Tiếng Việt | English

18/08/2022 - 20:02

Không bắt buộc sử dụng trắc nghiệm trong đề thi Ngữ văn

Với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT không yêu cầu cụ thể hình thức kiểm tra, đánh giá, mà nhấn mạnh, việc đánh giá học sinh cần đảm bảo nguyên tắc đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất và năng lực học sinh theo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất và năng lực học sinh theo yêu cầu cần đạt

Nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận

Ngày 18/8, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ không có văn bản nào hướng dẫn hoặc chỉ đạo việc bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn.

Để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới.

Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học).

Việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt của từng công cụ, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả từng công cụ trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định.

Không yêu cầu cụ thể hình thức kiểm tra

Bộ GD&ĐT cho biết thêm, để tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Bộ đã ban hành Công văn 3175/BGD&ĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Trong đó, không yêu cầu cụ thể hình thức kiểm tra, đánh giá, mà nhấn mạnh việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất và năng lực học sinh theo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đó là, phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh; tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng; khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn./.

Theo Báo Chính phủ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích