Những lá thư trao đổi chân tình
Bức thư gửi Bác Hồ của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Giám đốc Trường Mỹ thuật, giờ đã trở thành một hiện vật quý của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong đó, ông Tô Ngọc Vân viết về việc anh chị em họa sĩ đã rất hân hoan khi nhận được chỉ thị của Bác về việc vẽ tranh minh họa thư Bác gửi chúc tết nhân dân và bộ đội. “Anh chị em đã thúc đẩy nhau làm việc vui vẻ và ngay trong những ngày đầu của lớp nghiên cứu chính trị do Hội Văn nghệ Việt-nam mở cho anh em văn hóa văn nghệ. Chúng tôi đã thu thập được 20 bức vẽ, phần lớn là của anh chị em học sinh Trường Mỹ thuật”, họa sĩ Tô Ngọc Vân viết vào tháng 01/1952.
Bác Hồ trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ và Trần Đình Văn
TƯ LIỆU
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng lưu giữ một bức thư Bác Hồ viết cho anh chị em họa sĩ hồi tháng 12/1951. Khi đó, một triển lãm hội họa được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc để kỷ niệm 5 năm ngày Toàn quốc kháng chiến. “Phòng triển lãm trưng bày gần 200 bức tranh gồm các thể loại: sơn dầu, sơn bột, lụa, in đá… của các họa sĩ tên tuổi như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Sỹ Ngọc, Nguyễn Bích… Trong buổi khai mạc triển lãm, Hồ Chủ tịch không đến dự được, Người có gửi thư đến thăm anh chị em họa sĩ và có vài ý kiến với nghệ thuật”, Th.S Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng lưu giữ nhiều thư của Bác Hồ gửi nhân sĩ trí thức. Có những bức thư để hỏi thăm việc riêng. Chẳng hạn, Bác có thư gửi vợ chồng GS Đặng Thai Mai vào tháng 4/1951. Người viết: “Chú ở đó nghỉ cho lại sức và chờ ngày đi chữa bệnh…”. Bác gửi thư cho ông Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, vào tháng 02/1948. Kèm theo bức thư, Bác gửi tặng ông một chiếc áo kèm thư chúc tết, trong đó có đoạn: “Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi. Tết sau thắng lợi sẽ đền bồi. Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú. Chú mang cho ấm, cũng như tôi”.
Bác cũng gửi thư cho bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ, vào tháng 01/1947 khi nhận được tin con trai thứ ba của bác sĩ đã hy sinh. Bác viết:“Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…”.
Bác Hồ và các nghệ sĩ nhiếp ảnh
Đưa văn hóa nghệ thuật vào chính trị
Trong bức thư gửi anh em họa sĩ tháng 12/1951, Bác Hồ chia sẻ ý kiến của mình với nghệ thuật. Bác viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định - tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng - Nói tóm tắt là đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Bác cũng viết: “Về sáng tác thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta. Đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Phong trào dân chủ và hòa bình thế giới tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh. Muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh em nghệ thuật cần fải dùng fương fáp tự fê bình và fê bình”.
Sau cùng, Bác viết: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà fải ở trong kinh tế và chính trị. Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh em mạnh khỏe, tiến bộ, thành công”.
PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), chia sẻ về việc Bác Hồ viết thư cho nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức. “Bác luôn nắm được người này đang có việc này, người kia đang có việc kia và Bác viết thư động viên. Như thế để thấy tình cảm của Bác với nhân sĩ trí thức rất chân thành”, ông Hà nói. Cũng theo ông Hà, qua những bức thư gửi nhân sĩ trí thức cũng như trao đổi về văn hóa, nghệ thuật, có thể thấy rất rõ Bác quan tâm đến văn hóa như thế nào. Sự quan tâm đặc biệt về văn hóa cũng đã được thể hiện trong Đề cương văn hóa Việt Nam tháng 02/1943 do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo. Ở đó, nhấn mạnh phương châm phát triển văn hóa là Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa.
PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng chính sự quan tâm đến văn hóa, ứng xử chân tình với lời nói mộc mạc của Bác Hồ đã tạo sức thu hút của Người với nhân sĩ trí thức nghệ sĩ. “Bác vận động được nhiều văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến, các cây đa cây đề sau này thành danh đều đi từ thời kỳ đầu lên chiến khu theo Bác. Cho nên đường lối vận động tập hợp được những lực lượng của Đảng thì Bác Hồ có công rất lớn. Văn nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn… đi theo kháng chiến hết”, ông Hà nói.
Điều quan trọng, theo PGS - TS Hà: “Bác có tài cảm hóa và Bác luôn nói những lời mộc mạc. Người ta nghe người ta thấy đấy là lời nói thật, nên người ta bỏ hết mọi thứ đi theo. Bác có gì cho họ đâu ngoài cho họ niềm tin và cảm giác được trọng dụng, được phát huy, cống hiến và là người dân một nước độc lập. Sức mạnh tập hợp của Đại hội văn hóa toàn quốc đầu tiên cũng đến như thế”./.
Theo Thanh Niên