụ thể, chi tiết về việc cấp điện tại các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; đồng thời, khẩn trương bao phủ lưới điện quốc gia tại những địa bàn nói trên.

Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện (Điều 8)

Tại khoản 3, quy định “Trộm cắp, phá hoại trang thiết bị điện”, đại biểu đề nghị bổ sung như sau “Trộm cắp, phá hoại trang thiết bị điện, cản trở hoạt động cải tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố công trình điện lực”. Bởi vì hiện nay, hệ thống lưới điện thường xuyên phải nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; một số trường hợp khi công trình điện đang vận hành thì gặp sự cố nên phải tiến hành sửa chữa, khắc phục trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm các hoạt động phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân.

Tuy nhiên, do một số người dân chưa hiểu hoặc có thể họ lo ngại sợ ảnh hưởng đến tài sản riêng của họ như là các loại hoa màu, kiến trúc, hệ thống thông tin liên lạc,… Mặc dù những lý do này không liên quan đến vấn đề kỹ thuật, an toàn điện nhưng họ vẫn có hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa công trình điện.

Việc cản trở, gây khó khăn trên sẽ làm gián đoạn việc cung cấp điện cho cả một khu vực, ảnh hưởng đến nhu cầu chung của nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng điện.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tham gia thảo luận tại Phiên họp thảo luận Tổ 11

Về phát triển điện ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 24)

Đại biểu Uyên cho rằng, việc phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn là cực kỳ cần thiết.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm vùng có phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, nơi mà việc kinh doanh mua bán điện chủ yếu đáp ứng về an sinh xã hội, không có hiệu quả về mặt kinh tế để được hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi khác như các chính sách phát triển ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đã được quy định tại điều này.

Thời gian qua, người dân ở những địa phương này thiếu nguồn điện lưới quốc gia, đây là vấn đề khó khăn rất lớn đối với địa phương nói chung và người dân nói riêng.

Qua nghiên cứu các nội dung tại Điều 24, đại biểu chưa thấy quy định nào đề cập đến việc phát triển điện ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét có những quy định cụ thể, chi tiết về việc cấp điện tại các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và hoàn thiện nội dung cho phù hợp với tên Điều như trong dự thảo Luật; đồng thời, khẩn trương bao phủ lưới điện quốc gia tại những địa bàn nói trên.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước Kỳ họp thứ 8

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực (Điều 26)

Tại điểm a khoản 2 Điều 26, quy định: “Các dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư”. Với quy định này, đại biểu Uyên đề nghị nghiên cứu có quy định rõ các dự án lưới điện phục vụ phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư phù hợp với quy hoạch thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Bởi các dự án lưới điện phục vụ cho KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và dự án điện là dự án theo tuyến, đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Muốn thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì đòi hỏi từng vị trí móng trụ, hành lang tuyến phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, giao thông, thủy lợi,... Trong khi hành lang tuyến trong công trình điện kéo dài qua địa bàn nhiều xã, huyện; muốn thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư phải điều chỉnh các quy hoạch trên, trong khi chu kỳ quy hoạch là 10 năm và điều chỉnh giữa kỳ khoảng 5 năm dẫn đến các công trình sẽ chậm tiến độ theo quy hoạch, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH và an ninh năng lượng.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công (Điều 27)

Tại khoản 3, quy định: “Trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, các dự án điện lực phải thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ mời thầu được lập trên cơ sở các tài liệu sau: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo hợp đồng mua bán điện được cơ quan tổ chức đấu thầu thống nhất với bên mua điện trên cơ sở hợp đồng mua bán điện mẫu được sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc điểm cụ thể từng dự án”. Với quy định này, đại biểu Uyên cho rằng muốn cấp được chủ trương đầu tư thì công trình điện phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm đối với chủ đầu tư các công trình điện, trách nhiệm của đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu tiền khả thi hoặc các ban, ngành, địa phương trong thực hiện xác định vị trí, nhu cầu sử dụng đất đối với các công trình điện lực.

Bênh cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ các dự án lưới điện phục vụ phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia công cộng do doanh nghiệp nhà nước phù hợp với quy hoạch thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư do các dự án lưới điện phục vụ cho KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và dự án điện là dự án theo tuyến, đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Muốn thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì đòi hỏi từng vị trí móng trụ, hành lang tuyến phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, giao thông, thủy lợi,… Trong khi hành lang tuyến trong công trình điện kéo dài nhiều xã, huyện. Như đại biểu đã nói ở tại Điều 26, muốn thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư phải điều chỉnh các quy hoạch trên, trong khi chu kỳ quy hoạch là 10 năm và điều chỉnh giữa kỳ là khoảng 5 năm dẫn đến các công trình sẽ chậm tiến độ theo quy hoạch, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH và an ninh năng lượng.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên phát biểu góp ý dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Về việc ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện (Điều 78)

Tại điểm d khoản 2, quy định: “Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực hoặc vi phạm quy định của Luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của Luật đó” đối với quy định này, đại biểu đề nghị  nghiên cứu, xem xét việc dừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật khác (Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,...) vì hiện nay giao dịch giữa bên mua điện và bán điện theo hợp đồng chi phối bởi Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại. Nếu ngừng cấp điện thì sẽ dẫn đến thiệt hại, ngành điện có thể bị yêu cầu bồi thường và hơn nữa Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 cũng không có và không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” khi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về các loại giá điện và dịch vụ về điện (Điều 86)

Đại biểu Uyên đề nghị tăng giá bán buôn điện lên tiệm cận giá bán lẻ để giảm tỷ lệ chênh lệch giá khá cao, hiện tại là được hưởng ưu đãi khoảng 6% chênh lệch giá. Vì hiện nay các tổ chức bán buôn điện chỉ cần đầu tư ngay tại điểm mua bán với khối lượng đầu tư rất thấp trong khi ngành điện phải đầu tư từ nguồn phát, đến đường dây truyền tải, phân phối thậm chí phải mua điện giá cao từ các nguồn khác để bán điện đến cho tổ chức bán buôn. Việc đầu tư cao của ngành điện trong khi đơn vị bán buôn chỉ cần kết nối và bán điện lại được hưởng lợi nhuận. Đại biểu giải thích, tỷ lệ giá bán của tổ chức bán buôn chênh lệch 6% nêu trên là rất cao dễ dẫn đến mất cân bằng và lợi dụng chính sách để dành các thị phần tốt mà không có nguồn lực đầu tư cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, đại biểu Uyên đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định rõ hơn lộ trình giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, trong đó khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất, vì hiện nay dự thảo luật còn quy định chung, chưa có lộ trình; giá bán điện nhóm khách hàng sản xuất thấp hơn nhóm sinh hoạt do Luật Điện lực năm 2004 đã quy định, tuy nhiên gần 20 năm triển khai nhưng hiện tại vẫn còn bù chéo giữa giá điện sản xuất và sinh hoạt, cơ chế giá này chưa khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm điện trong sản xuất.

Tham gia tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, quan tâm tham gia góp ý nhiều về giá điện sinh hoạt. Đại biểu đồng tình việc bổ sung các quy định về chính sách giá điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo để tạo điều kiện cho kinh tế hộ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Hiện nay, khu vực này còn rất khó khăn, nhiều hộ gia đình vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, ở các tỉnh phía Nam đa phần vẫn sử dụng điện tổ. Những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm và có các quy định, chính sách riêng cụ thể, thiết thực bổ sung vào dự thảo nhằm ưu tiên đầu tư cho khu vực này.

Đồng thời, đại biểu Song An cho biết, cử tri phản ánh, việc tính giá bậc thang như hiện nay chưa phù hợp, theo quy định mới giá bán lẽ sinh hoạt điện gồm 6 bậc, bậc 1 từ 0 -  50kwh (giá 1.806 đồng/kwh),  bậc 2 từ 51 -  100 kwh (giá 1.866 đồng/kwh),  bậc 3 từ 101 -  200 kwh (giá 2.167 đồng/kwh),… Nếu sử dụng hơn định mức sẽ tính theo giá bậc thang tăng dần. Như vậy, là không công bằng đối với gia đình có nhiều thành viên và gia đình có ít thành viên, bên cạnh đó đời sống người dân còn khó khăn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị tăng định mức giá điện sinh hoạt cho hộ gia đình ở bậc 1 từ 50kw lên 100kw hoặc 150kw để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện hiện nay; đồng thời, chỉ quy định một định mức giá bán lẻ điện cho tất cả hộ gia đình; xem xét không tính thuế giá trị gia tăng đối với hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt, nên tính thuế giá trị gia tăng đối với hộ sử dụng điện kinh doanh.

Ngoài ra, tại khoản 12 Điều 5 dự thảo Luật quy định về giá điện: “Xoá bỏ bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất”, đại biểu Song An đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu sao hợp lý, vì nếu tăng giá điện sản xuất cao quá thì các doanh nghiệp cũng sẽ tăng giá bán các hàng hoá, do đó người dân cũng sẽ là đối tượng bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó, tại Điều 86 dự thảo Luật quy định về các loại giá điện về dịch vụ về điện được quy định: Giá chênh lệch giữa ngành điện và tổ chức bán buôn kg được quy định ở trong Luật mà được Bộ Công Thương quy định ở Nghị định sau khi ban hành Luật, nhưng quy định mức chênh lệch khá cao (6%). Do đó, đại biểu đề nghị khi ban hành Nghị định nên xem xét lại mức chênh lệch này nên giảm xuống để cho người dân và các doanh nghiệp được hưởng lợi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An nghe báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Hội trường Nhà Quốc hội ngày 23/10

Về tháo dỡ dự án điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo sau khi chấm dứt hoạt động (Điều 36)

Tại khoản 1, quy định: “Công trình, phần dự án hoặc dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau: a) Khi hết thời hạn sử dụng theo pháp luật về xây dựng nếu không được gia hạn thời hạn sử dụng theo pháp luật về xây dựng; b) Khi hết thời hạn hoạt động theo pháp luật về đầu tư hoặc hết thời hạn hoạt động dự án đầu tư nhưng không được gia hạn”.

Đại biểu Song An đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm điểm c vào khoản 1 trường hợp: “Các dự án năng lượng tái tạo lắp trên các công trình xây dựng nhưng thuộc đối tượng phải di dời để bàn giao mặt bằng triển khai, thực hiện các dự án phục vụ phát triển KT-XH địa phương thì khi di dời sang nơi khác vẫn giữ nguyên giá mua bán điện theo hợp đồng đã ký ban đầu”, vì chính sách phát triển năng lượng tái tạo được thực hiện trước khi phê duyệt quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh (từ năm 2017 đến ngày 01/01/2021). Quy hoạch tỉnh được lập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó sẽ có rất nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên các công trình xây dựng thuộc trường hợp phải di dời để hoàn trả mặt bằng để thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh được duyệt. Hơn nữa, các công trình xây dựng khi thực hiện di dời thì được hỗ trợ chi phí di dời, nhưng phần giá trị mua bán điện mặt trời đến hết thời gian hoạt động thì chưa được tính vào chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ đó dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện lâu dài, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án của địa phương.

Ngoài ra, đại biểu Song An cho rằng dự thảo Luật chưa có hướng dẫn biện pháp tháo dỡ cũng như xử lý các dự án điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo sau khi chấm dứt hoạt động, hư hỏng. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định về các công trình điện lực do nhà nước đầu tư được sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật (đất quy hoạch giao thông) để tiết kiệm nguồn lực đầu tư nhà nước, xã hội và cho phép không phải chịu chi phí di dời sau này nếu dự án giao thông mở rộng (sử dụng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong dự án mở rộng đường giao thông).

Trước đó, chiều 21/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải, tại Hội trường Nhà Quốc hội, Quốc hội đã nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)./.

ND

Chia sẻ bài viết