Kỷ vật về Bác
Căm thù sự bóc lột của địa chủ, 16 tuổi, ông Hành quyết trốn gia đình lên đường tham gia bộ đội. Giác ngộ lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ông quyết đem sức, tài và cả tính mạng để cống hiến cho quê hương.
Ông Hành chia sẻ: “Khi quyết định đi kháng chiến là tôi đã không sợ cái chết. Tôi chỉ mong, dù chết cũng phải chết xứng đáng, góp một phần công sức để giành độc lập cho quê hương”.
Với tinh thần quyết tâm ấy, ông Hành nhanh chóng thể hiện được bản lĩnh và sở trường của mình. Sau 4 tháng được huấn luyện tại trung đội của huyện Thủ Thừa, cuối năm 1964, ông được rút về Tiểu đoàn 1 của tỉnh và trở thành pháo thủ chính trong đội sử dụng súng cối để tấn công quân địch và yểm trợ cho bộ binh của ta. Mỗi phát đạn cối được bắn ra là sự tính toán cẩn thận của ông và đồng đội để đạt được độ chính xác cao nhất có thể.
Ông Phạm Văn Hành cất giữ chiếc băng tang trong ngăn để thẻ bảo hiểm y tế của mình
“Có những lần giao chiến ác liệt, tôi và đồng đội bắn liên tục 30-40 trái đạn cối vào trận địa để giải vây cho bộ binh của ta. Tham gia chiến đấu từ xa nên chúng tôi ít khi chạm trán trực diện với quân địch nhưng cũng có lúc bị chúng phát hiện phải chạy tìm chỗ ẩn nấp an toàn. Súng được tháo ra làm 3 phần nhưng vẫn nặng, vậy mà không ai kêu ca nửa lời, luôn đồng lòng, giúp đỡ nhau cùng sống sót” - ông Hành kể.
Sống trong thời chiến, trực tiếp tham gia chiến đấu nên ông Hành nếm trải biết bao gian khổ. Những ngày hành quân, đóng quân trong rừng là những kỷ niệm khó quên với ông. Ăn, ngủ trong tiếng súng đạn, chứng kiến đồng đội hy sinh và bản thân có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào nhưng ý chí quyết tâm, lòng căm thù giặc và ước mơ hòa bình giúp ông Hành vượt qua tất cả. Kể cả khi trúng mìn bị mất bàn chân phải, ông Hành cũng không nản chí.
Chiếc băng tang Bác Hồ của ông Phạm Văn Hành
Ông Hành tâm sự: “Tháng 11/1967, tôi bị thương nên được đồng đội đưa đi chữa trị. Mất cả bàn chân phải, tôi vẫn cố tập đi để trở lại chiến đấu, kề vai sát cánh cùng đồng đội nhưng vết thương nặng lại càng thêm nặng. Tôi phải tạm gác lại suy nghĩ đó, tập trung trị thương”.
Trong khoảng thời gian trị thương, ông Hành vẫn nung nấu ý chí trở lại chiến trường. Đặc biệt, khi nghe bài thơ chúc tết năm 1969 của Bác gồm 6 câu lục bát: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn” càng làm ông tin tưởng chiến thắng đang đến gần và một quê hương tươi đẹp. Cũng năm ấy, hay tin Bác mất và nghe Di chúc của Bác, ông Hành quyết tâm phải luôn lấy Bác làm tấm gương sáng để bản thân tàn nhưng không phế. Và chiếc băng tang đeo trong ngày tiễn đưa Bác được ông gìn giữ cẩn thận từ đó đến nay để nhớ về Bác - vị cha già của dân tộc và nhắc nhở bản thân phải luôn sống xứng đáng với danh người lính Cụ Hồ.
Việc làm nhỏ ý nghĩa lớn
Sau năm 1975 điều trị vết thương xong, ông Hành trở về quê hương và tham gia làm việc tại địa phương. Đến nay, tuổi cao, chân thương tật nhưng ông vẫn duy trì tham gia những hoạt động xã hội của địa phương. Bởi, ông mong muốn, còn sức khỏe là còn cống hiến, dù đó là những việc nhỏ.
Cứ mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là những ngày 30/4, 2/9,… người dân qua, lại trên tuyến đường xã liên ấp 3, 4 lại thấy hình ảnh người thương binh già dắt chiếc xe đạp cũ, tay cầm cây móc dài và chở những lá cờ Tổ quốc được xếp ngay ngắn trên giỏ xe. Đó chính là hình ảnh của ông Hành thực hiện việc treo cờ Tổ quốc. Nhờ có ông Hành, con đường dài khoảng 2km rực rỡ cờ đỏ, sao vàng, tạo không khí lễ, tết ở một vùng quê và khơi dậy niềm tự hào dân tộc của người dân nơi đây.
Người thương binh già - Phạm Văn Hành dắt chiếc xe đạp cũ đi treo cờ Tổ quốc mỗi dịp lễ, tết
“Treo cờ Tổ quốc là việc làm rất nhỏ, cũng nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa của việc treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ, tết thì rất lớn, thể hiện tinh thần dân tộc và nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước để sống, học tập, làm việc xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ” - ông Hành trải lòng.
Bắt đầu công việc treo cờ từ năm 2016, đến nay, ông Hành vẫn duy trì và xem như trách nhiệm của bản thân. Bạn đồng hành của ông là chiếc xe đạp cũ, cùng ông trải qua những ngày nắng, mưa. Chân đi lại khó khăn nên việc treo cờ trên cao cũng không dễ dàng với ông Hành. Vậy là, ông sáng chế ra cây móc để hỗ trợ việc treo cờ của mình. Từ đó, cây móc trở thành bạn đồng hành tiếp theo không thể thiếu của ông mỗi khi thực hiện việc treo cờ. Những lá cờ Tổ quốc được ông nâng niu mỗi khi treo, tháo ra và cất đi. Cờ luôn được xếp ngay ngắn, phẳng phiu và đặt trình tự trên giỏ chiếc xe đạp cũ mỗi khi ông đi treo cờ. Khi treo, ông cũng để ý kỹ cờ để treo đúng chiều. Bởi, với ông đó là lòng tự tôn, thể diện của dân tộc. Ông Hành cho biết: “Lớn tuổi, chân thương tật, làm một lúc phải nghỉ mệt nên tôi treo cờ cũng khá chậm nhưng không vì vậy mà nản lòng, còn sức là tôi còn muốn làm công việc này, bởi nó mang lại ý nghĩa lớn”.
Ông Hành bắt đầu treo cờ từ năm 2016 đến nay
Ngoài việc treo cờ Tổ quốc, ông Hành còn thu gom rác tại địa phương để góp phần bảo vệ môi trường. Với những việc làm của mình, ông Hành được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Trong đó, năm 2019, ông nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc qua 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; năm 2020 nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa vì có thành tích tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
Những thành tích ấy là minh chứng cho việc ông giữ đúng lời hứa của bản thân khi quyết tâm gìn giữ chiếc băng tang như một kỷ vật về Bác và sống xứng đáng với danh người lính Cụ Hồ./.
Ngọc Thạch