Tiếng Việt | English

01/11/2019 - 06:29

Họp Quốc hội: Ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải đáp ý kiến cho rằng thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, trong khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tại hội trường Quốc hội, chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo và giải đáp trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh tinh giản biên chế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ cấu chi ngân sách nhà nước được chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt kế hoạch 5 năm.

Trong đó, tỷ trọng dự toán chi được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp, qua đó cơ cấu lại nguồn bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Lũy kế 5 năm đã giảm chi thường xuyên cho thực hiện các nhiệm vụ này của ngân sách nhà nước khoảng 27-28 ngàn tỷ đồng.

"Trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng của ngân sách nhà nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối, năm 2020 dự toán là 3,44% GDP. Như vậy, bình quân giai đoạn 2016 -2019, bội chi ngân sách khoảng 3,6 đến 3,7%, so với mục tiêu đề ra là 3,9%; dự kiến vào năm 2020 là dưới 3,5%.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, công tác ngân sách nhà nước có những khó khăn. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế phí có xu hướng giảm dần, nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua giảm rất nhanh.

Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách thu để thu tăng thêm khoảng 300 ngàn tỷ đồng nhằm bù đắp giảm thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định khó đạt mức tăng trưởng cao như dự toán...

Để cải thiện vấn đề này, Bộ đã và đang nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư; đồng thời huy động hợp lý ngân sách nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ phải tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của 5 năm ở mức cao nhất.

Đồng thời, Bộ đang nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn

Bộ trưởng đã giải đáp ý kiến của một số đại biểu cho rằng thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, trong khi thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt dự toán.

"Đúng là thu ngân sách nhà nước 4 năm qua luôn vượt dự toán và thu của khu vực kinh tế không đạt dự toán, nguyên nhân chủ quan là do việc giao dự toán" - Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, mấy năm qua, thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh. Một số địa phương không đạt dự toán thu nội địa (không kể tiền thu từ đất, xổ số kiến thiết đã giảm trong những năm gần đây); trong đó, năm 2017 là 34 địa phương, năm 2018 là 22 địa phương và dự kiến năm 2019 có 15 địa phương sẽ có số thu nội địa không đạt dự toán.

"Xét về mặt bền vững ngân sách, chúng tôi cho rằng, ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng cốt lõi" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đồng thời phân tích dự toán thu nội địa năm 2020 ở mức 83,6% tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó riêng thu từ 3 khu vực kinh tế (khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đạt gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước, trong khi năm 2017 mới đạt 39%, qua đó cho thấy tỷ lệ này đã tăng lên rất nhanh.

Bộ trưởng cho biết về việc điều chỉnh chính sách thuế trước bối cảnh tỷ trọng đóng góp thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập, cùng với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng đã có những tác động đáng kể đến việc cơ cấu lại ngân sách trong cả nước.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, nhập khẩu với tài nguyên và bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Qua đó, giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết