Tiếng Việt | English

14/05/2020 - 09:05

Hàng hóa “made in Việt Nam” khẳng định thương hiệu

Hàng hóa “made in Việt Nam” ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước vì đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cũng như giá cả hợp lý,...

Qua thời “sính ngoại”

Những năm qua, hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, số lượng, cải tiến mẫu mã, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,… Đặc biệt, từ khi phát động và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa “made in Việt Nam” ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Nhiều người dân đã tin dùng, ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi đến mua sắm tại các siêu thị, chợ, điểm bán hàng,… Tâm lý “sính ngoại” của người dân cũng dần mất đi.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường: “Sống ở vùng biên giới, lại có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp nên việc giao thương, mua bán với nước bạn rất thuận lợi. Gia đình cũng thường xuyên qua Campuchia lấy các mặt hàng thiết yếu về bán kiếm lời. Trước đây, người dân đa số thích hàng ngoại nên việc buôn bán kiếm được tiền lời kha khá. Bây giờ, chúng tôi đã bỏ nghề vì người tiêu dùng không còn mê hàng ngoại như trước nữa. Hầu hết mọi người đều ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Gia đình tôi cũng vậy, ra chợ hay vào các siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp vẫn lựa chọn các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Hàng hóa trong nước cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng”.

Tương tự, bà Trần Thị Nhã, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Lúc trước, gia đình tôi chủ yếu mua hàng ngoại nhưng 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã thay đổi quan niệm, chọn hàng Việt để sử dụng. Hàng hóa trong nước bảo đảm chất lượng, mẫu mã bắt mắt, giá cả tương đối phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Quan trọng hơn nữa, chúng tôi có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng lựa chọn, tránh được sự nhầm lẫn hay gian dối, cố tình bán hàng giả”.

Không ngừng đổi mới

Đi kèm với sự tin tưởng của người tiêu dùng, các chủ cơ sở, DN, đơn vị sản xuất hàng hóa trong nước không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã, cách phục vụ,… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao do thị trường đặt ra.

Nhiều năm qua, nước mắm Vĩnh Hương (do Cơ sở Nước mắm Vĩnh Hương, ấp Cầu Tre, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, sản xuất) được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Nước mắm của cơ sở ra đời từ năm 1954 với nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ thường đến cao cấp (phân chia theo độ đạm). Mỗi năm, cơ sở cung cấp ra thị trường hơn 300.000 lít nước mắm 15 độ đạm.

Nước mắm Vĩnh Hương nhiều năm liền đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Chủ cơ sở Nước mắm Vĩnh Hương - Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Chúng tôi được hỗ trợ, tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm của ngành công thương. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và lựa chọn. Bên cạnh đó, cơ sở không ngừng thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu cá được nhập có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình sản xuất, cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định đề ra. Sản phẩm có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp... Ngoài kênh phân phối truyền thống, hiện nay, cơ sở tiếp cận các trang thương mại điện tử để có thể đa dạng hóa kênh bán hàng, phục vụ nhu cầu của khách hàng”.

Cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao, sản phẩm của Cơ sở Sản xuất và Chế biến Đậu phộng Hữu Lộc (huyện Đức Hòa) đã có mặt tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ phía khách hàng, ngay cả những khách hàng khó tính.

Đậu phộng Hữu Lộc được nhiều người tiêu dùng tin tưởng

Theo chủ cơ sở - Đoàn Hữu Phước: “Chúng tôi đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do ngành chức năng cấp. Bình quân mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn sản phẩm làm từ đậu phộng. Sản phẩm của cơ sở có mã vạch và truy xuất được nguồn gốc để tăng độ tin cậy từ người tiêu dùng. Ngoài việc bán hàng qua đại lý, bán lẻ, hiện cơ sở đã tiếp cận và chuẩn bị khai thác thêm hình thức bán trực tuyến qua mạng hoặc các trang thương mại điện tử để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin: Hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy hiệu quả. Hàng Việt không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu, rộng vào thị trường khu vực, quốc tế. Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt; khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế, góp phần tích cực ổn định thị trường, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Long An có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm, thương hiệu lớn của tỉnh được ưa chuộng như gạo, thanh long, chanh không hạt, nước mắm Vĩnh Hương, sản phẩm đậu phộng Hữu Lộc, mắm ruốc Ba Buôi, cơ khí Lamico, gạch Đồng Tâm, năng lượng mặt trời RedSun,... Hàng hóa của các DN trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; nhiều sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Tuy nhiên, cuộc vận động còn gặp một số khó khăn nhất định. Một số nơi thực hiện thật sự chưa tốt. Chất lượng hàng Việt có nâng lên nhưng chưa bắt kịp yêu cầu hội nhập và phát triển; tính cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã, tính đa dạng, tiện ích trong sử dụng, tiêu dùng của hàng Việt còn hạn chế.

“Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, chúng tôi sẽ đổi mới, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, tạo hiệu ứng sâu, rộng nhằm tác động mạnh mẽ hơn để thay đổi tâm lý, hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác; xác định rõ hơn, cụ thể hơn phần việc của từng ngành, từng địa phương nhằm triển khai cuộc vận động hiệu quả hơn...

DN phải nâng cao chất lượng, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, tính an toàn sản phẩm,... Hàng hóa cần thay đổi phù hợp về bao bì, mẫu mã, nâng cao tính tiện ích, thân thiện với môi trường. Thông tin đúng, đủ, rõ ràng các thông tin liên quan đến hàng hóa; đồng thời, bảo đảm giá thành cạnh tranh. Bên cạnh trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hóa, DN cần chú trọng trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững. DN cần thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng phải nâng cao hiểu biết các quy định của pháp luật về tiêu dùng, hiểu rõ quyền của mình theo quy định để sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất trước khi nhờ đến các cơ quan chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân” - bà Châu Thị Lệ thông tin thêm./.

Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Long An có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm, thương hiệu lớn của tỉnh được ưa chuộng như gạo, thanh long, chanh không hạt, nước mắm Vĩnh Hương, sản phẩm đậu phộng Hữu Lộc, mắm ruốc Ba Buôi, cơ khí Lamico, gạch Đồng Tâm, năng lượng mặt trời RedSun,... Hàng hóa của các DN trong tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; nhiều sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...”.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích