Tiếng Việt | English

03/05/2022 - 09:27

Khơi dậy khát vọng cống hiến trong học sinh, sinh viên

Thời gian qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn được Ðảng, Nhà nước, ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm. Ngành giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục để nâng cao đạo đức, lối sống, ý thức, trách nhiệm cũng như khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ.

Giờ học tại Trường THPT Lạng Giang số 1, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Giờ học tại Trường THPT Lạng Giang số 1, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Thực hiện Quyết định số 1895/QÐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030", nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã chủ động, có nhiều sáng kiến để thực hiện hiệu quả yêu cầu trên.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết, giải pháp triển khai của trường là đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống qua các chủ đề dạy học và các hoạt động giáo dục. Trong thời gian qua, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành xác định Giáo dục công dân là môn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng cho học sinh về nhận thức, tình cảm, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật để học tập, làm việc có trách nhiệm. Nhiều nội dung giáo dục pháp luật được tích hợp vào môn học này một cách linh hoạt và hiệu quả như: Giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng; giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường; giáo dục an toàn giao thông... Học sinh được gắn kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống để có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Qua đó, mỗi học sinh hình thành và rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật, dũng cảm phê phán, tố cáo điều sai trái, biết sống trung thực, bảo vệ cái tốt, điều hay lẽ phải, sống đẹp, sống có ích cho chính mình và lan tỏa tinh thần đó tới mọi người. Ở các môn học khác như: Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý cũng được trường lồng ghép nhiều nội dung giáo dục về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh. Không chỉ học trên lớp, học sinh còn được học tại bảo tàng, tại các di tích lịch sử, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành của trường đại học, được tạo cơ hội để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa, bên cạnh các biện pháp mà ngành giáo dục Thủ đô đang thực hiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục được xem là giải pháp trọng tâm và hiệu quả. Ngành giáo dục khuyến khích cán bộ, nhà giáo, học sinh xây dựng, phổ biến tin, bài, bài giảng về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trên diễn đàn, trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Ðịnh kỳ ba năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội tổ chức Ngày hội công nghệ thông tin với chủ đề "Chuyển đổi số ngành giáo dục-xây dựng giáo dục thông minh". Ðây là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa trong quản lý, hoạt động dạy và học; khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh có ý thức, trách nhiệm, khát vọng xây dựng thành phố thông minh, giáo dục thông minh.

Sinh viên Chu Thành Ðạt, Trường đại học Ngoại ngữ (Ðại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, năm 2021 đã qua đi với rất nhiều biến động và thử thách đặt ra cho đất nước bởi đại dịch Covid-19. Dẫu vậy, những thử thách ấy vẫn không thể nào ngăn được thế hệ trẻ Việt Nam tiến về phía trước. Ðó là hình ảnh những bạn trẻ xung kích cùng nhau chung tay, tích cực tham gia, hỗ trợ các lực lượng phòng, chống dịch. Ðó là các y, bác sĩ trẻ, các cán bộ, chiến sĩ trẻ không sợ hiểm nguy, sẵn sàng tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ ở khu cách ly, các chốt phòng, chống dịch, tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giúp đỡ các gia đình, thanh, thiếu niên gặp khó khăn bởi đại dịch; nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên đã xao nhãng, quên đi trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

Mặc dù giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống được chú trọng nhưng GS, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc học tập các môn khoa học xã hội và nhân văn; trong đó, môn Tâm lý học, Giáo dục học, Luật học, Lịch sử nhà nước và pháp luật chưa đạt kết quả như mong đợi. Những phản hồi của người học về các biểu hiện như: Còn khá nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển hiện đại của xã hội, nhất là bối cảnh mới. Ðiều này cho thấy cần điều chỉnh một số môn học nói trên sao cho gọn, nhẹ và tăng cường nội dung ứng dụng thực tiễn, để tạo sự yêu thích, hứng thú cho sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống và khát vọng cống hiến của người học.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, ý thức, năng lực để thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã và đang triển khai nhiều công việc để đạt tới mục tiêu đó, mà Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030" là một trong các nội dung quan trọng. Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên và nhi đồng; đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng các môn học từ phổ thông đến đại học để việc "học đi đôi với hành". "Ðể khơi dậy, tạo dựng được con người có khát vọng, tôi mong rằng các cơ sở giáo dục và đào tạo tạo dựng được lớp nhà giáo có năng lực, phẩm chất và giàu khát vọng. Nếu không có đội ngũ nhà giáo giàu khát vọng thì khó có được lớp học sinh, sinh viên giàu khát vọng", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ./.

Theo nhandan.vn

Chia sẻ bài viết