Chị Huỳnh Thị Ngọc Trân bên các "bé" Animators do mình sưu tầm và đan, móc trang phục
Không chỉ là giải trí
Bên cạnh búp bê Barbie, Animators cũng là một trong những dòng búp bê nổi tiếng của hãng Disney lấy ý tưởng từ những nàng nhân vật hoạt hình như Nàng tiên Tinkle Bell, Tiên cá Ariel, công chúa tóc mây Rapunzel, Hoa Mộc Lan,… Với kiểu dáng dễ thương, gương mặt bụ bẫm cùng trang phục bắt mắt, chưa kể, người chơi còn có thể face-up (trang điểm) búp bê theo ý thích của mình, Animator dần trở nên thu hút người chơi và sưu tầm.
Được biết, hiện nay, cộng đồng chơi búp bê ngày càng nhiều với đa dạng chủng loại, trong đó, Animators là một trong những dòng phổ biến nhất. Rất nhiều người, thậm chí là các bạn nam cũng có sở thích sưu tầm loại búp bê này. Trên mạng xã hội hay các trang bán hàng online, “thị trường” trao đổi, mua bán búp bê cùng các phụ kiện, dịch vụ đi kèm cũng không kém phần sôi động.
Những người sưu tầm búp bê, đặc biệt là Animators đa phần phải có khả năng tài chính vì giá thành của 1 búp bê nguyên bản từ nhà sản xuất không hề rẻ, từ 750.000 đồng/con trở lên, riêng với những búp bê được sản xuất với phiên bản giới hạn (số lượng ít hoặc đã ngừng sản xuất) thì giá thành càng đắt hơn, chưa kể các chi phí cho dịch vụ khác khi muốn trang trí, thay đổi gương mặt cho chúng. Chị Huỳnh Thị Ngọc Trân, ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ, cách đây vài năm, chị tình cờ biết đến Animators trong một lần gặp gỡ những người bạn yêu thích đan, móc len. Chị mua thử 1 “bé” về để đan áo đầm rồi càng chơi lại càng say mê bởi sự dễ thương, cuốn hút. Đến nay, chị có khoảng 10 “bé” Animators với đủ các nhân vật.
Ngoài ra, với búp bê, chị Trân có thể sáng tạo, tận dụng len hay các vật liệu thừa để móc áo, nón, phụ kiện, nơ cài tóc,… Các “bé” còn trở thành “người mẫu” để chị “lên đồ” và bán trang phục, phụ kiện cho búp bê.
Thu nhập từ trang điểm búp bê giúp Phan Ngọc Sang tự lập, có thể trang trải được việc học và trở thành trụ cột của gia đình
“Hô biến” búp bê
Không chỉ sưu tầm búp bê, nhiều người khéo tay, sáng tạo còn có thể “hô biến” chúng thay đổi hoàn toàn so với hình dáng ban đầu, từ gương mặt, mái tóc, thậm chí là chuyển giới từ bé gái dễ thương sang bé trai cá tính,… Điều này càng khiến các “tín đồ” của búp bê mê mẩn.
Trong giới chơi búp bê, Phan Ngọc Sang (sinh viên năm cuối Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) là cái tên không xa lạ và được rất nhiều khách hàng tin tưởng gửi gắm búp bê để được “phẫu thuật thẩm mỹ”, bởi bất kỳ “em” nào “qua tay” Sang cũng sẽ được “lột xác”, trở nên xinh đẹp. Sang kể, trước đây, khi là sinh viên năm 2, trong một lần tình cờ thấy cô bạn ngồi cạnh xem các video clip về trang điểm búp bê, Sang tò mò rồi bị “cuốn” theo lúc nào chẳng hay. Về nhà, anh chàng mua búp bê giá rẻ để tập vẽ. Sang xác định vẽ để thỏa mãn đam mê là chính nên sẵn sàng tặng những tác phẩm đầu tay chứ không nghĩ sẽ có được thu nhập từ công việc này. Tuy nhiên, với kiến thức sẵn có được đào tạo bài bản của một sinh viên trường kiến trúc cộng với sự khéo léo, sáng tạo của mình, sản phẩm của Sang ngày càng được nhiều người biết đến, các đơn hàng ngày càng nhiều.
Ngoài Animators, Sang còn face-up cho rất nhiều dòng búp bê khác
Đến nhà của chàng trai này, người viết như “hoa mắt” với cơ man nào là búp bê, cũ có, mới có, và nhất là lộng lẫy như công chúa hay cá tính, dễ thương, Sang đều thực hiện được. Sang chia sẻ, là con trai mà lại thích búp bê nên cũng bị nhiều người tò mò hoặc trêu chọc. Nhưng rồi, nhờ tài năng của mình, Sang chứng minh để mọi người thấy được sự thành công của bản thân. Với đôi bàn tay tài hoa của mình, có thể nói, trang điểm búp bê dần trở thành công việc chính giúp Sang trở thành trụ cột của gia đình, đủ khả năng tự lập, sống được với nghề và quan trọng nhất là thỏa mãn niềm đam mê. Hiện tại, bên cạnh các khách hàng ở Việt Nam, nhiều người nước ngoài cũng tìm đến, liên hệ và đặt hàng sản phẩm của Sang.
“Trong các công đoạn face-up, bên cạnh đôi mắt thì lông mày là khó nhất bởi nó thể hiện được hết các trạng thái cảm xúc như buồn, vui, giận dữ,… Với tôi, mỗi búp bê sẽ được vẽ một gương mặt khác nhau, chẳng "bé" nào trùng với "bé" nào mới được gọi là độc đáo” - Sang chia sẻ.
Từ những búp bê được sản xuất hàng loạt giống nhau, với nguyên liệu như màu nước, chì, acrylic,… Sang đã “hô biến” chúng với cá tính, phong cách riêng. Trung bình, thời gian vẽ búp bê liên tục khoảng 4-5 giờ nhưng mất rất nhiều công sức nên giá thành cũng khá cao, dao động từ 800.000 đồng - 2,5 triệu đồng/con, tùy yêu cầu của khách hàng.
Hiện nay, rất nhiều người nghĩ rằng vẽ búp bê dễ “hái” ra tiền nên chỉ mới tập tành vẽ chưa bao lâu đã vội vàng “ra nghề” kiếm tiền. Do đó, có nhiều khách hàng sau khi nhận được búp bê vẽ bị lỗi lại phải nhờ Sang sửa lại rất vất vả. Với Sang, do xuất phát ban đầu không phải vì yếu tố tài chính mà từ niềm đam mê, cộng với vốn kiến thức sẵn có, qua quá trình rèn luyện lâu dài mới có thể đạt được thành quả như hôm nay. Sang hạnh phúc vì sở thích của mình lại có thể giúp mình có thu nhập để lo cho bản thân và gia đình - đây cũng là động lực để Sang tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại.
Một búp bê Animators Bạch Tuyết nguyên bản (phải) trở nên xinh đẹp, sống động hơn sau khi được Sang face-up (bên trái)
Ngoài Animators, Sang còn vẽ rất nhiều loại búp bê khác như BJD (búp bê khớp cầu), Monster High và Barbie,… Ngày ngày, Sang vẫn miệt mài vừa vẽ, vừa rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm với ước mơ sau này có một dòng búp bê mang thương hiệu của chính mình.
Trước giờ, chơi búp bê là cách rèn luyện cho trẻ nhỏ sự quan tâm, chăm sóc người khác. Tuy nhiên, đừng ngại rằng khi đã lớn rồi thì không thể chơi búp bê vì thế giới cổ tích hồn nhiên ấy không chỉ dành cho trẻ nhỏ. Búp bê mang lại giá trị tinh thần không thể diễn đạt bằng lời. Sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, dành một chút thời gian chăm sóc “các con”, nếu khéo tay hơn thì có thể trang điểm, may quần áo cho chúng, người chơi sẽ thấy yêu đời, thoải mái hơn rất nhiều. Búp bê không dành riêng cho bất kỳ độ tuổi nào, ai yêu mến sự hồn nhiên, trong sáng, yêu thích sự sáng tạo đều có thể nuôi dưỡng sở thích đáng yêu, độc đáo này!./.
Phạm Ngân