Tiếng Việt | English

19/01/2021 - 16:50

Hiệu quả từ nuôi bò ứng dụng công nghệ cao

Thay đổi nhận thức và cách làm trong chăn nuôi không chỉ giúp người dân đạt hiệu quả kinh tế nhất định mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống.

Thay đổi cách chăn nuôi

Trước đây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã phát triển chăn nuôi bò nhưng chủ yếu là chăn thả theo kiểu truyền thống nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trang trại bò của bà Võ Thị Hà tại xã Tân Bình, huyện Tân Trụ

Có mặt tại trang trại của ông Trần Văn Tùng (SN 1967), xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, khi ông đang băm cỏ cho đàn bò sinh sản của mình. Chỉ trong nháy mắt, chiếc máy băm cỏ đã giúp ông hoàn thành công việc.

Chia sẻ về việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, ông Tùng bộc bạch: “Giờ sử dụng máy móc nên tiết kiệm được thời gian và công sức. Chăn nuôi bò được 7 năm, đến năm 2018, tôi áp dụng mô hình nuôi bò ƯDCNC. Tôi bắt đầu thay thế giống bò thuần kém chất lượng trước đây sang những giống bò có chất lượng cao hơn: Brahman, Lai Sind. Trong khẩu phần ăn của bò, tôi bổ sung thêm cám tinh, bánh đá liếm thay vì chỉ đơn thuần cho ăn cỏ hoặc rơm khô như trước đây”.

Cách trang trại của ông Tùng chưa đến 1km là trang trại của anh Phạm Đình Nguyên. Gắn bó với việc chăn nuôi bò được 5 năm, anh Nguyên cho biết: “Nhận thấy được những lợi ích của việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi nên tôi quyết định thay đổi. Năm 2017, tôi tham gia tổ hợp tác nuôi bò ƯDCNC, thường xuyên dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi bò. Năm 2019, tôi thực hiện mô hình, được Nhà nước hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại, tôi nuôi 15 con bò sinh sản, 5 con bò thịt, thời gian nuôi được rút ngắn, chất lượng bò thịt, chất lượng con giống tốt hơn giống bò thuần của địa phương trước kia”.

Khoảng 4 năm nay, bà Võ Thị Hà (SN 1939), ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, cũng thay đổi tư duy về nuôi bò. Khai hoang mảnh đất rộng trên 1,5ha của gia đình, bà thành lập trang trại nuôi bò với số vốn khoảng 500 triệu đồng, đầu tư chuồng trại thông thoáng, hầm biogas, ao xử lý nước thải, sân phơi phân bò, máy phát cỏ, máy băm cỏ,... Hiện trang trại có khoảng 110 con bò bao gồm: Bò sinh sản, bò thịt và bê con.

Mang lại nhiều lợi ích

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tình hình chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.

Bà Võ Thị Hà, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, phấn khởi: “Từ khi ƯDCNC vào chăn nuôi bò, chất lượng bò đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi tháng, bò sinh sản được khoảng 6-7 bê con, bê cái thì giữ lại để tiếp tục sinh sản, bê đực bán bò thịt, trung bình mỗi con bò thịt có trọng lượng từ 580-600kg/con. Hiện trang trại tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức lương từ 6-10 triệu đồng/tháng, tùy theo công việc”.

Ông Trần Văn Tùng, ngụ xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, chia sẻ: “Nhờ áp dụng công nghệ lai giống bò sau khi sinh sản mà bê con phát triển nhanh về trọng lượng, từ khi sinh sản đến tháng thứ 5 là có thể xuất chuồng, đầu ra dễ tiêu thụ hơn. Thu nhập từ việc bán bê con cao hơn trước khoảng 3 triệu đồng/con”.

Việc sử dụng máy móc vào chăn nuôi bò giúp ông Trần Văn Tùng tiết kiệm được thời gian và công sức

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Võ Thị Quế Lâm nhận định: Người dân đã dần thay đổi tập quán sản xuất. Cụ thể, ban đầu có khoảng 5% hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo cho bò, đến nay đã có hơn 20%, sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Nhờ gieo tinh nhân tạo mà người dân dần tiếp cận được những giống bò mới, chất lượng cao như: Brahman, BBB, Lai Sind,... Qua đó, giúp cải tạo được chất lượng con giống, trọng lượng bò sơ sinh bình quân đạt 25-30kg/con, cao hơn khoảng 3-4kg/con so với giống bò ở địa phương.

“Nuôi bò ƯDCNC góp phần làm thay đổi nhận thức và cách làm trong chăn nuôi, giúp người dân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt, chăn nuôi gắn với chương trình nông nghiệp chất lượng cao còn góp phần bảo vệ môi trường” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin.

Đánh giá về những hiệu quả của chương trình nuôi bò ƯDCNC - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thực hành chăn nuôi theo hướng VietGAP, có 5 trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP. Từ mô hình điểm, người dân từng bước ứng dụng công nghệ giống, thức ăn, chăn nuôi bảo đảm môi trường,... cũng như chủ động được nguồn bò giống, nâng cao giá trị đàn bê con. Việc nhân rộng mô hình từ mô hình điểm ngày càng được triển khai rộng rãi, có trên 350 hộ chăn nuôi trong vùng ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thụ tinh nhân tạo, cơ giới hóa, trồng cỏ chất lượng cao và xử lý chất thải.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục mở rộng và phát triển vùng chăn nuôi bò thịt tập trung theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ƯDCNC. Theo đó, tập trung công nghệ giống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bò thịt, bò sinh sản hướng thịt, nâng chất lượng đàn bò nền, nâng tỷ lệ gieo tinh nhân tạo giống bò chất lượng và đạt tỷ lệ thịt xẻ cao,...

Người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thực hành chăn nuôi theo hướng VietGAP".

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh

Hoài An

Chia sẻ bài viết