Tiếng Việt | English

19/03/2021 - 08:53

Hạnh phúc từ những điều giản dị

Có người từng nói rằng: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu”. Hạnh phúc vì vậy không phải là điều gì quá lớn lao mà chính là những niềm vui rất đỗi đời thường và dễ dàng tìm thấy trong cuộc sống.

Niềm vui tuổi xế chiều

Những lúc rảnh rỗi, ông Lê Hữu Chí (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) thường bày tre, trúc ra vót, đan thành rổ, rá. Phần ông tặng người thân, con cháu trong nhà, phần ông bán rẻ cho hàng xóm để dùng. Rổ ông đan cứng cáp, bền chặt, được nhiều người thích. Ông Chí xem đó là niềm vui những ngày tuổi xế chiều.

Hạnh phúc của ông Lê Hữu Chí (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) là được nhìn con cháu thành đạt, hạnh phúc, vui vẻ, sum vầy, được làm những việc nho nhỏ, có ích những ngày xế bóng Ảnh: Quế Lâm

Tuổi cao, sức khỏe có phần hạn chế nên ông ít đi ra ngoài, thường quanh quẩn ở nhà chăm sóc vài gốc cây ăn trái, đan rổ để tìm niềm vui. Ông Chí nói, cả cuộc đời vất vả, gian nan, lúc về già cũng muốn làm được điều gì đó để cảm thấy vui và thấy mình có ích.

Ông Chí là cựu chiến binh, trở về với cuộc sống đời thường luôn chí thú làm ăn, nuôi các con khôn lớn. Các con của ông đều được lo cho học hành đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định. Sau này, khi các cháu nội, ngoại đến tuổi tới trường, mỗi năm, ông đều tổ chức một ngày họp mặt để khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt. Chiếc phong bì nhỏ không nhiều về giá trị về vật chất nhưng là niềm vui, động lực để các cháu phấn đấu giữ vững thành tích học tập của mình.

Hạnh phúc của ông Lê Hữu Chí là được nhìn con cháu thành đạt, hạnh phúc, được làm những việc nho nhỏ, có ích những ngày xế bóng và được nhìn cháu con vui vẻ, sum vầy

Gia đình vốn có truyền thống cách mạng nên sau khi xuất ngũ về quê, người cựu binh vẫn mang trong mình tình yêu và niềm tự hào về người lính. Lúc rảnh rỗi, ông kể cho các con nghe về truyền thống gia đình, những năm tháng lịch sử hào hùng. Con trai ông Chí, anh Lê Vũ Khúc - cán bộ Công an huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Những câu chuyện kể của ba đã hun đúc trong lòng tôi niềm khát khao được trở thành cán bộ công an. Tôi đã phấn đấu trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường ước mơ thành hiện thực như bây giờ. Còn các anh, chị, em khác trong gia đình cũng không ngừng nỗ lực trong công việc của mình”.

Giờ đây, khi con cháu đều có cuộc sống ổn định, ông Chí chọn sống riêng để các con được tự do lo cho cuộc sống của mình. Hàng tuần, các con về ăn bữa cơm sum họp cùng ba mẹ. Niềm vui của ông những ngày xế bóng còn là những phút giây quây quần vui vẻ bên con cháu như thế.

Ông Chí xem việc đan rổ là niềm vui những ngày xế bóng. Rổ ông đan được thường tặng cho người thân, con cháu hoặc bán rẻ cho hàng xóm

“Thuận vợ thuận chồng...”

Gia đình là chỗ dựa vững chắc của mỗi cá nhân. Sự đồng thuận trong gia đình là động lực mạnh mẽ giúp các thành viên vượt qua khó khăn, làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Gia đình của anh Lương Thành Bờ và chị Đỗ Thị Phê (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) luôn ấm áp niềm vui. Gia đình của anh chị có thể thiếu nhiều tiện nghi nhưng niềm vui, sự thuận hòa, ấm áp thì hầu như không bao giờ thiếu. Lúc làm việc cùng nhau, anh hay trêu chị bằng những câu từ trìu mến. Chị đáp lời bằng sự dịu dàng, tình cảm của người vợ.

Ngoài công việc hàng ngày, anh Bờ và chị Phê còn dành thời gian tham gia tổ nấu ăn từ thiện. Tổ do các tín đồ đạo Cao Đài (tòa thánh Tây Ninh) phối hợp MTTQ xã thành lập và duy trì, nấu và cung cấp 100 suất cơm miễn phí cho Bệnh viện Đa khoa Rạch Kiến, huyện Cần Đước. Trưa thứ tư hàng tuần, đặt một chiếc rổ phía sau yên xe, anh Bờ chạy một vòng quanh chợ, nhận các loại rau, củ do tiểu thương ủng hộ mang về làm nguyên liệu cho bếp ăn từ thiện. Vừa đi, anh vừa vui vẻ hỏi thăm, trò chuyện với mọi người. Rau, củ được chuyển về bếp ăn từ thiện tại Thánh thất Cao Đài trong xã để sơ chế. Bếp nổi lửa vào sáng sớm thứ năm và cơm được chuyển đến bệnh viện trong buổi sáng. Chị Phạm Thị Phụng (ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) vui vẻ nói: “Chúng tôi rất vui khi được giúp những người đang khó khăn. Cứ đến thứ tư, thứ năm, tôi lại nôn nao đến bếp ăn để cùng mọi người sơ chế nguyên liệu, nấu cơm. Mong sao nhóm được mạnh thường quân biết đến và hỗ trợ để có thể mở rộng hơn, tăng suất ăn, giúp đỡ được nhiều người hơn”.

Hạnh phúc của vợ chồng chị Đỗ Thị Phê chính là sự đồng thuận của 2 vợ chồng, sự ấm êm, nhẹ nhàng mà cả hai đang cùng vung đắp (Trong ảnh: Anh chị cùng nhau tham gia Tổ nấu ăn từ thiện tại Thánh Thất Tân Chánh)

Các chị đến với bếp ăn đều là phụ nữ nông thôn. Nhờ có sự ủng hộ của gia đình nên các chị có thể sắp xếp việc nhà, đều đặn tham gia hàng tuần. Và gia đình anh Bờ, chị Phê cũng vậy. Trưa thứ tư, sau khi chở chị Phê đến bếp ăn, giao xong rau, củ, anh Bờ trở về nhà; khi chị xong việc, anh lại quay sang rước. Sáng hôm sau, hai vợ chồng lại cùng nhau đến bếp ăn. Các chị em nấu xong thì anh đưa cơm đến bệnh viện. Xong việc, anh chị lại cùng nhau trở về nhà - căn nhà nhỏ nhưng luôn ấm áp, yên vui.

Trong buổi chiều sơ chế nguyên liệu, các chị em không ai bảo ai, mỗi người một tay cùng nhau lặt rau, gọt củ. Những câu chuyện nhỏ, những nụ cười vui cứ nối tiếp nhau

Hạnh phúc thực sự không phải là điều gì khó tìm hay xa xỉ mà chính là những điều bình dị. Như ông Chí, hạnh phúc là được nhìn con cháu thành đạt, hạnh phúc, được làm những công việc nho nhỏ, có ích trong những ngày xế bóng. Hạnh phúc của những chị em trong tổ nấu cơm từ thiện tại Thánh thất Cao đài, xã Tân Chánh là được góp sức mình giúp đỡ cho người khác. Và hạnh phúc của vợ chồng chị Phê chính là sự đồng thuận, ấm êm mà cả hai cùng vun đắp./.

"Khi làm được việc gì đó giúp đỡ người khác, tôi cảm thấy vui nên luôn tâm niệm giúp được gì cứ giúp, tùy theo khả năng của mình”.

Chị Nguyễn Thị Bế, ngụ ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước - thành viêntổ nấu cơm từ thiện

"Tìm được chủ nhân của số tiền đánh rơi để trả lại, thấy ông vui mà tôi cũng vui lây. Đây là khoản tiền mà ông chuẩn bị trả lương cho nhân viên nhưng để quên. Tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ làm như vậy!”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên - viên chức Trung tâm Hành chính công huyện Châu Thành,  người vừa được tuyên dương khi trả lại tài sản bị đánh rơi

"Theo tôi, hạnh phúc chính là phụ nữ có thể làm chủ được cuộc sống của mình. Sự thuận hòa, yêu thương và bao dung của các thành viên trong gia đình là nền tảng dựng xây hạnh phúc một cách bền vững. Với tôi, hạnh phúc là sau một ngày vất vả, khi về nhà được nhìn thấy nụ cười và cảm nhận tình yêu của gia đình dành cho mình”.

Chị Bùi Thị Ngọc Mai (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa)

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết