Tiếng Việt | English

13/05/2021 - 19:22

HĐND tỉnh Long An giám sát về xây dựng nông thôn mới

Chiều 13/5, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều làm Trưởng đoàn đến làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về các vấn đề có liên quan trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều yêu cầu các địa phương phải thay đổi tư duy, chủ động hơn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh huy động khoảng 55.342 tỉ đồng để thực hiện chương trình XDNTM. Trong đó, vốn tín dụng chiếm tỉ lệ cao nhất (87,1%); vốn Trung ương hỗ trợ trực tiếp chiếm 2%; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế chiếm 0,6%; vốn huy động cộng đồng dân cư chiếm 1,3%...

Kết thúc giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 94/161 xã đạt chuẩn NTM (đạt 106,8% kế hoạch của Trung ương giao, đạt 113% kế hoạch của tỉnh); có 1 huyện đạt chuẩn NTM, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 1 huyện và 1 thị xã có 100% xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí NTM.

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT – Nguyễn Thanh Truyền báo cáo với Đoàn giám sát một số khó khăn, bất cập, hạn chế trong quá trình XDNTM giai đoạn 2016-2020. Đó là vấn đề chồng chéo giữa các loại quy hoạch; quy mô đường giao thông nông thôn không còn phù hợp với nhu cầu và mức độ phát triển của một số địa phương; xâm nhập mặn diễn biến khó lường và kênh, rạch ở một số nơi không bảo đảm cho mục đích sản xuất; phương pháp tính thu nhập chưa có sự thống nhất; hoạt động của các hợp tác xã còn yếu; phân bổ vốn đầu tư công của tỉnh chưa phù hợp với kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn NTM hàng năm của cấp huyện; mức độ hài lòng của người dân với một số tiêu chí NTM chưa cao;...

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay, một số xã diện tích đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều do chuyển sang đất đô thị, đất công nghiệp; việc làm và thu nhập chính của người dân không phải từ sản xuất nông nghiệp. Để tránh đầu tư không hiệu quả, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp các ngành liên quan để hướng dẫn, có giải pháp cụ thể cho các xã này.

Đối với việc sáp nhập các trường học và xét, công nhận tiêu chí trường học trong XDNTM, hiện tại, tỉnh đã tạm dừng việc sáp nhập các trường học đối với những địa phương chưa thực hiện việc sáp nhập trường học. Những trường học đã được sáp nhập thì các địa phương phải rà soát lại các tiêu chí trường chuẩn để có giải pháp hỗ trợ, đầu tư và lập hồ sơ công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Trung ương.

Về tổ chức bộ máy thực hiện chương trình XDNTM, thời gian qua được thực hiện theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các văn bản trên không còn hiệu lực. Trên cơ sở quy định mới của Trung ương, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất, tham mưu cơ chế, chính sách cho tổ chức bộ máy thực hiện chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng nông thôn mới

Giám đốc Sở NN&PTNT – Nguyễn Thanh Truyền cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, chiếm 66,6% tổng số huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Về chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có 142 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 88,25 số xã toàn tỉnh; trong đó, có 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 40,1% tổng số xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 19,3% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, Sở NN&PTNT kiến nghị HĐND, UBND tỉnh tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình; đồng thời củng cố bộ máy tham mưu thực hiện chương trình các cấp và có cơ chế hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm cho lực lượng làm nhiệm vụ XDNTM các cấp.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều đề nghị, Sở NN&PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về XDNTM, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, sở cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thời gian qua.

Theo ông Mai Văn Nhiều, bên cạnh nguồn vốn được hỗ trợ, các địa phương cần chủ động, đa dạng hóa các nguồn đóng góp XDNTM. Trước khi thực hiện các công trình, phải khảo sát, lấy ý kiến nhân dân để đáp ứng yêu cầu thực tế của từng địa phương; đồng thời phải ghi nhận, công bố cụ thể sự đóng góp của nhân dân, từ đó tạo niềm tin, sự đồng thuận trong XDNTM./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết