Chiêu bài “khảo sát tôn giáo” để chống phá và kiếm chác
Tổ chức BPSOS do Phan Lạc Tiếp (SN 1933) - nguyên sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Nguyễn Hữu Xương - nguyên giáo sư Đại học San Diego, thành lập năm 1980, có trụ sở tại San Diego, Carlifornia (Mỹ), sau đó được chuyển giao cho Nguyễn Đình Thắng (SN 1988, tại TP.HCM, quốc tịch Mỹ), tiếp tục điều hành BPSOS. Sau khi tiếp nhận, Thắng đã dời trụ sở của BPSOS đến bang Falls, Church, Virginia (Mỹ) và hướng lái hoạt động sang lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “chủ quyền”, “tôn giáo”,... để chống phá Việt Nam.
Thời gian qua, Thắng chỉ đạo các thuộc hạ thường xuyên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Để thuyết phục hơn, chúng tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội với chủ đề: “Tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Chúng còn đứng ra thành lập cái gọi là “Đề án dân quyền Việt Nam” và đưa ra “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” phục vụ mục đích chống phá chính quyền Việt Nam trên không gian mạng.
Đặc biệt, sau khi “ngửi thấy mùi tiền” từ cơ quan thường xuyên tư vấn cho Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng và Tổng thống về chính sách đối ngoại về tự do tôn giáo toàn cầu là “Quỹ hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế” (USCIRF), Thắng vẽ ra cái gọi là “Dự án quốc tế nhắm vào các tổ chức tôn giáo được sử dụng làm công cụ đàn áp tôn giáo” (công bố ngày 28/12/2023).
Và USCIRF nghiễm nhiên đứng sau bảo trợ cho dự án này vì “đôi bên cùng có lợi”. Thắng và BPSOS thì có tiền, còn USCIRF có thêm cánh tay phải để liên kết với các chức sắc cực đoan chống đối như linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, linh mục Đặng Hữu Nam (Công giáo), Hứa Phi (Cao Đài), Thích Không Tánh (Phật giáo Việt Nam thống nhất), nhằm thúc ép Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC).
Về đối tượng khảo sát, BPSOS nhằm vào các tổ chức tôn giáo: Chi phái Cao đài 1997, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Đây là những tổ chức tôn giáo đang hoạt động tích cực ở Việt Nam, được pháp luật thừa nhận, bảo hộ. BPSOS đã tự cho mình quyền phán xét, phục dựng những thông tin về các tổ chức tôn giáo, được mô tả là: “Lịch sử hình thành và tính cách lệ thuộc Nhà nước, cách thức Nhà nước sử dụng nó làm công cụ để thực hiện hoặc che đậy chính sách đàn áp tôn giáo và những tác hại gây nên cho các cộng đồng hay nhóm tôn giáo độc lập; lập danh sách các cơ sở tôn giáo đã bị Nhà nước tịch thu, phá hủy hoặc bàn giao cho các tổ chức kể trên”.
Chúng rêu rao rằng nguồn thu thập thông tin của dự án là qua phỏng vấn nhân chứng, người am hiểu các tổ chức, qua văn bản, tài liệu của Nhà nước Việt Nam,...
Tuy nhiên, đó chỉ là bình phong cho hoạt động chống phá của chúng. Điểm qua những gương mặt được gọi là “nhân chứng” thì đều là những cá nhân chống đối, phạm tội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đơn cử như một số đối tượng liên quan vụ khủng bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại tỉnh Đắk Lắk; một số chức sắc, tín đồ người Mông theo đạo Tin lành có quan điểm sai trái để rêu rao, lên án chính quyền Việt Nam “đàn áp đạo Tin lành”; một số cá nhân chống phá trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất - tổ chức không được pháp luật Việt Nam thừa nhận;...
Nâng cao cảnh giác, tăng cường “sức đề kháng”
Thực tế, mọi hoạt động của BPSOS đều nhằm gây quỹ, xin tài trợ, phục vụ lợi ích cá nhân của Nguyễn Đình Thắng và nhóm điều hành. Chúng dùng mọi thủ đoạn, phương thức để vừa chống phá nước ta, vừa thu lợi về mình. Để thực hiện "khảo sát tôn giáo", BPSOS đã lập cái gọi là “ban điều phối” tiến hành nghiên cứu và quản lý dữ liệu dự án. Trong đó, chúng tập trung vào các thành phần thuộc các tổ chức, cá nhân, chức sắc tôn giáo không được pháp luật công nhận như nhóm Phật giáo Việt Nam thống nhất, Cao Đài chơn truyền năm 1926 và Phật giáo Hòa Hảo độc lập (đều là những nhóm, tổ chức có vấn đề về nguồn gốc lịch sử; nhiều tín đồ, chức sắc thuộc các nhóm, tổ chức này có hoạt động chống phá chính quyền nhân dân). Do đó, thực chất “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” là công cụ để các thế lực thù địch, cơ hội, phản động lưu vong thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Để thực hiện âm mưu của mình, BPSOS đang lôi kéo, tập hợp lực lượng trong nước để hình thành khoảng 1.000 “cộng đồng” trên không gian mạng, qua đó, chúng thường xuyên tuyên truyền những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu cáo về hoạt động tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam. Trên danh nghĩa "khảo sát tôn giáo", chúng móc nối, tuyển nhân viên và các tình nguyện viên trong nước, tạo ra các “chiến dịch” truyền thông rầm rộ trên không gian mạng.
Tên Thắng đã cầm đầu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên cốt cán tổ chức các hội thảo trên mạng xã hội, tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo trong nước; thường xuyên phỏng vấn nghị sĩ, quan chức nước ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam; cử đại biểu tham dự các buổi nghị luận, phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, các nước phương Tây. Đặc biệt, trong tháng 01-2024, khi Mỹ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế, BPSOS đã cử đại diện tham dự phát biểu tố cáo Việt Nam “vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Các hoạt động được chúng livestream, chia sẻ trên nhiều nền tảng nhằm vận động chính giới phương Tây tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam.
Hiện nay, BPSOS vẫn rầm rộ triển khai “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”. BPSOS đã lập ra các tài khoản mạng xã hội, email để chức sắc, tín đồ có thể gửi hình ảnh, thông tin. Từ đó, chúng tập hợp thành những “báo cáo” nhào nặn thành “chứng cứ” làm cơ sở cho Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần nhận thức rõ âm mưu, ý đồ về cái gọi là “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” để tăng cường, nâng cao “sức đề kháng”, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta./.
Huyền Linh