Thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Mộc Hóa được trang bị trang phục khi biểu diễn dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập)
Nỗ lực từ cơ sở
Vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã, vừa là thành viên CLB ĐCTT huyện Mộc Hóa, bà Đoàn Thị Liễu (xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa) vận dụng những kinh nghiệm học được từ CLB huyện vào hoạt động tại xã. Mỗi buổi sinh hoạt của CLB đều có trà, bánh hoặc bữa tiệc nhỏ giúp không khí thêm ấm cúng. Theo bà Liễu, kinh phí hoạt động của CLB đều do các thành viên đóng góp. Tuy nhiên, nguồn quỹ tự đóng góp rất hạn chế nên bà cố gắng vận động xã hội hóa, nhận biểu diễn ĐCTT có thu phí khi được yêu cầu.
Bà Liễu chia sẻ: “Muốn CLB duy trì hoạt động phải có kinh phí hoạt động. Việc tự tạo kinh phí từ làm dịch vụ sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho các thành viên. Chưa kể, khi biểu diễn, chúng tôi có cơ hội rèn luyện, nâng cao kỹ năng của mình. CLB ĐCTT huyện Mộc Hóa có nguồn quỹ khá ổn định nhờ vào xã hội hóa và hoạt động biểu diễn tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Thành viên CLB huyện còn được đầu tư trang phục biểu diễn. Chúng tôi rất vui vì điều đó, CLB xã sẽ cố gắng trong khả năng của mình”.
Nhờ sự nỗ lực ấy, hiện tại, tất cả các xã, thị trấn tại huyện Mộc Hóa đều có ít nhất 1 CLB ĐCTT sinh hoạt đều đặn. Mỗi năm, huyện đều tổ chức các cuộc thi, giao lưu để tài tử có dịp gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau. Phong trào ĐCTT tại huyện Mộc Hóa dần phát triển.
Ở những vùng đất vốn có truyền thống ĐCTT như Cần Đước, Thủ Thừa thì hoạt động ĐCTT lại mang một màu sắc khác. Thủ Thừa là quê hương của nhiều tài tử, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú nổi bật của tỉnh. Giữ gìn và phát huy truyền thống lâu đời, hoạt động ĐCTT tại huyện Thủ Thừa khá sôi nổi và có nhiều thành tích. Tại Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng vừa qua, Thủ Thừa là đơn vị đoạt giải Nhất toàn đoàn. Nhiều thành viên CLB ĐCTT huyện Thủ Thừa là thành viên CLB ĐCTT tỉnh.
CLB ĐCTT huyện Thủ Thừa là nơi nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ. Các tài tử trẻ đều được bồi dưỡng và định hướng theo con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong đó, có thể kể đến tài tử Nguyễn Minh Khang - thành viên trẻ nhất của CLB ĐCTT tỉnh. Anh lớn lên trong tiếng đờn, ca của các tài tử, nghệ nhân ở Thủ Thừa, tham gia sinh hoạt ĐCTT tại huyện từ khi còn nhỏ. Được gia đình ủng hộ, anh theo học tại Nhạc viện TP.HCM. Hoàn tất chương trình học, song song với việc tìm lối đi riêng, anh vẫn duy trì sinh hoạt và phục vụ CLB ĐCTT tỉnh và huyện, góp phần mang về nhiều thành tích.
Tại Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng năm 2023, phần trình diễn của Minh Khang cùng các tài tử Ban ĐCTT Long An nhận được sự đánh giá tốt từ Ban Tham vấn nghệ thuật của liên hoan. Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ nhận định, các tài tử trẻ của tỉnh đang được tiếp nhận sự đào tạo bài bản nên dù trẻ tuổi, nhiều tài tử thể hiện được bản lĩnh và nội lực của mình. Nếu không có cơ hội theo học tại nhạc viện thì các lớp tập huấn, lớp truyền nghề được mở thường xuyên, liên tục cũng giúp thế hệ tài tử trẻ có nền tảng vững chắc khi thực hành ĐCTT.
Đến cơ quan quản lý
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong trào ĐCTT của tỉnh phát triển khá mạnh, có trên 200 CLB và gần 150 hội, nhóm với trên 4.500 người thực hành ĐCTT, trong đó, có 8 nghệ nhân ưu tú và 7 nghệ nhân dân gian đang hoạt động, bảo tồn nghệ thuật ĐCTT. Các nghệ nhân ưu tú thường xuyên phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh mở các lớp truyền dạy ĐCTT từ cơ bản đến nâng cao. Điều đó tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận, hiểu và tham gia ĐCTT.
Long An là tỉnh đầu tiên yêu cầu các đơn vị tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Long An mở rộng đưa các bài ngự vào chương trình biểu diễn (Ảnh chụp tại Liên hoan Đờn ca tài tử Long An mở rộng năm 2023)
Những năm trở lại đây, nhằm tạo sân chơi và giúp các tài tử, nghệ nhân có thêm nhiều kinh nghiệm, được rèn luyện, nâng cao tay nghề, tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan ĐCTT cấp cơ sở; đồng thời, tổ chức đoàn tham dự đều đặn các cuộc hội thi cấp khu vực, toàn quốc cũng như giao lưu ĐCTT với các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, Long An là đơn vị đầu tiên yêu cầu các đơn vị tham gia Liên hoan ĐCTT Long An mở rộng tại đình Vạn Phước đưa các bài ngự vào chương trình biểu diễn.
Theo nhận định của nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM - Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, việc đưa 8 bài ngự vào biểu diễn tại Liên hoan ĐCTT nhân lễ húy kỵ đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại là điểm nhấn nổi bật. Đáp ứng yêu cầu của Ban Tổ chức, các ban ĐCTT tham gia liên hoan có nhiều tiết mục đờn, ca các bài ngự hay và tinh tế, góp phần giúp công chúng biết về 8 bài ngự do nhạc sư Nguyễn Quang Đại sáng tác.
Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải nhấn mạnh: “Có thể nói, Long An là tỉnh đầu tiên có quy định cụ thể về việc đưa các bài ngự vào liên hoan ĐCTT. Điều đó khuyến khích các ban ĐCTT tham gia liên hoan đầu tư hơn cho các bài ngự. Tôi nghĩ, các bài ngự cũng có thể được trình diễn theo hình thức độc tấu hoặc sáng tác lời mới. Nếu có hạng mục khen thưởng riêng cho các bài ngự trong liên hoan thì sẽ càng tăng thêm động lực cho các ban ĐCTT và góp phần giúp người dân biết rõ hơn về 8 bài ngự của đức nhạc sư”.
Với nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của các tài tử, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú trong toàn tỉnh cũng như sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, nghệ thuật ĐCTT tại tỉnh đang được duy trì, phát triển. Mong rằng, những nỗ lực và tâm huyết của các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú tiếp tục được gìn giữ, tiếp sức, giúp nghệ thuật ĐCTT mãi được lưu truyền và gìn giữ./.
Quế Lâm