Tiếng Việt | English

18/12/2020 - 09:55

Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh khi tái đàn vật nuôi

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Long An liên tục xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng trên bò. Điều này khiến người chăn nuôi lo lắng, bởi đây là thời điểm nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu tăng đàn, tái đàn để phục vụ thị trường tết.

Người dân cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi

Người dân cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi

Trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm, 9 ổ dịch tả heo châu Phi và 3 ổ dịch lở mồm long móng trên bò tại các huyện: Tân Trụ, Cần Đước, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Hưng.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay, các địa phương trong tỉnh ngoài tập trung khống chế dịch bệnh còn đẩy nhanh công tác tăng, tái đàn gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi tỉnh yêu cầu các hộ chăn nuôi thận trọng và có sự chủ động hợp tác với các đơn vị chức năng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.

Huyện Cần Đước hiện có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết. Bà Phan Thị Thanh Tuyền, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, chăn nuôi theo kiểu gia trại đã gần 10 năm. Năm nào cũng vậy, gần tết, gia đình bà đều tăng thêm 2.000 con gà thịt. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên bà chỉ tăng thêm 500 con gà thịt.

Bà Tuyền cho biết: “Ngoài vệ sinh chuồng trại, giữ ấm cho đàn gà, tôi luôn cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng, bổ sung thêm vitamin, B-complex, men tiêu hóa để tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho gà. Đồng thời, tôi cũng tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định cho đàn vật nuôi. Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 1.500 con gà đang phát triển ổn định”.

Không chỉ gia đình bà Tuyền, nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện trên địa bàn huyện Cần Đước có khoảng 1,2 triệu con gia súc, gia cầm. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, từ đầu tháng 11/2020 đến nay, trên địa bàn huyện Cần Đước xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 tại các xã: Long Định, Long Cang. Tân Lân, Phước Đông và 1 ổ dịch LMLM trên bò tại xã Long Cang. Toàn bộ gia súc, gia cầm bị bệnh đã được tiêu hủy theo đúng quy định của cơ quan chuyên môn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tiêm ngừa vắc-xin cho gia súc, gia cầm tại vùng dịch; đồng thời, vận động người dân tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm và khử trùng, tiêu độc chuồng trại, tăng cường chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi,...”.

Chăn nuôi heo đã gần 10 năm, anh Lê Văn Thảo, ngụ ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Hiện gia đình anh nuôi 50 con heo, trong đó, heo thịt chiếm gần 80%, còn lại là heo nái và heo con. Anh Thảo chia sẻ: “Tôi đặt tiêu chí phòng bệnh hơn chữa bệnh lên hàng đầu, không chủ quan, lơ là với bất cứ dịch bệnh nào trong chăn nuôi. Từ khi bắt đầu nuôi heo, gia đình tôi luôn tuân thủ theo đúng khuyến cáo của ngành là tiêm phòng đầy đủ theo lịch và vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro”.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí cho biết, hàng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm và mật độ chăn nuôi trên địa bàn đều tăng vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn ở mức rất cao. Bởi một số cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh chưa được quản lý chặt chẽ; người chăn nuôi còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh; một số tỉnh, thành lân cận đã bùng phát dịch bệnh trở lại; thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và lây lan.

Để không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dịp cuối năm, ông Dương Minh Phí khuyến cáo các địa phương trong tỉnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc-xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. Cùng với đó, Chi cục tiếp tục phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo trái phép.

“Để giảm rủi ro, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, để chăn nuôi heo an toàn sinh học, người dân cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, vệ sinh thú y, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khi tái đàn hoặc nuôi mới phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai với chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra” - ông Phí cho biết thêm./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết