Tiếng Việt | English

21/10/2018 - 11:06

Hướng đến nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Cùng với Trung tâm (TT) Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, các trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp huyện được thành lập, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh.

Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

TT PVHCC tỉnh Long An chính thức hoạt động ngày 17/10/2016, là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2016 và tốp 12 TT được triển khai, thực hiện trong cả nước lúc bấy giờ. Đến nay, TT hoạt động khá nề nếp, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; thể hiện được vai trò đầu mối tập trung trong hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại các cơ quan Nhà nước. Giám đốc TT PVHCC tỉnh - Võ Minh Thành nhận định, việc thành lập TT giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; hạn chế tình trạng “cò” hay cơ chế “xin, cho” khi thực hiện TTHC. Đặc biệt, cùng lúc cá nhân, tổ chức có thể thực hiện nhiều TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau và kiểm soát được tình trạng giải quyết hồ sơ (HS) thông qua tin nhắn SMS,... 

6 tháng năm 2018, TT phối hợp 18 sở, ngành tỉnh giải quyết 17.415 HS, trong đó trước hạn 10.933 HS (chiếm 62,78%), đúng hạn 6.413 HS (chiếm 36,82%), quá hạn 69 HS (chiếm 0,4%). 

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Toàn tỉnh có 15/15 TTHCC cấp huyện được thành lập, kết nối với TT PVHCC tỉnh. Việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại TTHCC cấp huyện bước đầu tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 6 tháng năm 2018, các TTHCC cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 34.000 HS, trong đó giải quyết trước hạn 7.500 HS. Là TTHCC cấp huyện đầu tiên của khu vực Đồng Tháp Mười, TTHCC thị xã Kiến Tường bước đầu tạo sự chuyển biến, đột phá trong cải cách TTHC, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Trung bình mỗi ngày, TT tiếp nhận gần 100 lượt khách hàng đến giải quyết và tư vấn các TTHC. Qua khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp, có trên 90% hài lòng với thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức nơi đây.

Giám đốc TTHCC thị xã Kiến Tường - Lê Minh Dũng cho biết, TT là đầu mối tiếp nhận, giải quyết 244 TTHC trên 32 lĩnh vực theo cơ chế một cửa liên thông thuộc thẩm quyền của UBND thị xã và các cơ quan chuyên môn trực thuộc. TT hiện có 5 biên chế, trong đó có 2 chuyên trách và 3 biệt phái từ các phòng, ban chuyên môn. Với phương châm “Lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo hoạt động”, cán bộ, viên chức làm việc nơi đây không chỉ tiếp nhận HS mà còn có đủ năng lực hướng dẫn người dân hoàn thiện HS theo quy định; thẩm định, trình duyệt HS và trực tiếp phát hành phiếu hẹn trả kết quả giải quyết HS.

TTHCC huyện Cần Giuộc là TT cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Giám đốc TT - Nguyễn Văn Thạnh cho biết, hiện nay, TT được trang bị đầy đủ thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, thống nhất trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính. Các hồ sơ hành chính được xử lý trên hệ thống máy tính, phần mềm chuyên nghiệp giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Riêng đối với hồ sơ hành chính có phiếu hẹn, phần mềm tự động cập nhật và thông báo kết quả giải quyết thông qua dịch vụ gửi tin nhắn SMS, thư điện tử. 

Trung tâm hành chính công cấp huyện ngày càng phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính

Trung tâm hành chính công cấp huyện ngày càng phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính

Nâng cao chỉ số PCI và PAPI

Từ khi TT PVHCC tỉnh, TTHCC cấp huyện được thành lập và đi hoạt động, mọi TTHC được giải quyết nhanh gọn, kịp thời, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, đơn giản hóa TTHC, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao chỉ số PCI, PAPI tỉnh. Thông tin từ Sở Nội vụ, năm 2017, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 38,3/60 điểm, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành và được xếp vào nhóm thứ 1 của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2016; chỉ số PCI của tỉnh đứng hàng thứ 4 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 66,7/100 điểm (tăng 11 bậc so với năm 2016).

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Kỳ Đức, chỉ số PAPI dựa trên khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2017, qua khảo sát, tỉnh có 5/6 chỉ số được đánh giá tăng điểm so với năm 2016.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong bộ PCI, năm 2017, Long An có 5 chỉ số thành phần cải thiện rất tốt, có điểm số tăng cao, trong đó có 2 chỉ số có điểm số cao hơn 3 tỉnh nằm trong top 3: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Đạt kết quả này, nhờ tỉnh có những chủ trương, chính sách đúng đắn, thân thiện; kịp thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế.

Trung tâm hành chính công cấp huyện được thành lập và đi hoạt động, mọi thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Ông Trần Kỳ Đức cho biết thêm, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết TTHC và bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của TT PVHCC tỉnh, TTHCC cấp huyện, sở không chỉ tham mưu UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức mà còn thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các thủ tục HS, mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết TTHC, quy trình tiếp nhận, xử lý HS, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại TT. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, TT PVHCC tỉnh, 100% TTHCC cấp huyện trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình một cửa điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử,... góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giảm thiểu phiền hà; hướng đến nền hành chính kiến tạo, phục vụ.

Việc thành lập TT PVHCC tỉnh, TTHCC cấp huyện thể hiện sự năng động của tỉnh, tạo hành lang pháp lý, khắc phục tình trạng chậm trễ, né tránh, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi cần giải quyết các TTHC. Đây cũng là mô hình thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tạo đột phá trong cải cách TTHC, góp phần nâng cao chỉ số PCI và PAPI tỉnh./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết